Các tỉnh miền Trung ứng phó với bão số 13
Sau cơn bão số 12, cơn bão số 13 tiếp tục đi vào các tỉnh miền Trung với tốc độ nhanh. Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, vào lúc 15 giờ ngày 14/11, vị trí tâm bão ở cách Đà Nẵng khoảng 187 km, Thừa Thiên - Huế khoảng 280 km, Quảng Trị khoảng 330 km. Sức gió mạnh nhất cấp 12 - 13 (115 - 150 km/h), giật cấp 16.
TS Dư Đức Tiến, Trưởng phòng Dự báo Số trị Viễn thám, Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, cho biết: Khi bão tiến gần hơn vào đất liền và các đảo như Lý Sơn, Cồn Cỏ, Cù Lao Chàm thì các tàu thuyền ở ven bờ, trong các khu neo đậu, các lồng bè nuôi trồng thủy hải sản từ Hà Tĩnh đến Quảng Ngãi có thể chịu ảnh hưởng của gió mạnh cấp 10 - 11, giật cấp 14.
Trên đất liền, từ trưa 14/11 từ phía Nam Nghệ An đến Quảng Ngãi gió mạnh dần lên cấp 6 - 7, sau tăng lên cấp 8 - 9, vùng ven biển có nơi cấp 10, giật cấp 12.
Từ chiều 14/11 đến ngày 16/11, từ phía Nam Nghệ An đến Quảng Nam có mưa to đến rất to với lượng mưa từ 150 - 250 mm/đợt, có nơi trên 350 mm; ở Thanh Hóa, phía Bắc Nghệ An và Quảng Ngãi có mưa to với lượng mưa từ 50 - 150 mm/đợt.
"Như vậy, tất cả các hoạt động trên đất liền và ven biển sẽ có nguy có rất cao chịu ảnh hưởng của mưa bão và gió mạnh từ trưa và chiều ngày 14/11. Các tỉnh khu vực Bắc và Trung Trung Bộ từ phía Nam Nghệ An đến Quảng Ngãi có thể chịu ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 13, trong đó vùng trọng tâm là Quảng Bình đến Quảng Nam", TS Dư Đức Tiến cho biết.
Đến hồi 16 giờ ngày 14/11, vị trí tâm bão số 13 ở khoảng 16,1 độ Vĩ Bắc; 109,9 độ Kinh Đông, cách Đà Nẵng đến Thừa Thiên - Huế khoảng 170 km, cách Quảng Trị khoảng 300 km về phía Đông Đông Nam.
Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 12 (115-135 km/giờ), giật cấp 15. Bán kính gió mạnh từ cấp 6, giật từ cấp 8 trở lên khoảng 180 km tính từ tâm bão; bán kính gió mạnh từ cấp 10, giật từ cấp 12 trở lên khoảng 70 km tính từ tâm bão.
Để ứng phó với cơn bão 13 có tính chất phức tạp, nguy hiểm, Đà Nẵng đã khẩn trương thực hiện đồng bộ nhiều biện pháp ứng phó với cơn bão này. Trong đó quan trọng nhất là công tác di dời dân và chằng chống nhà cửa để bảo vệ tính mạng, tài sản cho nhân dân.
Tại Thừa Thiên - Huế, UBND tỉnh yêu cầu các địa phương thực hiện nghiêm túc các phương án phòng, chống bão, không được chủ quan, nhằm hạn chế tối đa thiệt hại do thiên tai.
Toàn tỉnh cũng đã di dời hơn 19.000 hộ dân ở các vùng xung yếu nguy đến nơi an toàn. Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh đã tổ chức bắn pháo hiệu, kêu toàn bộ tàu thuyền trên địa bàn tỉnh đã vào neo đậu an toàn là 2.062 chiếc với 11.350 lao động; phối hợp với các đơn vị, địa phương ven biển hướng dẫn tránh trú, neo đậu tại bến.
Bên cạnh đó, Thừa Thiên – Huế cũng đã cưỡng chế Thủy điện Thượng Nhật phải mở 5 cửa van để ứng phó với bão số 13, sau khi tự ý tích nước khi chưa được cấp phép.
Tại Quảng Nam, để đảm bảo an toàn cho học sinh, sinh viên, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh đã có công văn chỉ đạo tất cả các địa phương trong tỉnh cùng lãnh đạo của các trường học trên địa bàn cho học sinh, sinh viên nghỉ học chiều 14/11 và sẽ đi học lại sau khi bão tan, tùy vào thực tế tại các địa phương.
Tỉnh Quảng Bình cũng đã có công điện khẩn cho học sinh nghỉ học để tránh bão. Tất cả các trường học cũng như các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp… trên địa bàn tỉnh đã hoàn tất các phương án phòng chống bão số 13 trước 12 giờ ngày 14/11, theo Công điện của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Nam về tập trung ứng phó với bão số 13 và tình hình mưa lũ.
Đến 17 giờ ngày 14/11, tỉnh Quảng Trị đã triển khai di dời được 12.234 hộ dân với trên 35.000 người dân, đến các địa điểm an toàn để tránh bão số 13 và sạt lở đất.
Lực lượng chức năng của tỉnh đã giúp người dân chằng chống và gia cố trên 3.000 ngôi nhà; tập trung ở các huyện ven biển gồm: Vĩnh Linh, Gio Linh, Triệu Phong, Hải Lăng và 2 huyện miền núi Đakrông, Hướng Hóa. Biên phòng Quảng Trị đã triển khai hơn 400 cán bộ, chiến sỹ phối hợp với chính quyền các địa phương, giúp dân ở vùng xung yếu chằng chống nhà cửa và di dời đến nơi an toàn. Hiện tỉnh đã có 2 người bị thương trong quá trình chằng chống nhà cửa phòng, chống bão số 13.
Thủ tướng gửi công điện chỉ đạo tập trung ứng phó khẩn cấp bão số 13
Trước tình hình cơn bão phức tạp, Thủ tướng Chính phủ vừa có Công điện 1601/CĐ-TTg ngày 14/11/2020 chỉ đạo tập trung ứng phó khẩn cấp bão số 13.
Công điện gửi UBND các tỉnh, thành phố: Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi; Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai; Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm Cứu nạn; các Bộ: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Quốc phòng, Công an, Tài nguyên và Môi trường, Ngoại giao, Công Thương, Giao thông vận tải, Xây dựng, Thông tin và Truyền thông, Giáo dục và Đào tạo, Y tế, Văn hóa, Thể thao và Du lịch.
Công điện nêu rõ: Bão số 13 hiện nay mạnh hơn so với dự báo trước đây, hồi 7 giờ sáng nay (ngày 14/11/2020) sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 14, giật cấp 17. Đây là cơn bão rất mạnh, dự báo sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến khu vực ven biển và đất liền các tỉnh khu vực Bắc và Trung Trung Bộ từ hôm nay (ngày 14/11) đến ngày 15/11/2020.
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai, Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn, các Bộ, ngành, địa phương liên quan dừng các cuộc họp không thật sự cần thiết, tiếp tục triển khai các biện pháp ứng phó với bão theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công điện số 1597/CĐ-TTg ngày 12/11/2020, tập trung chỉ đạo, triển khai quyết liệt các nhiệm vụ sau:
Bên cạnh đó, Văn phòng Chính phủ cũng vừa ban hành Công văn số 9556/VPCP-NN gửi các Bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ về việc hỗ trợ các địa phương khắc phục hậu quả thiên tai.
Theo đó, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tập trung chỉ đạo cả hệ thống chính trị, từ Trung ương tới cơ sở đã vào cuộc cùng với sự hỗ trợ của các tổ chức, cá nhân, các nhà hảo tâm đã chung tay giúp đỡ các địa phương và người dân miền Trung vượt qua khó khăn, từng bước ổn định lại cuộc sống. Tuy nhiên, thiệt hại do những đợt thiên tai vừa qua là hết sức nặng nề, sẽ cần nhiều nguồn lực, thời gian, công sức để khắc phục.
Trong đó, các Bộ, ngành, địa phương tập trung hỗ trợ người dân sửa chữa nhà cửa; sửa chữa trường học, hỗ trợ đồ dùng học tập, sách vở cho học sinh, tạo điều kiện cho các cháu sớm trở lại học tập; khôi phục lại sản xuất; khắc phục công trình hạ tầng bị hư hỏng nhằm sớm ổn định lại cuộc sống và sản xuất của người dân; báo cáo Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo xử lý các vấn đề vượt thẩm quyền.
Ngày đầu tiên sân bay Tân Sơn Nhất phân làn ô tô đón trả khách
Ngày 14/11, cụm Cảng hàng không Tân Sơn Nhất bắt đầu thực hiện điều chỉnh, phân làn ô tô đón, trả hành khách nhằm đảm bảo trật tự an toàn, giảm ùn ứ giao thông trong khu vực đường nội bộ của sân bay.
Cụ thể, khu vực làn A (khu vực sát sảnh đón trả khách) chỉ dành cho phương tiện đưa khách đi máy bay và cấm đón khách; làn B, làn C được dành cho các phương tiện đón khách (trừ xe taxi, xe kinh doanh vận tải). Xung quanh khu vực đón, trả khách đều có đặt biển báo các phương tiện dừng đón, trả khách không quá 3 phút. Các làn đường được lắp đặt hệ thống camera giám sát cố định ghi hình phương tiện dừng, đỗ sai phép để cơ quan chức năng xử phạt “nguội”.
Tuy nhiên trong buổi sáng cùng ngày, khu vực làn D (nằm ở khu vực trong nhà xe TCP) dành cho xe taxi, xe kinh doanh vận tải đón khách đã xảy ra ùn ứ; nhiều xe công nghệ không được lưu thông vào để đón khách mà phải lên trên lầu 4 của nhà xe để đón, khiến việc đón khách gặp rất nhiều khó khăn và bất cập.
Đến chiều 14/11, thêm một ngày Việt Nam không có ca mắc mới COVID-19
Tính đến 18 giờ ngày 14/11, Việt Nam không ghi nhận thêm ca mắc mới COVID-19. Như vậy, Việt Nam đã có 73 ngày liên tiếp không có ca mắc mới trong cộng đồng.
Tính đến 18 giờ ngày 14/11, Việt Nam có tổng cộng 1.256 ca mắc COVID-19, trong đó có 691 ca mắc do lây nhiễm trong nước, trong đó số lượng ca mắc mới tính từ ngày 25/7 đến nay là 551 ca.
Hiện tổng số người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch đang được theo dõi sức khỏe (cách ly) trên cả nước là 15.513 người, trong đó: Cách ly tập trung tại bệnh viện 217 người, cách ly tập trung tại cơ sở khác 14.299 người, cách ly tại nhà, nơi lưu trú 997 người.
Theo báo cáo của Tiểu ban Điều trị Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19, ngày 14/11, có thêm 2 bệnh nhân được công bố khỏi bệnh gồm BN1137, BN1138.
Trong số các ca mắc COVID-19 đang điều trị, số ca âm tính với virus SARS-CoV-2 lần 1 là 14 ca, lần 2 là 12 ca, lần 3 là 13 ca.
Đến nay, Việt Nam đã ghi nhận số ca tử vong do COVID-19 là 35 ca, số ca điều trị khỏi là 1.103 ca.