Bảo tồn và phát huy giá trị nghi lễ then

Tỉnh Tuyên Quang vừa ban hành kế hoạch bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia nghi lễ then dân tộc Tày, nhằm hoàn thiện hồ sơ, đề xuất Tổ chức Văn hóa, Khoa học và Giáo dục của Liên Hiệp quốc (UNESCO) xem xét, công nhận nghi lễ then dân tộc Tày là Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại, cần bảo vệ khẩn cấp.


Biểu diễn hát Then của đồng bào Tày Tuyên Quang.

 

Theo ông Nguyễn Việt Thanh, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao, Du lịch tỉnh Tuyên Quang, tỉnh sẽ tổ chức nghiên cứu, khai thác, sưu tầm tư liệu, hiện vật về nghi lễ then dân tộc Tày trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang; đồng thời phối hợp với các tỉnh trong khu vực Việt Bắc có nghi lễ hát then khẩn trương hoàn thành việc lập hồ sơ, thủ tục đề nghị UNESCO công nhận nghi lễ then dân tộc Tày là Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại. Xây dựng cơ chế, chính sách khuyến khích, tôn vinh người am hiểu, có công bảo tồn, phát huy di sản văn hóa, nghệ thuật văn hóa dân gian (trong đó có nghệ thuật hát then - đàn tính); cơ chế hỗ trợ (đàn tính, trang phục, dụng cụ biểu diễn...) cho các câu lạc bộ hát then - đàn tính hoạt động. Tổ chức đưa nghệ thuật sân khấu hát Then vào các nội dung các hoạt động ngoại khóa ngoài giờ lên lớp của các nhà trường. Ngoài ra, tỉnh Tuyên Quang sẽ phối hợp với Viện Âm nhạc tổ chức hội nghị “Kiểm kê di sản Then Tày - Nùng - Thái năm 2013” tại tỉnh Tuyên Quang...


Dân tộc Tày ở Tuyên Quang chiếm trên 25% dân số (số dân đông sau dân tộc Kinh). Then dân tộc Tày Tuyên Quang, theo người già kể lại và sách chép theo lời những người đã quá cố, những người am hiểu về Then, như cố nghệ nhân Ma Thanh Cao, ở xã Tri Phú, cố nghệ nhân Hà Phan, ở xã Tân An (huyện Chiêm Hóa), ông Nguyễn Mạnh Thẩm, ở xã Thanh Tương (huyện Na Hang), thì Then xuất hiện từ thời Phùng Hưng (thế kỷ thứ VIII). Trải qua năm tháng thăng trầm của các thời kỳ lịch sử, Then trở thành một loại hình nghệ thuật đặc sắc, độc đáo, tiêu biểu gắn bó sâu sắc với người Tày Tuyên Quang, bởi nó được bắt nguồn từ chính cuộc sống lao động sản xuất của đồng bào Tày và cũng bởi chính họ sáng tạo ra...


"Then" có nguồn gốc từ chữ “Tiên”, có nơi gọi là “Sliên”, nghĩa là "Người của Trời". Then là những khúc hát, điệu múa thuộc thể loại dân ca nghi lễ, được sử dụng trong các lễ cúng chữa bệnh, giải hạn, cầu mùa, lễ cốm, lễ cấp sắc... Vùng hát then tỉnh Tuyên Quang tập trung chủ yếu ở các huyện Chiêm Hóa, Na Hang, Lâm Bình... Trải qua thời gian, tồn tại và phát triển, đến nay, trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang tồn tại 2 dòng then. Dòng then thứ nhất là nghi lễ then cổ, được một số ít nghệ nhân và những người làm nghề then lưu giữ, hành nghề, truyền dạy, đang có nguy cơ bị thất truyền. Dòng then thứ 2 là dòng then mới do những người am hiểu, yêu thích then đặt lời mới theo giai điệu then cổ. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân hiện số nghệ nhân am tường Then cổ hiện chỉ còn đếm trên đầu ngón tay (chỉ còn nghệ nhân Hà Thuấn, ở xã Tân An (huyện Chiêm Hóa) và ông Nguyễn Mạnh Thẩm, ở xã Thanh Tương (huyện Na Hang) nắm giữ được làn điều then cổ nhiều nhất)...


Về nội dung then Tuyên Quang được chia làm 2 nhóm: Then kỳ yên (cầu điều lành và điều tốt) và then lễ hội. Theo thống kê chưa đầy đủ của nhóm khảo sát Bảo tàng Tuyên Quang, Then kỳ yên và Then lễ hội gồm khoảng 60 bài Then cổ, cung, phủ được sử dụng hát trong các nghi lễ. Nhóm Then kỳ yên (đồng bào Tày thường gọi là làm then) được sử dụng trong các nghi lễ: Cúng cầu yên (yên lành), cầu chúc (chúc phúc, chúc năm mới...), chữa bệnh... Then kỳ yên phải trải qua nhiều công đoạn gồm: Cung thổ công, cung phát pang (phát lễ cho họ nội, ngoại), cung thần linh, cung mồ mả, cung vua bếp (táo quân), cung tổ tiên (gia tiên), cung bắc cầu, cầu va (cái cẩu cầu va), cung mụ, cung giải hạn (me khoăn) - cầu mong tránh khỏi tai họa, phủ hội đồng, cung tam bảo, cung vua, cung khảm hải (vượt biển). Then kỳ yên bao giờ cũng tổ chức vào ban đêm yên tĩnh, khi mọi sự sống đã lắng đọng vào giấc ngủ, chỉ còn vang vọng tiếng hát của then, giúp mọi người nghe và cảm nhận từng lời hát một cách đầy đủ, trọn vẹn nhất.


Còn Then lễ hội là những khúc hát khích lệ tinh thần mọi người thêm phấn chấn, vui vẻ, xua tan phiền muộn, cực nhọc vất vả trong cuộc sống, lao động sản xuất để thỏa mãn ước vọng về một cuộc sống đầy đủ hơn, muôn vật sinh linh. Nhóm Then lễ hội thường được sử dụng trong các nghi lễ: Lễ cầu mùa, lễ vào nhà mới, lễ cấp sắc, lễ cốm. Then lễ hội gồm nhiều cung, phủ: Giải uế, khảm hải (vượt biển), tứ bách hoặc phủ thu quạt, pụt luông (chúa của thần nông), nhà phép, hội đồng, tam bảo, chợ tam quang, vua cha...

 

Ngày 30/5/2012, Văn phòng Chính phủ có Thông báo số 195, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đã đồng ý về chủ trương với đề nghị của tỉnh Tuyên Quang về việc lập hồ sơ Di sản văn hóa phi vật thể tiêu biểu hát then của dân tộc Tày tỉnh Tuyên Quang và một số tỉnh khu vực Việt Bắc để đề nghị UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại. Phó Thủ tướng giao Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xem xét, hướng dẫn tỉnh Tuyên Quang, Cao Bằng và các tỉnh phía Bắc hoàn tất hồ sơ, để báo cáo Thủ tướng Chính phủ. Ngày 27/12/2012, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch có Quyết định số 5079/QĐ - BVHTTDL chứng nhận nghi lễ then của người Tày tỉnh Tuyên Quang được đưa vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.


Bài và ảnh: Vũ Quang Đán

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN