Thúc đẩy nhận thức trao quyền tham gia vào chính trị cho phụ nữ

Cần thúc đẩy nhận thức trao quyền năng cho phụ nữ, nhất là quyền tham gia vào chính trị. Đó là ý kiến của Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung tại Hội nghị Tổng kết 10 năm thi hành Luật Bình đẳng giới diễn ra vào chiều 17/10, tại Hà Nội.

Chú thích ảnh
Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung. Ảnh: Anh Tuấn/TTXVN

Theo ông Đào Ngọc Dung, 10 năm qua, các cơ quan quản lý Nhà nước đã tiến hành xây dựng tương đối đồng bộ các cơ sở pháp lý, từng bước đưa vấn đề giới vào cuộc sống. Đồng thời, từng bước tăng cường thực thi trách nhiệm lồng ghép giới vào tất cả các văn bản pháp luật, thúc đẩy phụ nữ tham gia vào chính trị, trao quyền cho phụ nữ.

Một thay đổi quan trọng là thay đổi rõ rệt nhận thức của đàn ông đối với phụ nữ và trẻ em gái, điều này hiện hữu trong từng gia đình. Thời gian tới, cần thúc đẩy nhận thức trao quyền năng cho phụ nữ, nhất là quyền tham gia vào chính trị - ông Đào Ngọc Dung nêu ý kiến.

“Yêu cầu bắt buộc phụ nữ phải tham gia cấp ủy, vào Hội đồng nhân dân. Tuy nhiên, công tác chuẩn bị phải rất quan trọng, phải có sự chuẩn bị nhân sự trước, xây dựng kế hoạch bài bản. Nơi nào chưa bầu được nhân sự thì phải để trống và phải bầu bằng được”- Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết.

Báo cáo của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cũng cho thấy, qua 10 năm qua thực hiện Luật Bình đẳng giới đã đạt được nhiều thành tựu. Nổi bật là tỷ lệ nữ tham gia chính trị tại tất cả các cấp đã có chuyển biến tích cực. Tỷ lệ nữ Ủy viên Bộ Chính trị và Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng tăng trong 3 nhiệm kỳ liên tiếp.

Lần đầu tiên có nữ Chủ tịch Quốc hội và có 3 nữ Ủy viên Bộ Chính trị. Đối với lĩnh vực kinh tế, tỷ lệ doanh nghiệp do nữ làm chủ tăng từ 4% năm 2009 lên 27,8% năm 2017, cao nhất Đông Nam Á và xếp thứ 19/54 trong bảng chỉ số xếp hạng Chỉ số nữ doanh nhân và xếp thứ 7/54 trong số các nước có nhiều chủ doanh nghiệp là nữ...

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả tích cực, Luật Bình đẳng giới cũng bộc lộ một số hạn chế, bất cập. Nổi lên là các quy định trong Luật Bình đẳng giới còn chung chung, mang tính định hướng, khó triển khai trong thực tiễn, có quy định đến nay vẫn chưa thể hướng dẫn thi hành; chưa có sự thống nhất giữa Luật Bình đẳng giới và các luật chuyên ngành. Việc thực hiện các quy định về lồng ghép vấn đề bình đẳng giới chưa được đầu tư thỏa đáng; thiếu quy trình thống nhất hướng dẫn việc lồng ghép giới trong xây dựng văn bản quy phạm pháp luật…

Nguyên nhân hạn chế lớn nhất của những bất cập trên được xác định là do Luật Bình đẳng giới mang tính lồng ghép cao, cần có sự phối hợp cao và chặt chẽ giữa các bên liên quan, do đó trong quá trình triển khai còn gặp nhiều khó khăn vướng mắc. Cấp ủy, chính quyền một số địa phương chưa nhận thức đầy đủ, sâu sắc và quan tâm đúng mức tới công tác bình đẳng giới. Tư tưởng định kiến giới còn tồn tại khá phổ biến trong nhân dân, kể cả trong một bộ phận cán bộ, công chức.

Trước tình hình trên, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cho biết, thời gian tới sẽ tổ chức thực hiện lồng ghép giới vào các hoạt động, chương trình, dự án, đề án của ngành, đơn vị, địa phương. Phấn đấu đến năm 2030 hoàn thiện hệ thống chính sách về bình đẳng giới và triển khai cung cấp các dịch vụ công về bình đẳng giới trên phạm vi toàn quốc.

Đồng thời, tiếp tục đẩy mạnh truyền thông chính sách, pháp luật về bình đẳng giới, nâng cao hơn nữa nhận thức và trách nhiệm của các cấp, ngành và người dân tại cộng đồng; tăng cường triển khai chính sách, pháp luật về bình đẳng giới; nâng cao hiệu quả thực thi Luật Bình đẳng giới.

Hiện nay, Bộ cũng đã có các kiến nghị với Quốc hội về việc tăng cường hoạt động giám sát thực hiện pháp luật, chính sách về bình đẳng giới; trong các hoạt động thẩm tra, giám sát lồng ghép giới trong xây dựng các luật chuyên ngành và phân bổ ngân sách có trách nhiệm giới.

Đồng thời, Bộ kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về việc tiếp tục hoàn thiện hệ thống chính sách về bình đẳng giới; nghiên cứu xây dựng và thực hiện chương trình, đề án nhằm giảm khoảng cách giới trong một số ngành, lĩnh vực đang tồn tại bất bình đẳng giới.
 
Cũng tại Hội nghị đã diễn ra Lễ ký Chương trình phối hợp giữa Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và Trung ương Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam. Với chương trình này, hai bên sẽ tăng cường sự phối hợp chặt chẽ, toàn diện và hiệu quả trong việc đề xuất, xây dựng và thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, các cam kết quốc tế về bình đẳng giới, vì sự tiến bộ của phụ nữ và sự phát triển toàn diện của trẻ em trong các lĩnh vực lao động, người có công và xã hội...

Hạnh Quỳnh (TTXVN)
Tác động của biến đổi khí hậu đối với quyền phụ nữ
Tác động của biến đổi khí hậu đối với quyền phụ nữ

Theo phóng viên TTXVN tại Geneva, ngày 28/6 tại Geneva (Thụy Sĩ), trong khuôn khổ khóa họp thường kỳ lần thứ 41, Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc (LHQ) đã tổ chức phiên thảo luận về “Quyền phụ nữ và biến đổi khí hậu: Hành động về khí hậu, thực tiễn và bài học tốt” trên cơ sở triển khai Nghị quyết 38/4 do Việt Nam chủ trì giới thiệu cùng Philippines và Bangladesh về biến đổi khí hậu và quyền phụ nữ, được thông qua tại Khóa họp thường kỳ lần thứ 38 của Hội đồng Nhân quyền vào tháng 6/2018.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN