Điều gì sẽ xảy ra nếu các ngân hàng tại Cộng hòa Cyprus (Síp) sụp đổ, chính phủ tan rã và nước này rời bỏ Khu vực sử dụng đồng tiền chung euro?Liên minh châu Âu (EU), Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) và các nhà lãnh đạo của Cyprus đang nỗ lực tìm kiếm một thỏa thuận nhằm đảm bảo rằng Cyprus có thể nhận được khoản cho vay trị giá 10 tỷ euro (tương đương 13 tỷ USD) và ngăn chặn khả năng hệ thống ngân hàng của nước này bị sụp đổ.
Người dân Cyprus biểu tình phản đối chính sách đánh thuế tiền gửi vào ngân hàng của chính phủ. Ảnh: Internet. |
Quốc hội Cyprus vừa bác bỏ một thỏa thuận yêu cầu đánh thuế mọi khoản tiền gửi ngân hàng tại quốc gia này. Tình hình tại Cyprus càng thêm căng thẳng sau khi ECB gia tăng sức ép bằng cách tuyên bố họ sẽ cắt các khoản hỗ trợ khẩn cấp dành cho các ngân hàng của Síp vào ngày 25/3 nếu nước này không đạt được thỏa thuận nào. Đó sẽ là trường hợp xấu nhất có thể xảy ra.
Thậm chí nếu Cyprus có thể đi tới một thỏa thuận nào đó đi chăng nữa thì quá trình đưa ra quyết định chính sách đầy lộn xộn trong tuần qua sẽ khiến lòng tin tại quốc gia này và ngay bản thân liên minh sử dụng đồng tiền chung euro bị lung lay. Dưới đây là những khả năng xấu có thể xảy ra.
Đối với CH CyprusHậu quả mà Cyprus phải gánh chịu có thể sẽ rất nặng nề, do đó nhiều nhà phân tích cho rằng nước này sẽ phải đạt được một thỏa thuận nào đó. Nếu không có được thỏa thuận thì điều duy nhất có thể giúp các ngân hàng của nước này sống sót là các khoản cho vay ngắn hạn từ Ngân hàng Trung ương Cyprus với lời chúc may mắn từ ECB.
Các ngân hàng cần khoản tài chính đặc biệt này bởi họ không thể đi vay mượn theo cách thông thường. Quỹ thế chấp của họ không đủ lớn để họ có thể nhận được các khoản cho vay bình thường từ ECB, trong khi đó, các thể chế tài chính khác không muốn cho họ mượn tiền do lo ngại Cyprus sẽ không có khả năng trả nợ. Theo logic, sau ngân hàng sẽ đến lượt Chính phủ Cyprus phá sản cho dù bởi vì họ phải chống đỡ cho hệ thống ngân hàng hay họ phải phải bảo đảm cho các khoản tiền gửi trị giá dưới 100.000 euro (130.000 USD).
CH Cyprus có thể phải đối mặt với sự sụp đổ hoàn toàn không chỉ của nền kinh tế mà còn của toàn bộ nền tảng xã hội. Một số nhà kinh tế cho rằng trong bối cảnh tiền euro ngày càng trở nên kham hiếm, Cyprus có khả năng phải phát hành một số loại giấy nợ cho người dân để họ có thể mua sắm những nhu yếu phẩm cần thiết. Điều này có thể dẫn tới tình trạng siêu lạm phát, giá cả hàng hóa bị đẩy lên gấp đôi hoặc gấp ba. Thương mại sẽ dần đình trệ và cuối cùng sẽ ngừng hẳn.
Cyprus có thể sẽ rời bỏ khu vực đồng euro và không ai có thể biết điều gì sẽ thực sự xảy ra sau đó. Đó sẽ là viễn cảnh vô cùng tồi tệ xảy ra với Cyprus và châu Âu đến nỗi một số nhà phân tích cho rằng EU sẽ phải hành động để ngăn chặn khả năng này.
Đối với khu vực đồng euro
Nền kinh tế của CH Cyprus là một bộ phận rất nhỏ của toàn bộ nền kinh tế Eurozone - chỉ chiếm 0,2% - tuy nhiên lĩnh vực ngân hàng của nước này có mối quan hệ mật thiết với Hy Lạp, do đó nếu Síp đổ vỡ sẽ gây ra tác động rất tàn khốc đối với Hy Lạp - quốc gia vốn đang trong tình trạng khó khăn. Các quan chức châu Âu có thể phải nhanh chóng bảo vệ Hy Lạp. Hy Lạp được bảo vệ tốt bao nhiêu sẽ quyết định sự sụp đổ của hệ thống ngân hàng tại Síp sẽ tác động như thế nào tới Eurozone. Đó là trong trường hợp Cyprus vẫn có thể xoay xở để ở lại.
Nếu Cyprus rời bỏ khu vực này, hậu quả sẽ là khôn lường. Một số người cho rằng động thái này sẽ làm gia tăng lo ngại về việc các nước khác, ví dụ như Hy Lạp, cũng sẽ rời bỏ khu vực đồng euro. Điều này dẫn tới chi phí đi vay của các nước này trên thị trường trái phiếu gia tăng, khiến họ khó khăn hơn trong việc gây quỹ để giảm thâm hụt ngân sách và có khả năng buộc bọ phải tìm kiếm các gói cứu trợ. Nếu những lo ngại này trở nên tồi tệ hơn, các nhà đầu tư và những người gửi tiết kiệm sẽ rút tiền khỏi Cyprus, gây đe dọa tới hoạt động ngân hàng của nước này.
Hiện nay, khủng hoảng tại Cyprus chưa gây ra tình trạng hoảng loạn lan rộng ra các nước đang mắc nợ khác như Italia hay Tây Ban Nha. Đó là bởi ECB đã cam kết "làm tất cả những gì có thể" để cứu Eurozone, bao gồm cả việc mua trái phiếu chính phủ của những quốc gia đang gặp rắc rối nhằm giữ chi phí đi vay của họ ở mức thấp. Tuy nhiên, cho dù CH Cyprus có đi tới một thỏa thuận nào đó vào ngày 25/3 thì ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng tại quốc gia này cũng sẽ tác động tới toàn châu Âu trong một thời gian nữa.
TTXVN/Tin Tức