Sau gần 5 tháng vất vả giành giật từng lá phiếu cử tri tại 44 bang, thậm chí đã có lúc phải tính chuyện tìm một khuôn mặt mới để "thay ngựa giữa dòng", đến ngày 29/5, giới lãnh đạo đảng Cộng hòa tại Mỹ có thể thở phào nhẹ nhõm khi ứng cử viên mà họ từng trông đợi trong âu lo, cựu Thống đốc Mitt Romney, đã vượt qua cửa ải đầu tiên để có thể được đề cử làm ứng cử viên tổng thống chính thức của đảng này trong cuộc đua giành chiếc ghế ông chủ thứ 45 của Nhà Trắng trước đối thủ gần như duy nhất của đảng Dân chủ, đương kim Tổng thống Barack Obama. Những cuộc vượt ải này cũng đồng nghĩa với sự khởi đầu của một cuộc chiến mới khốc liệt hơn.
Ông Mitt Romney trong cuộc vận động tranh cử ở Craig, Colorado ngày 29/5. Ảnh: AFP/TTXVN |
Với chiến thắng áp đảo hơn 71% trong cuộc bầu cử sơ bộ không còn đối thủ tại bang Texas với 155 suất ghế đại biểu tham dự Đại hội toàn quốc đảng Cộng hòa, ngày 29/5 trở thành ngày mang tính lịch sử đối với cá nhân vị cựu thống đốc 65 tuổi này vì ông đã qua được cửa ải đầu tiên, giành đủ 1.144 suất ghế đại biểu tối thiểu theo luật bầu cử của đảng Cộng hòa để được đề cử làm ứng cử viên chính thức của đảng này bước vào giai đoạn tổng tuyển cử.
Với chiến thắng mới nhất tại bang Texas, cựu Thống đốc thứ 70 của bang Massachussetts, triệu phú có số vốn khoảng 250 triệu USD đã giành được tổng cộng 35 chiến thắng trong 44 cuộc bầu cử sơ bộ của đảng Cộng hòa bắt đầu từ ngày 3/1/2012. Sau khi các đối thủ lần lượt là cựu Thượng nghị sĩ Rick Santorum, cựu Chủ tịch Hạ viện Newt Gingrich tuyên bố bỏ cuộc và Hạ nghị sĩ Ron Paul tuyên bố ngừng chi tiền cho các cuộc vận động, ông Romney bắt đầu được giới bình luận và 74% cử tri Cộng hòa nhìn nhận là “ứng cử viên gần như chắc chắn” của đảng Cộng hòa.
Thế mạnh của ông Romney trước hết là có nguồn tài chính dồi dào, đội ngũ tranh cử hùng hậu, bài bản và được tổ chức khá chặt chẽ. Ông Romney thắng các đối thủ khác của đảng Cộng hòa một phần nhờ sự ủng hộ của những người giàu có với thu nhập tối thiểu từ 100.000 USD/năm trở lên. Theo thống kê, cứ 10 người bỏ phiếu cho ông Romney thì có 4 người có thu nhập trên 100.000 USD/năm trở lên. Tính đến nay, cá nhân ông Romney đã tung vào chiến dịch tranh cử hơn 80 triệu USD, nhận được khoảng 42 triệu lá phiếu ủng hộ, chia bình quân 18,5 USD/phiếu. Nếu tính cả 122 triệu USD mà các tổ chức chính trị đã chi để quảng cáo hình ảnh của ông Romney, vị cựu Thống đốc này đã chi trung bình 30 USD cho một lá phiếu.
Theo nhìn nhận của các chuyên gia, ông Romney không phải là ứng cử viên bảo thủ truyền thống, nhưng lại nhận được sự ủng hộ của lãnh đạo Cộng hòa vì họ xác định ông là người có khả năng nhất có thể ngăn chặn Tổng thống Obama tái cử. Bản thân ông Obama và đảng Dân chủ ngay từ đầu cũng đã rất chính xác khi nhận định ông Romney là ứng cử viên khó đánh bại nhất. Ông Romney là ứng cử viên có thế mạnh ở các bang vùng Đông Bắc và Trung Tây giàu có của nước Mỹ. Tuy nhiên, vị cựu Thống đốc này bị coi là ứng cử viên không có bản sắc rõ nét, không nhất quán và ít kinh nghiệm đối ngoại và an ninh. Một khó khăn nữa đối với ông Romney là làm thế nào để thu hút được lá phiếu của các nhóm cử tri Tin lành Phúc âm rất có thế lực ở các bang miền Nam như Texas và Alabama, một thế lực nhìn nhận đạo Mormon mà ông Romney theo đuổi là tà đạo. Giới chức lãnh đạo và cử tri Cộng hòa cũng lo lắng vì với một ứng cử viên ôn hòa như ông Romney liệu có lặp lại kịch bản năm 2008 khi họ ủng hộ ông John McCain cũng ôn hòa về mặt xã hội nhưng sau đó đã bị thất bại trước ông Obama. Hơn nữa, giới lãnh đạo của đảng Cộng hòa và bản thân ông Romney cũng đang đứng trước một mối lo khác là trong năm bầu cử 2012, cử tri Cộng hòa có vẻ không quan tâm nhiều bằng cử tri Dân chủ.
Nhiệm vụ quan trọng nhất tiếp theo của ông Romney là lựa chọn chính khách nào của đảng Cộng hòa để liên danh tranh cử ghế phó tổng thống. Cho tới nay, đã có khoảng 10 chính khách được nhắc tới trong danh sách có thể liên danh với ông Romney như Thống đốc bang New Jersey, ông Chris Christie; cựu Thống đốc bang Florida Jeb Bush, em trai cựu Tổng thống George W. Bush; Thượng nghị sĩ trẻ bang Florida Marco Rubio,...
Giành thắng lợi trong cuộc đua nội bộ của đảng Cộng hòa không đồng nghĩa với hoa hồng ở phía trước mà thực tế đó là bước khởi đầu cho cuộc chiến "một mất một còn" trên một mặt trận rộng lớn hơn. Hay nói cách khác, giờ đây ông Romney mới chính thức bước vào cuộc chiến lớn của mình.
Thái Hùng (P/v TTXVN tại Mỹ)