Chính sách tiền tệ “chung lưng” cùng doanh nghiệp

Chính phủ mới ban hành Nghị quyết số 35/2016/NQ - CP (Nghị quyết 35) về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020. Tại Nghị quyết này, Ngân hàng Nhà nước được giao nhiệm vụ điều hành chính sách tiền tệ chủ động linh hoạt, chặt chẽ, duy trì mặt bằng lãi suất ở mức hợp lý.

“Soi” vào bức tranh kinh tế 6 tháng đầu năm cho thấy, ngành ngân hàng dường như đang “bám” rất sát nhiệm vụ này.
Những “chiếc phao” cho doanh nghiệp

Theo Nghị quyết 35, Ngân hàng Nhà nước phải tiếp tục chỉ đạo các tổ chức tín dụng thực hiện một số giải pháp nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa tiếp cận vốn tín dụng.

Doanh nghiệp có điều kiện tiếp cận nguồn vốn tín dụng khi lãi suất cho vay giảm.

Sau vài ngày Nghị quyết này được ban hành, Thống đốc Lê Minh Hưng đã ban hành một loạt những chỉ đạo quan trọng mà mục tiêu chính là hướng tới hỗ trợ doanh nghiệp.

Đáng chú ý, điểm ưu tiên nổi bật tại Chỉ thị số 04/CT - NHNN về một số giải pháp điều hành chính sách tiền tệ và hoạt động ngân hàng những tháng cuối năm 2016 được ban hành hồi cuối tháng 5 là tạo điều kiện hỗ trợ doanh nghiệp.

Cụ thể, trong những tháng cuối năm 2016, Ngân hàng Nhà nước kiên định với mục tiêu đã đề ra tại Chỉ thị số 01/CT - NHNN ngày 23/2/2016, thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp trong hoạt động sản xuất kinh doanh nhưng không chủ quan với diễn biến của lạm phát.

Cùng với Chỉ thị này, Thống đốc cũng ban hành hai quyết định quan trọng khác liên quan đến các doanh nghiệp bất động sản và xuất khẩu. Với Thông tư số 07/2016/TT - NHNN (Thông tư 07) sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 24/2015/TT - NHNN quy định hoạt động cho vay bằng ngoại tệ, một nhóm đối tượng là các doanh nghiệp xuất khẩu sẽ được trở lại vay vốn bằng ngoại tệ, sau khi cơ chế đã “khép lại” từ ngày 1/4 vừa qua.

Với Thông tư 06/2016/TT - NHNN sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 36/2014/TT - NHNN quy định các giới hạn, tỷ lệ an toàn trong hoạt động của các tổ chức tín dụng, vốn cho vay bất động sản vẫn chưa bị siết trong năm nay. Cụ thể, hệ số rủi ro của các khoản phải đòi để kinh doanh bất động sản tăng từ 150% lên 200% thay vì 250% như dự kiến; tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn giữ nguyên 60% đến hết năm 2016 rồi hạ dần.

Mới đây, người đứng đầu ngành ngân hàng lại có văn bản số 4426/NHNN-VP yêu cầu Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh, thành phố và các tổ chức tín dụng tăng cường triển khai một số nội dung thuộc Chương trình kết nối Ngân hàng - Doanh nghiệp. Ngoài yêu cầu tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp ổn định và phát triển sản xuất, Thống đốc cũng yêu cầu các tổ chức tín dụng đổi mới quy trình cho vay theo hướng đơn giản hóa thủ tục vay vốn nhưng vẫn đảm bảo an toàn vốn vay và phù hợp với quy định của pháp luật, nâng cao khả năng thẩm định để rút ngắn thời gian giải quyết cho vay, tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận vốn tín dụng.

Như vậy, thông điệp từ hàng loạt chính sách mới ban hành mà người đứng đầu ngành ngân hàng muốn gửi đến thị trường là gỡ khó cho doanh nghiệp nhưng vẫn tăng cường kiểm soát.

“Rộng đường” cho vốn rẻ

Tại cuộc đối thoại giữa Thủ tướng với doanh nghiệp diễn ra hồi cuối tháng 4, Thống đốc Lê Minh Hưng đã cam kết kêu gọi các tổ chức tín dụng tiết giảm tối đa chi phí hoạt động để có thể hỗ trợ giảm lãi suất cho vay đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh, chia sẻ khó khăn đối với doanh nghiệp.

Ngay sau lời “hiệu triệu” này, nhiều ngân hàng lớn đã đồng loạt hạ một số mức lãi suất cho vay. Thống đốc Lê Minh Hưng cho biết, các ngân hàng thương mại đã có sự đồng thuận, dự kiến giảm lãi suất cho vay ngắn hạn từ 0,3 - 0,5%/năm và giảm lãi suất trung và dài hạn xuống dưới 10%.

Tuy nhiên, giới phân tích nhận định, diễn biến lãi suất từ nay đến cuối năm 2016 sẽ phụ thuộc rất nhiều vào sự biến động của lạm phát và dư địa để giảm lãi suất không còn nhiều. Mặc dù lạm phát tăng và một số sức ép tăng lãi suất được dự báo sẽ đặt ra thách thức nhất định, song người đứng đầu ngành ngân hàng vẫn khẳng định Ngân hàng Nhà nước sẽ giữ ổn định lãi suất.

Tại Chỉ thị số 04/CT - NHNN về một số giải pháp điều hành chính sách tiền tệ và hoạt động ngân hàng những tháng cuối năm 2016, Thống đốc chỉ đạo các tổ chức tín dụng chủ động cân đối giữa nguồn vốn và sử dụng vốn để đảm bảo thanh khoản, ổn định lãi suất huy động, có điều kiện giảm lãi suất cho vay.
Cùng với đó là rà soát và cân đối khả năng tài chính để áp dụng mức lãi suất cho vay hợp lý trên cơ sở lãi suất huy động và mức độ rủi ro của khoản vay; thực hiện tiết giảm chi phí hoạt động, nâng cao hiệu quả kinh doanh để có điều kiện giảm lãi suất cho vay nhằm chia sẻ khó khăn với khách hàng vay nhưng đảm bảo an toàn tài chính trong hoạt động.

Nhìn lại thị trường ngoại hối sáu tháng qua cho thấy, chưa khi nào câu chuyện chống đô la hóa được thực hiện rốt ráo như thế. Một loạt các quyết định mang tính lịch sử đã được Ngân hàng Nhà nước đưa ra nhằm đẩy lùi tình trạng đô la hóa nền kinh tế. Cơ chế tỷ giá trung tâm được niêm yết hàng ngày ngay lập tức đã khiến giới đầu cơ “khóc ròng” khi cơ hội đầu cơ “lướt sóng” không còn. Đồng thời, đây cũng là giải pháp giúp ổn định thị trường ngoại hối và tăng cường giải pháp chống “đô la hóa” nền kinh tế.


Đỗ Huyền
ADB vẫn cho Việt Nam vay lãi suất ưu đãi đến hết 2017
ADB vẫn cho Việt Nam vay lãi suất ưu đãi đến hết 2017

Tại buổi họp báo chiều 17/6, ông Takehiko Nakao, Chủ tịch Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) chưa có quyết định chính thức về thời điểm Việt Nam không được vay vốn với lãi suất ưu đãi. Do đó, Việt Nam vẫn được vay từ nguồn vốn vay ưu đãi của ADB đến hết năm 2017.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN