Chàng trai M’Nông mê sưu tầm đàn đá

Phạm Văn Phương, sinh năm 1977 sống tại bon Bu Bia, xã Quảng Tín, huyện Đắk R’lấp, tỉnh Đắk Nông, mang trong người hai dòng máu: Bố dân tộc Kinh, mẹ là dân tộc M’Nông. Sinh ra và lớn lên trong không gian văn hóa đậm bản sắc của dân tộc M’Nông khiến niềm say mê văn hóa dân gian M'Nông, trong đó có đàn đá, rất sâu đậm trong Phương. 5 bộ đàn đá do anh phát hiện và sưu tầm đang mang lại âm hưởng tiếng đàn độc đáo trong các dịp tổ chức lễ hội, cộng đồng trên địa bàn bon, xã, huyện.

Phạm Văn Phương giới thiệu những bộ đàn đá anh sưu tầm được.


Những bộ đàn đá của anh Phương hầu như đều tìm thấy tại suối Đắk Ka khi mùa khô nước rút. Anh Phương cho biết: “Sau khi phát hiện được 1 bộ, tôi mang về cho các già làng, nghệ nhân tại bon thẩm định, tiếng nhạc đúng là goòng lú (tên gọi theo tiếng M’Nông). Tôi đã được các già làng ủng hộ tìm kiếm thêm. Từ năm 2001 đến nay, tôi đã phát hiện nhiều thanh đá tại suối Đắk Ka với kích thước lớn nhỏ khác nhau, có những âm điệu như tiếng cồng chiêng, mang về cho các nghệ nhân, già làng thẩm định và sắp xếp thành bộ”.


Sau thời gian tìm kiếm, anh Phương đã sưu tầm được 5 bộ đàn đá, mỗi bộ 3 thanh, mỗi thanh nặng từ 5 kg đến 15 kg. Theo anh Phương, sưu tầm đàn đá không chỉ để “làm cảnh”. Đàn đá của anh đã được bon, xã mượn cho các nghệ nhân diễn tấu tại các buổi sinh hoạt, lễ hội, thể thao tại địa phương. Thế nhưng hiện nay loại nghệ thuật này, ở bon số người biết đánh rất ít. Đa số các nghệ nhân chỉ có thể công diễn được từ 3 - 5 bài tấu.


Với những bộ đàn đá có được, Phương được xem là người có nhiều bộ đàn đá nhất Đắk Nông hiện nay. Nghệ nhân Điểu Đua của bon Bu Bia: “Chính bản sắc dân tộc đã giúp cho Phương cảm nhận được cái “thần” trong những thanh đá và khôi phục lại nét văn hóa cổ cho buôn. Hiện nay có một bộ được Phòng Văn hóa - Thông tin huyện mượn để đi diễn tấu trong các liên hoan, hội diễn tại các địa phương trong tỉnh”. Chàng trai M’Nông trẻ sưu tầm được nhiều bộ đàn đá đã được nhiều người biết và nhiều người trong cả nước tìm đến hỏi mua về. “Âm vang cồng chiêng, sắc màu văn hóa và tình yêu với văn hóa dân tộc khiến tôi chưa có ý nghĩ sẽ bán nó đi”, Phương tâm sự. Không những thế, Phương dự định trong tương lai sẽ lại tiếp tục đi tìm, sưu tầm thêm nhiều bộ đàn đá cho mình.


Bài và ảnh: K’GỬIH

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN