Tin nổi bật ngày 11/11

Xăng, dầu đồng loạt giảm giá từ chiều 11/11; tuyến metro Bến Thành - Suối Tiên gặp sự cố lệch đầu dầm; tiếp tục khởi tố thêm 8 đối tượng trong vụ lộ đề thi công chức tại Phú Yên; người Hà Nội phải đeo khẩu trang khi đến 5 điểm công cộng… là những tin được quan tâm trong ngày 11/11.

Xăng, dầu đồng loạt giảm giá từ chiều 11/11

Chú thích ảnh
Xăng, dầu đồng loạt giảm giá từ chiều 11/11. Ảnh: TTXVN

Chiều 11/11, liên bộ Tài chính - Công Thương quyết định điều chỉnh giá bán lẻ xăng dầu theo chu kỳ 15 ngày/lần. Theo đó, xăng, dầu đều giảm giá, xăng RON92 còn 13.885 đồng/lít, xăng RON95 còn 14.701 đồng/lít.

Theo sự điều chỉnh này, giá bán xăng E5RON92 không cao hơn 13.885 đồng/lít (giảm 224 đồng/lít so với giá hiện hành); xăng RON95-III không cao hơn 14.701 đồng/lít (giảm 238 đồng/lít so với giá hiện hành); dầu diesel 0.05S không cao hơn 10.838 đồng/lít (giảm 380 đồng/lít so với giá hiện hành); dầu hỏa không cao hơn 9.562 đồng/lít (giảm 155 đồng/lít so với giá hiện hành); dầu mazut 180CST 3.5S không cao hơn 11.091 đồng/kg (giảm 170 đồng/kg so với giá hiện hành).

Việc điều chỉnh giá bán các mặt hàng xăng dầu do thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu quy định, nhưng không sớm hơn 15 giờ ngày 11/11.

Tuyến metro Bến Thành - Suối Tiên gặp sự cố lệch đầu dầm

Ban Quản lý Đường sắt Đô thị (MAUR), Liên danh NJPT và Liên danh SCC kiểm tra phát hiện gối cao su sử dụng cho dầm cầu cạn bị mất ổn định rơi khỏi đá kê gối sau khi đã lắp dầm, làm các thanh ray bị nhổ khỏi hệ đỡ bên dưới, gây nứt vỡ bê tông đệm ray tại vị trí VD14 thuộc gói thầu số 2 (tuyến Metro Bến Thành - Suối Tiên). Sự cố này có nhiều khả năng sẽ làm suy giảm chất lượng công trình và làm giảm khả năng chịu lực nếu tuyến metro Bến Thành - Suối Tiên được đưa vào sử dụng, khai thác.

Sau khi phát hiện sự cố tại vị trí trụ P14-10, MAUR đã gửi công văn khẩn đến các đơn vị liên quan yêu cầu khẩn trương điều tra nguyên nhân, trình báo cáo sự việc và phương án khắc phục sửa chữa nhằm đảm bảo chất lượng của dự án.

Về trách nhiệm, công tác quản lý chất lượng của Liên danh NJPT đã không đảm bảo, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng cũng như tuổi thọ và độ an toàn của dự án, do đó MAUR yêu cầu Liên danh NJPT khẩn trương điều tra nguyên nhân sự việc nhằm đánh giá đúng bản chất vấn đề. Đồng thời, trình phương án khắc phục và phải hoàn thành sửa chữa trước ngày 30/11. Kinh phí sẽ do nhà thầu SCC chi trả.

Bên cạnh đó, MAUR cũng yêu cầu Liên danh SCC có trách nhiệm rà soát lại chất lượng, vị trí các gối cầu hiện trạng cho tất cả các kết cấu hiện hữu thuộc gói thầu, so sánh đối chiếu với yêu cầu thiết kế đã được phê duyệt trước đó nhằm đảm bảo an toàn tuyệt đối cho dự án, báo cáo trước ngày 15/12.

Có mặt tại hiện trường, ông Shigeki Ihara, Giám đốc dự án gói thầu CP2 tuyến Bến Thành - Suối Tiên (Tổng thầu EPC Liên danh Sumitomo-Cienco 6) cho biết: "Có thể mất khoảng 1 tháng để tìm hiểu nguyên nhân xảy ra sự cố. Sau khi tìm ra được nguyên nhân đích thực, nhà thầu sẽ tìm biện pháp khắc phục và sửa chữa. Tôi nghĩ sẽ không làm ảnh hưởng đến tiến độ tổng thể của dự án".

Vụ lộ đề thi công chức tại Phú Yên: Tiếp tục khởi tố thêm 8 đối tượng

Ngày 11/11, Cơ quan An ninh điều tra - Công an tỉnh Phú Yên cho biết đã ra quyết định khởi tố bị can và lệnh cấm đi khỏi nơi cư trú đối với 8 đối tượng liên quan đến vụ án “Cố ý làm lộ bí mật nhà nước" và "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong thi hành công vụ” xảy ra trong kỳ thi tuyển công chức năm 2017-2018 tại tỉnh Phú Yên. Các quyết định trên đã được Viện Kiểm sát nhân dân cùng cấp phê chuẩn.

Theo đó, 8 bị can bị khởi tố gồm: Trần Doãn Xuân, sinh năm 1970, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Phú Yên; Đặng Thanh Hải, sinh năm 1978, Phó Chánh Văn phòng Thanh tra tỉnh; Nguyễn Thông Minh Tuấn, sinh năm 1979, Chánh Văn phòng Sở Lao động, Thương binh và xã hội; Phạm Kỳ Ngân, sinh năm 1976, Chánh Văn phòng Sở Y tế; Lê Công Hướng, sinh năm 1981, Trưởng Phòng Tổng hợp-Quy hoạch, Sở Kế hoạch và Đầu tư; Trần Thanh Sơn, sinh năm 1978, Phó Trưởng phòng Quản lí bảo vệ rừng, Chi cục Kiểm lâm; Lê Thị Kim Huê, sinh năm 1971, Phó Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm và Trần Quốc Vũ, sinh năm 1977, Trưởng phòng Hành chính Quản trị, Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh.

Như TTXVN đã phản ánh, trong Kỳ thi tuyển công chức tỉnh Phú Yên năm 2017-2018 được tổ chức vào tháng 11/2018, có 879 thí sinh dự thi để tuyển chọn 180 công chức vào 24 nhóm ngành thuộc các cơ quan, đơn vị, địa phương của tỉnh Phú Yên. Do có nhiều ý kiến phản ánh về các hiện tượng tiêu cực trong kỳ thi nên các cơ quan chức năng của tỉnh Phú Yên đã tiến hành điều tra, làm rõ những dấu hiệu tiêu cực trong thi tuyển công chức.

Từ tháng 8/2019 đến tháng 2/2020, Cơ quan An ninh điều tra (Công an tỉnh Phú Yên) đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can và bắt tạm giam một số bị can. Liên quan đến vụ làm lộ đề thi trong kỳ thi tuyển công chức tỉnh Phú Yên năm 2017-2018, đến nay Công an tỉnh Phú Yên đã khởi tố 15 bị can về các tội "Cố ý làm lộ bí mật nhà nước", "Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong thi hành công vụ", "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản", "Lợi dụng ảnh hưởng đối với người có chức vụ quyền hạn để trục lợi".

Người Hà Nội phải đeo khẩu trang khi đến 5 điểm công cộng

Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội Ngô Văn Quý khẳng định: Khi người dân đến 5 điểm công cộng gồm bệnh viện, bến bãi đỗ xe, phương tiện công cộng, trung tâm thương mại và siêu thị, chợ phải đeo khẩu trang. Ở những nơi này sẽ bố trí người kiểm soát chặt chẽ, ai không có khẩu trang không cho ra - vào, bố trí điểm bán khẩu trang ngay tại cửa.

Chú thích ảnh
Người dân phải đeo khẩu trang ở phố đi bộ Hồ Gươm. Ảnh: Lê Phú/Báo Tin tức.

Chiều 11/11, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Ngô Văn Quý đã chủ trì cuộc họp trực tuyến chống dịch COVID-19 với các đơn vị liên quan. Dự phiên họp còn có TS. Trần Đắc Phu, chuyên viên cao cấp của Bộ Y tế về phòng chống dịch bệnh COVID-19.

Tại phiên họp, 5 đoàn kiểm tra của thành phố đã báo cáo về tình hình thực hiện các biện pháp phòng dịch. Theo đó, các quận, huyện, các khu cách ly đã thực hiện nghiêm các biện pháp phòng chống dịch.

Đáng chú ý, tại các khu tập thể, các điểm công cộng, hầu như người dân không đeo khẩu trang, không có ai kiểm tra. Tại các khu chợ, bến xe chưa xử lý nghiêm việc bắt buộc đeo khẩu trang.

Đặc biệt tại huyện Gia Lâm, ở các chợ truyền thống, chỉ có khoảng 10% người dân đeo khẩu trang. Phó Chủ tịch UBND thành phố nhắc nhở: “Phải bố trí người đứng ở cổng chợ, ai không đeo khẩu trang thì nhất định không cho vào”.

Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Trần Thị Nhị Hà (Trưởng Đoàn kiểm tra số 2) phản ánh, ở phố đi bộ quận Hoàn Kiếm, khi kiểm tra đột xuất vào chủ nhật vừa qua, người dân hầu hết đều có khẩu trang nhưng khi đi qua chốt kiểm soát của lực lượng chức năng thì lại bỏ ra. Khi được hỏi thì ai cũng có lý do là cần nói chuyện, hoặc tháo khẩu trang để ăn uống.

Bà Trần Thị Nhị Hà đề nghị các đơn vị cần tăng cường truyền thông. "Từ 1/11, nếu người dân không đeo khẩu trang sẽ bị phạt từ 1 đến 3 triệu đồng”, bà Trần Thị Nhị Hà nói.

M.T/Báo Tin tức (tổng hợp)
Tin nổi bật ngày 10/11
Tin nổi bật ngày 10/11

Kết thúc 2,5 ngày chất vấn của Quốc hội; Việt Nam có thêm 11 ca mắc COVID-19 mới đều là ca nhập cảnh; gần Biển Đông có bão giật cấp 16, áp thấp nhiệt đới đi sâu vào đất liền; Hà Nội thông tin về vụ sản phụ tử vong sau sinh tại BV Việt Pháp và Triệt phá đường dây mua bán, vận chuyển ma túy xuyên quốc gia... là những thông tin được dư luận đặc biệt quan tâm ngày 10/11.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN