Tin nổi bật ngày 13/11

Trong ngày 13/11, dư luận quan tâm đến việc Quốc hội thông qua Luật Cư trú (sửa đổi), theo đó, sổ hộ khẩu được dùng đến hết năm 2022; việc phòng chống cơn bão số 13; xác định 6 đối tượng tình nghi cưa hạ hơn 100 cây thông cổ thụ tại Lâm Đồng...

Thông qua Luật Cư trú (sửa đổi), sổ hộ khẩu được dùng đến hết năm 2022

Chiều 13/11, với 449 đại biểu tán thành (bằng 93,15% tổng số đại biểu Quốc hội) trên tổng số 455 đại biểu tham gia biểu quyết (bằng 94,4% tổng số đại biểu Quốc hội), Quốc hội đã thông qua Luật Cư trú (sửa đổi).

Chú thích ảnh
Quốc hội biểu quyết thông qua Luật Cư trú (sửa đổi). Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN

Luật gồm 7 chương, 38 điều, quy định về việc thực hiện quyền tự do cư trú của công dân Việt Nam trên lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; việc đăng ký, quản lý cư trú; quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm của công dân, cơ quan, tổ chức về đăng ký, quản lý cư trú.

Luật có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2021. Kể từ ngày Luật này có hiệu lực thi hành, Sổ hộ khẩu, Sổ tạm trú đã được cấp vẫn được sử dụng và có giá trị như giấy tờ, tài liệu xác nhận về cư trú theo quy định của Luật này cho đến hết ngày 31/12/2022. Trường hợp thông tin trong Sổ hộ khẩu, Sổ tạm trú khác với thông tin trong Cơ sở dữ liệu về cư trú thì sử dụng thông tin trong Cơ sở dữ liệu về cư trú. Khi công dân thực hiện các thủ tục đăng ký, khai báo về cư trú, dẫn đến thay đổi thông tin trong Sổ hộ khẩu, Sổ tạm trú, cơ quan đăng ký cư trú có trách nhiệm thu hồi sổ đã cấp, thực hiện điều chỉnh, cập nhật thông tin trong Cơ sở dữ liệu về cư trú theo quy định của Luật này và không cấp mới, cấp lại Sổ hộ khẩu, Sổ tạm trú.

Bão số 13 cách quần đảo Hoàng Sa 240 km, giật cấp 15

Lúc 16 giờ ngày 13/11, tâm bão số 13 giật cấp 15, cách quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam khoảng 240 km về phía Đông Nam. Dự báo đến ngày 15/11, bão số 13 sẽ đi vào đất liền các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên - Huế và suy yếu dần thành áp thấp nhiệt đới.

Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn quốc gia, lúc 16 giờ ngày 13/11, vị trí tâm bão ở khoảng 15,5 độ Vĩ Bắc; 114,0 độ Kinh Đông, cách quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam khoảng 240 km về phía Đông Nam. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 11-12 (100 - 135 km/giờ), giật cấp 15. Bán kính gió mạnh từ cấp 6, giật từ cấp 8 trở lên khoảng 220 km tính từ tâm bão; bán kính gió mạnh từ cấp 10, giật từ cấp 12 trở lên khoảng 90 km tính từ tâm bão.

Dự báo trong 24 giờ tới, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 20 km. Đến 16 giờ ngày 14/11, vị trí tâm bão ở 16,2 độ Vĩ Bắc; 109,5 độ Kinh Đông, trên vùng biển từ Quảng Bình đến Quảng Ngãi. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 11 (100 - 115 km/giờ), giật cấp 14.

Vùng nguy hiểm do bão trên Biển Đông trong 24 giờ tới (gió mạnh từ cấp 6 trở lên, giật từ cấp 8 trở lên): từ vĩ tuyến 13,5 đến 18,5 độ Vĩ Bắc; từ kinh tuyến 107,5 đến kinh tuyến 116,0 độ Kinh Đông. Toàn bộ tàu thuyền hoạt động trong vùng nguy hiểm đều có nguy cơ cao chịu tác động của gió giật mạnh.

Trong 24 đến 48 giờ tiếp theo, bão di chuyển chủ yếu theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được 15 -20 km, đi vào đất liền các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên - Huế và suy yếu dần thành áp thấp nhiệt đới.

Đến 16 giờ ngày 15/11, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở khoảng 17,6 độ Vĩ Bắc; 105,8 độ Kinh Đông. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6 (40 - 50 km/giờ), giật cấp 8.

Trong 48 đến 72 giờ tiếp theo, áp thấp nhiệt đới di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được 10 - 15 km đi sâu vào đất liền và suy yếu thành một vùng áp thấp. Đến 16 giờ ngày 16/11, vị trí trung tâm vùng áp thấp ở khoảng 19,1 độ Vĩ Bắc; 102,8 độ Kinh Đông, trên khu vực Thượng Lào. Sức gió mạnh nhất ở trung tâm vùng áp thấp giảm xuống dưới cấp 6 (dưới 40 km/giờ).

Chuyên gia khí tượng cảnh báo, vùng biển phía Đông khu vực Bắc và giữa Biển Đông (bao gồm cả quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam) và có mưa bão, gió mạnh cấp 8 - 10, vùng gần tâm bão cấp 11 - 12, giật cấp 15; sóng biển cao từ 4 - 6 m, vùng gần tâm bão 8 - 10 m; biển động dữ dội

Đà Nẵng sơ tán dân ở khu vực nguy hiểm đến nơi an toàn

Ngày 13/11, Ủy ban nhân dân thành phố Đà Nẵng có Công điện số 10/CĐ-UBND về việc ứng phó với bão số 13 và phòng chống mưa lũ, sạt lở đất.

Chú thích ảnh
Tàu thuyền các tỉnh, thành được neo đậu tránh bão số 13 tại Âu thuyền Thọ Quang, Đà Nẵng. Ảnh: Trần Lê Lâm/TTXVN

Theo đó, Đà Nẵng yêu cầu người dân không ra khỏi nhà từ 12 giờ phút ngày 14/11 cho đến khi có thông báo mới; cán bộ, công chức, viên chức, người lao động (kể cả trong khu công nghiệp, công nghệ cao) nghỉ làm việc trong ngày 14/11 (trừ các lực lượng làm nhiệm vụ và các trường hợp đặc biệt).

Công điện cũng yêu cầu UBND các quận, huyện triển khai ngay phương án sơ tán các hộ dân, sinh viên, công nhân sống trong các nhà trọ, nhà tạm, nhà không kiên cố, nhà khu vực ven biển, các khu vực có nguy cơ sạt lở đất, đá, lũ quét, ngập lụt, nước biển dâng do bão đến nơi an toàn. Việc thực hiện sơ tán từ chiều 13/11, chậm nhất đến 11 giờ ngày 14/11 phải hoàn thành.

Các quận ven biển phải tính tới kịch bản nước biển dâng và sóng lớn khi tổ chức công tác sơ tán nhân dân sống tại khu vực ven biển để đảm bảo an toàn; có biện pháp đảm bảo an toàn cho những nơi tránh trú và có phương án đảm bảo hậu cần tại chỗ trong trường hợp người dân phải ở lại dài ngày; tuyệt đối không để người ở lại trên các lồng bè, chòi canh nuôi trồng thủy sản, trên tàu, thuyền neo đậu, trong các lán trại công trình đang xây dựng, hoàn thành trước 15 giờ ngày 13/11.

UBND các quận, huyện nghiêm cấm người dân, phương tiện và ghe thuyền không có nhiệm vụ phòng, chống lụt, bão đi lại, đánh bắt cá trên sông, vùng trũng thấp và ngập lũ, qua ngầm, cầu tràn; tổ chức lực lượng canh gác, chốt chặn tại các khu vực ngập sâu, ngầm, cầu tràn qua suối khi có nước chảy xiết.

Công an thành phố Đà Nẵng chủ trì phối hợp với Sở Giao thông vận tải và các địa phương, đơn vị liên quan tổ chức chốt chặn không cho người và phương tiện qua lại tới những vị trí nguy hiểm, ngập sâu trên các tuyến giao thông, cầu, đường… quan trọng bắt đầu từ 12 giờ ngày 14/11.

Xác định 6 đối tượng tình nghi cưa hạ hơn 100 cây thông cổ thụ tại Lâm Đồng

Ngày 13/11, cơ quan chức năng đã xác định 6 đối tượng tình nghi thực hiện hành vi cưa hạ hơn 100 cây thông cổ thụ tại khu vực tiểu khu 132, xã Đạ Sar, huyện Lạc Dương (tỉnh Lâm Đồng) và triệu tập để làm việc.

Ít nhất 5 đối tượng được cơ quan Công an triệu tập làm việc bước đầu đã khai nhận hành vi phá rừng tại tiểu khu 132 như TTXVN đưa tin ngày 9/11/2020.

Các đối tượng được xác định đã thực hiện hành vi phá rừng tại khu vực Tiểu khu 132, xã Đạ Sar gồm: Cil Phi Criêu Ha Dũng (sinh năm 1981), Kon Sơ Ha Khuyn (sinh năm 1992), Kon Sơ Ha Khuynh (sinh năm 1994), Đơng Gor Ha Bri (sinh năm 1994), Chinh Hà Đan (sinh năm 1995), đều ngụ tại xã Đa Nhim, huyện Lạc Dương. Đối tượng còn lại đang bỏ trốn, chưa ra trình diện cơ quan chức năng.

Ngay sau khi các đối tượng khai nhận hành vi vi phạm, ngày 13/11, lực lượng chức năng của huyện Lạc Dương gồm: Công an, Kiểm lâm, đơn vị chủ rừng đã đưa các đối tượng: Ha Dũng, Ha Khuyn, Ha Khuynh, Ha Bri và Hà Đan vào lại hiện trường Tiểu khu 132, xã Đạ Sar, các lâm phần do Ban Quản lý rừng phòng hộ đầu nguồn Đa Nhim và Công ty trách nhiệm hữu hạn Thủy điện và Du lịch sinh thái Thác Rồng quản lý, nhận khoán bảo vệ để xác nhận các vị trí vi phạm, cưa hạ cây rừng, phục vụ công tác điều tra.

Trước đó, ngày 9/11, TTXVN đã thông tin về việc trên 100 cây cổ thụ ở rừng tự nhiên, chủ yếu là thông 3 lá, thuộc đối tượng rừng phòng hộ đầu nguồn khu vực Tiểu khu 132, xã Đạ Sar đã bị đốn hạ nằm xếp lớp dưới chân núi.

Sau khi báo chí phản ánh, lãnh đạo UBND tỉnh Lâm Đồng, huyện Lạc Dương đã chỉ đạo các cơ quan chức năng liên quan, phối hợp cùng chủ rừng tổ chức kiểm tra hiện trường, xác minh thông tin báo chí phản ánh; chỉ đạo Công an huyện phối hợp cùng Hạt Kiểm lâm huyện Lạc Dương, UBND xã Đạ Sar vào cuộc điều tra, truy tìm các đối tượng phá rừng để xử lý nghiêm theo luật định.

Vụ việc đang được Công an huyện Lạc Dương tiếp tục đấu tranh, làm rõ.

XC/Báo Tin tức
Ra mắt nền tảng akaBot trợ giúp doanh nghiệp tự động hóa quy trình nghiệp vụ
Ra mắt nền tảng akaBot trợ giúp doanh nghiệp tự động hóa quy trình nghiệp vụ

Ngày 13/11, tại Hà Nội, Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) tổ chức ra mắt nền tảng tự động hóa quy trình doanh nghiệp akaBot. Đây là nền tảng thuộc chuỗi sản phẩm công nghệ Make in Vietnam do Tập đoàn FPT thực hiện nhằm phục vụ chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN