Hiện đã được xuất bản lần thứ bảy, báo cáo là bản đánh giá toàn diện đầu tiên về toàn cầu hóa trong giai đoạn đại dịch COVID-19 bùng phát và có nguy cơ lan rộng trên phạm vi toàn cầu. Báo cáo theo dõi các luồng thương mại, vốn, thông tin và con người tại 169 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Sau khi giữ ổn định vào năm 2019, các dự báo hiện tại ngụ ý rằng, chỉ số này giảm đáng kể vào năm 2020 do tác động của đại dịch COVID-19 đối với các xã hội, chẳng hạn như việc đóng cửa biên giới, lệnh cấm du lịch và cấm các hãng hàng không chở khách.
Tuy nhiên, đại dịch khó có thể đưa mức độ kết nối chung của thế giới xuống dưới mức mà nó đã đứng trong cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008 – 20009. Dòng vốn và thương mại đã bắt đầu phục hồi và dòng dữ liệu quốc tế tăng mạnh trong thời kỳ bùng phát đại dịch, khi liên hệ trực tiếp chuyển sang trực tuyến, thúc đẩy lưu lượng truy cập Internet quốc tế, cuộc gọi điện thoại và thương mại điện tử.
Ông John Pearson, Giám đốc điều hành (CEO) của DHL Express cho biết: “Cuộc khủng hoảng y tế COVID -19 đã cho thấy, các kết nối quốc tế không thể thiếu trong việc duy trì nền kinh tế toàn cầu, đảm bảo sinh kế của người dân và giúp các công ty tăng cường mức độ giao dịch của họ. Các chuỗi cung ứng và mạng lưới logistics được kết nối đóng một vai trò thiết yếu trong việc giữ cho thế giới vận hành và ổn định toàn cầu hóa, đặc biệt là vào thời điểm khủng hoảng đang lan rộng trên toàn cầu. Điều này nhắc nhở chúng ta về sự cần thiết phải chuẩn bị cho mọi thách thức. Bước đột phá về sản xuất vắc xin gần đây đã làm nổi bật tầm quan trọng mang tính hệ thống của việc cung cấp dịch vụ logistics y tế một cách nhanh chóng và an toàn phụ thuộc vào mạng lưới liên kết toàn cầu đảm bảo hiệu quả việc phân phối quốc tế”.
Ông Steven A. Altman, chủ biên Báo cáo Chỉ số Kết nối Toàn cầu DHL năm 2020, chuyên gia nghiên cứu cao cấp và Giám đốc Sáng kiến DHL về Toàn cầu hóa tại Trường Kinh doanh Stern, NYU, nhận xét: “Mặc dù đại dịch COVID-19 đã làm gián đoạn hoạt động kinh doanh và cuộc sống trên khắp thế giới, nhưng nó không cắt đứt các liên kết cơ bản kết nối các quốc gia. Báo cáo này cho thấy, toàn cầu hóa không sụp đổ vào năm 2020, nhưng đại dịch đã biến đổi – ít nhất là tạm thời – cách các quốc gia kết nối. Nó cũng cho thấy cả sự nguy hiểm của một thế giới, nơi các mối liên kết quan trọng bị phá vỡ và nhu cầu cấp bách về hợp tác hiệu quả hơn khi đối mặt với những thách thức toàn cầu. Việc kết nối toàn cầu mạnh mẽ hơn có thể thúc đẩy sự phục hồi của thế giới sau đại dịch COVID-19, vì các quốc gia kết nối nhiều hơn với các dòng chảy quốc tế có xu hướng tận hưởng tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh hơn”.
Sáu quốc gia và vùng lãnh thổ ở châu Á – Thái Bình Dương được xếp hạng trong nhóm 30 quốc gia hàng đầu, các quốc gia Đông Nam Á vượt xa kỳ vọng
Trong báo cáo, 6 quốc gia và vùng lãnh thổ ở châu Á – Thái Bình Dương được xếp hạng trong top 30 về mức độ kết nối tổng thể – thước đo cả chiều sâu và bề rộng kết nối của họ – với Singapore xếp thứ 2, Malaysia thứ 16, Đài Loan thứ 19, Hàn Quốc thứ 22, Hồng Kông thứ 25 và Thái Lan ở vị trí thứ 30. Singapore đứng đầu trong thang đo độ sâu, đo lường dòng chảy quốc tế so với hoạt động nội địa, tiếp theo là Hồng Kông ở gần cuối danh sách top 30. Về chiều rộng, trong đó việc nắm bắt được liệu dòng chảy quốc tế của một quốc gia có trải ra toàn cầu hay tập trung ở phạm vi hẹp hơn, các quốc gia châu Á – Thái Bình Dương cũng đạt điểm cao, với Hàn Quốc và Nhật Bản lần lượt đứng ở vị trí thứ 5 và thứ 6.
Điều đáng lưu ý là, danh sách các nền kinh tế có tỷ trọng vượt trội về dòng chảy quốc tế được dẫn đầu bởi Campuchia, Singapore, Việt Nam, Malaysia, Hà Lan, Malta, Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE), Mozambique, Hungary và Thái Lan. Một nửa trong số 10 quốc gia hàng đầu này nằm ở Đông Nam Á, một khu vực mà các quốc gia có xu hướng có chiều sâu thương mại cao bất thường. Báo cáo cho thấy, các quốc gia Đông Nam Á được hưởng lợi từ mối liên kết với các mạng lưới chuỗi cung ứng rộng lớn hơn ở châu Á, cũng như các sáng kiến chính sách của ASEAN thúc đẩy hội nhập kinh tế khu vực.
Ông Ken Lee, CEO của DHL Express châu Á – Thái Bình Dương, nhận định: “Trong những năm qua, toàn cầu hóa và kết nối quốc tế lớn hơn không chỉ nâng cao mức sống và mức thu nhập của người dân khắp châu Á, mà còn giúp duy trì hoạt động thương mại và các nguồn cung cấp thiết yếu trong những thời điểm khó khăn như trong đại dịch COVID-19. Sự kết nối quốc tế ngày càng mở rộng thúc đẩy sự phục hồi và thịnh vượng của nền kinh tế. Với việc ký kết Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) gần đây, chúng tôi tin tưởng rằng, các nước ở châu Á – Thái Bình Dương sẽ thoát khỏi đại dịch này để trở nên mạnh mẽ hơn và gắn kết hơn”.
Đại dịch COVID-19 – phép thử stress đối với toàn cầu hóa: Dòng chảy kỹ thuật số tăng mạnh, thương mại và dòng vốn phục hồi, dòng người giảm mạnh
Theo dự báo mới nhất của Liên hợp quốc, tình trạng đóng cửa biên giới, cách ly xã hội và cấm đi lại để hạn chế sự lây lan của COVID-19 đã dẫn đến sự suy giảm chưa từng có về sự dịch chuyển dòng người trong năm 2020. Số lượng người đi du lịch nước ngoài có thể giảm tới 70% trong năm nay. Du lịch quốc tế có thể sẽ không trở lại mức trước đại dịch cho đến năm 2023. Ngược lại, các luồng thương mại, vốn và thông tin đã tăng trưởng tốt một cách đáng ngạc nhiên. Thương mại quốc tế đã phục hồi mạnh mẽ sau đợt lao dốc mạnh khi đại dịch bùng phát và vẫn là xương sống quan trọng của các nền kinh tế trên toàn thế giới.
Cũng theo dự báo của Liên hợp quốc, dòng vốn bị ảnh hưởng nặng nề hơn. Dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) phản ánh các công ty mua, xây dựng hoặc tái đầu tư vào các hoạt động ở nước ngoài, có thể giảm 30-40% trong năm nay. Tuy nhiên, các phản ứng chính sách mạnh mẽ của các chính phủ và ngân hàng trung ương đã giúp ổn định thị trường. Luồng thông tin kỹ thuật số đã tăng lên khi do ảnh hưởng của đại dịch, hình thức làm việc từ xa tại nhà đã trở nên phổ biến; hoạt động giải trí và giáo dục tăng mạnh theo hình thức trực tuyến. Mọi người và các công ty đổ xô vào duy trì kết nối kỹ thuật số, khiến cho lưu lượng truy cập Internet toàn cầu tăng hai con số.
Báo cáo Chỉ số Kết nối toàn cầu DHL sử dụng hơn 3,5 triệu điểm dữ liệu để theo dõi quá trình toàn cầu hóa của 169 quốc gia và vùng lãnh thổ trong giai đoạn từ năm 2001 đến 2019. Báo cáo đo lường mức độ kết nối toàn cầu của mỗi quốc gia dựa trên cả quy mô dòng chảy quốc tế so với quy mô nền kinh tế trong nước (‘chiều sâu’) và mức độ phân phối các dòng chảy quốc tế của nó trên toàn cầu hoặc tập trung ở phạm vi hẹp hơn (‘chiều rộng’). Báo cáo Chỉ số Kết nối toàn cầu DHL năm nay cũng đánh dấu sự khởi đầu của Sáng kiến DHL mới về Toàn cầu hóa tại Trường Kinh doanh Stern, thuộc Đại học New York. Sáng kiến nghiên cứu mới nhằm mục đích tạo ra một trung tâm xuất sắc hàng đầu cho nghiên cứu toàn cầu hóa theo hướng dữ liệu.
Để tìm hiểu thêm về Báo cáo, hãy truy cập www.stern.nyu.edu/globalization.
Báo cáo và thông tin cơ bản bổ sung có thể được tải xuống tại www.dhl.com/gci.
Thông tin về DHL
DHL là thương hiệu lớn toàn cầu trong lĩnh vực logistics. DHL có danh mục dịch vụ khổng lồ từ chuyển phát nhanh bưu phẩm, bưu kiện trong nước và quốc tế; chuyển giao hàng theo kênh thương mại điện tử, vận chuyển hàng nhanh bằng đường bộ, đường biển, đường hàng không cho đến việc quản lý chuỗi cung ứng công nghiệp. Không chỉ có vậy, với việc cung cấp các giải pháp chuyên sâu, chuyên ngành cho các thị trường phát triển, các ngành công nghiệp, bao gồm công nghệ, y tế, sinh học, năng lượng, ô tô và bán lẻ cộng với truyền thống là doanh nghiệp đi đầu trong việc thực thi trách nhiệm đóng góp cho cộng đồng và có mặt tại rất nhiều thị trường đang phát triển, DHL được đánh giá là doanh nghiệp logistics dành cho cả thế giới. Với hơn 380.000 nhân viên đang làm việc tại hơn 220 quốc gia và vùng lãnh thổ, DHL kết nối mọi người dân và doanh nghiệp một cách rất an toàn và đáng tin cậy.
DHL là một đơn vị thành viên của Deutsche Post DHL Group (với doanh thu năm 2019 đạt hơn 63 tỷ euro). Deutsche Post DHL Group đặt mục tiêu đạt được việc phát thải khí carbon từ các hoạt động logistics ra không khí sẽ bằng 0 vào năm 2050.
Thông tin về Trường Kinh doanh Stern, thuộc Đại học New York (NYU)
Nằm ở trung tâm của Greenwich Village và kết nối sâu sắc với Thành phố New York, Đại học New York là một trong những trung tâm nghiên cứu và giáo dục hàng đầu của Mỹ. Trường Kinh doanh Stern, thuộc Đại học New York cung cấp một danh mục đa dạng các chương trình chuyển đổi ở cấp độ sau đại học, đại học và điều hành, tất cả đều được làm giàu bởi sự năng động và nguồn lực sâu sắc của một trong những trung tâm kinh doanh trên thế giới. Trường là một cộng đồng khuyến khích sự hòa nhập, sự đa dạng và bình đẳng, đồng thời truyền cảm hứng cho các thành viên của mình để đón nhận sự thay đổi trong một thế giới đang thay đổi. Để biết thêm thông tin, hãy truy cập www.stern.nyu.edu.