Tín dụng tăng tốc
Theo thông báo của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), tăng trưởng tín dụng toàn ngành đã đạt 8,16% trong 6 tháng đầu năm 2016 (so với mức tăng trưởng 6,28% của cùng kỳ năm 2015). Đây là mức tăng trưởng cao so với cùng kỳ của nhiều năm gần đây. Một số chuyên gia trong ngành cho biết: Lãi suất cho vay được một số ngân hàng thương mại (NHTM) điều chỉnh giảm cũng là điều kiện thuận lợi để giúp cho tín dụng tăng tốc.
Trong đó, tại TP Hồ Chí Minh cũng có mức tăng trưởng tín dụng gần 9% trong 6 tháng đầu năm nay, góp phần quan trọng trong tăng trưởng kinh tế ở mức 7,74%, tương đương với khoảng 476.900 tỷ đồng tổng sản phẩm nội địa. “Có đến 76 - 80% trên tổng dư nợ tín dụng được đầu tư vào sản xuất kinh doanh. Bên cạnh đó, tín dụng tăng nhanh trong nửa đầu năm nay nhờ các thị trường phục hồi, thúc đẩy sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và các hộ gia đình”, đại diện NHNN chi nhánh TP Hồ Chí Minh nói.
Khách hàng giao dịch tại Ngân hàng NCB. |
Khối phân tích của Công ty chứng khoán HSC nhận định: Với mức tăng trưởng trên thì mục tiêu tăng trưởng tín dụng 18 - 20% có khả năng đạt được trong năm nay. Trong khi đó, lãi suất cho vay đã giảm trong tháng trước sau khi duy trì tăng lên vào những tháng đầu năm. Tất cả những nhân tố này hình thành môi trường khá thuận lợi đối với tín dụng vào thời điểm hiện tại.
Đề cập tới vấn đề này, TS Cấn Văn Lực cho rằng: Kế hoạch tăng trưởng tín dụng 18 - 20% năm nay khá cao nhưng không phải là mục tiêu bất khả thi bởi tín dụng thường tăng nhanh vào những tháng cuối năm. Do đó mức tăng trưởng 16 - 18% là tương đối phù hợp và có cơ sở để đạt được. Thêm nữa, một số chính sách tháo gỡ tín dụng thời gian qua như Thông tư 06; Thông tư 07 hay Chỉ thị 04/CT-NHNN của NHNN về một số giải pháp điều hành chính sách tiền tệ và hoạt động ngân hàng những tháng cuối năm 2016 sẽ là những tiền đề tạo điều kiện cho tổ chức tín dụng (TCTD) đạt được như kỳ vọng đặt ra.
Áp lực lạm phát vẫn tiềm ẩn
Tín dụng tăng tốc vừa mừng lại vừa lo. Không ít người băn khoăn cung tiền cho nền kinh tế tăng mạnh sẽ tạo áp lực lên lạm phát, vốn đang chịu sức ép sau nhiều tháng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng liên tục.
Số liệu mới nhất của Tổng cục Thống kê cho hay: CPI tháng 7/2016 tăng 0,13% so với tháng trước, tăng 2,39% so với cùng kỳ năm trước và tăng 2,48% so với tháng 12 năm trước. “Giá hàng hóa thế giới từ nay đến cuối năm sẽ có xu hướng tăng. Giá dịch vụ y tế, dịch vụ giáo dục tiếp tục tăng theo lộ trình cùng khả năng tăng trưởng tín dụng năm 2016 trên 20% sẽ đẩy giá lên nên CPI cả năm 2016 sẽ từ 5 - 5,5%”, TS Lê Quốc Phương, Viện Nghiên cứu Thương mại dự báo.
Chính vì vậy theo TS Nguyễn Trí Hiếu, dù thời điểm này lạm phát vẫn đang trong vòng kiểm soát nhưng từ nay đến cuối năm, nếu cung tiền tăng thì lạm phát sẽ tiệm cận mức 5% như mục tiêu đề ra. Vì vậy, trong điều hành chính sách của NHNN không thể chủ quan, phải có những phương án dự phòng. Trong trường hợp nếu cung tiền vẫn đẩy ra như kế hoạch nhưng thị trường lại có biến động, giá cả các loại hàng hóa tăng tạo áp lực lên lạm phát vượt 5% thì giải pháp kiểm soát cung tiền là hết sức quan trọng. Có thể tăng trưởng tín dụng phải kéo xuống dưới mức mục tiêu đề ra và công cụ giảm tăng trưởng tín dụng nhanh nhất là tăng lãi suất.
Tuy nhiên, quan điểm kiểm soát tín dụng cũng khiến nhiều người lo ngại bởi theo cập nhật mới nhất Cục Quản lý đăng ký kinh doanh (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), trung bình mỗi ngày vẫn có 200 doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động. Lũy kế 7 tháng qua, cả nước có gần 42.630 doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động kinh doanh và hoàn tất thủ tục phá sản. Điều đó cho thấy sức khỏe của doanh nghiệp vẫn còn yếu. Vì vậy thay vì tăng lãi suất, ngân hàng cần kiểm soát dòng vốn đi đến đúng địa chỉ, đảm bảo hiệu quả đồng vốn, giúp ngân hàng kinh doanh tốt hơn.
Trước tình hình này, phía NHNN cho biết: Để thực hiện chủ trương của Chính phủ phấn đấu giảm lãi suất, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, NHNN đã thông qua một số giải pháp.
Thứ nhất, NHNN điều tiết lãi suất hợp lý để đạt được mục tiêu ổn định mặt bằng lãi suất và ngăn xu hướng điều chỉnh tăng lãi suất đã diễn ra tại một số ngân hàng trong những tháng đầu năm, giúp cho các TCTD dễ dàng tiếp cận vốn trên thị trường liên ngân hàng với mức lãi suất tương đối thấp để không phải tăng lãi suất huy động trên thị trường liên ngân hàng. Thứ hai, NHNN đã đưa ra lộ trình phù hợp hơn đối với những điều chỉnh tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn cũng như hệ số rủi ro với các khoản cho vay liên quan đến bất động sản. “Đối với lãi suất cho vay thì Thống đốc đã chỉ đạo các TCTD phải tiết kiệm chi phí hoạt động, cân đối sử dụng vốn cho hợp lý để giảm áp lực tăng lãi suất cho vay và giúp ổn định lãi suất thị trường”, Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng nói.