Hội nhập quốc tế làm nền tảng cho giai đoạn phát triển mới

Nhân dịp kỷ niệm 68 năm thành lập ngành Ngoại giao (28/8/2013), Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh đã có bài viết về chặng đường phát triển của ngành và phương hướng triển khai đường lối đối ngoại trong giai đoạn phát triển mới. Thông tấn xã Việt Nam trân trọng giới thiệu nội dung bài viết:

Ngày 28 tháng 8 năm 1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ra Tuyên cáo thành lập Chính phủ lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, đồng thời đánh dấu sự ra đời của ngành ngoại giao. Năm 2013, Bộ Ngoại giao kỷ niệm ngày thành lập ngành trong không khí cả nước đang đẩy mạnh đợt học tập làm theo tấm gương Bác Hồ vĩ đại. Toàn thể cán bộ công chức Bộ Ngoại giao nhớ ơn Bác, vị Bộ trưởng Ngoại giao đầu tiên, Người đã đặt nền móng và soi đường chỉ lối cho nền ngoại giao cách mạng Việt Nam. Bác đã xa chúng ta tròn 44 năm, nhưng những tư tưởng chói lọi của Người vẫn luôn là kim chỉ nam cho công tác đối ngoại của Đảng, Nhà nước ta.

Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh. Ảnh: Lâm Khánh - TTXVN


Nhìn lại chặng đường 68 năm thực hiện đường lối đối ngoại của Đảng và Bác Hồ, chúng ta tự hào về những chiến công và thành tích mà các thế hệ đi trước của ngành ngoại giao đã đạt được. Ngành ngoại giao đã có nhiều đóng góp to lớn vào sự nghiệp đấu tranh bảo vệ độc lập dân tộc, thống nhất đất nước, xây dựng chủ nghĩa xã hội.

Trong những năm 1945 – 1946, ngoại giao Việt Nam do Bác Hồ trực tiếp lãnh đạo đã góp phần giữ vững và củng cố chính quyền cách mạng còn non trẻ. Khi thực dân quay trở lại Việt Nam hòng xóa bỏ thành quả cách mạng, ngoại giao đã khôn khéo tận dụng mâu thuẫn đối phương, nỗ lực duy trì hòa bình, tranh thủ thời gian chuẩn bị cho cuộc trường kỳ kháng chiến. Ngoại giao đã tranh thủ được sự ủng hộ của phe xã hội chủ nghĩa, phong trào giải phóng dân tộc, mở rộng hoạt động quốc tế, tạo nên mặt trận rộng rãi trên thế giới đấu tranh chống thực dân xâm lược, góp phần dẫn tới Hội nghị quốc tế Geneve 1954 mang lại hòa bình cho Việt Nam.

40 năm trước đây, Hội nghị quốc tế Paris chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam – một sự kiện quan trọng mà Đảng và Nhà nước ta đã tổ chức lễ kỷ niệm trọng thể ở cấp quốc gia. Hiệp định Paris lịch sử đã mở ra thời kỳ mới cho cách mạng giải phóng Miền Nam Việt Nam, góp phần quan trọng đưa tới sự kiện lịch sử 30 tháng 4 năm 1975, cả nước hoàn toàn thống nhất một dải, nhân dân Việt Nam được sống chung một nhà.

Thắng lợi này mang đậm dấu ấn và phong cách ngoại giao Hồ Chí Minh, bắt nguồn từ sự lãnh đạo sáng suốt và trực tiếp của Đảng, kết tinh trí tuệ và quyết tâm của toàn dân tộc ta, trong đó lực lượng đối ngoại đóng vai trò trực tiếp và quan trọng. Thắng lợi đó có được cũng là nhờ sự phối hợp nhịp nhàng với các mặt trận chính trị, quân sự; phát huy thắng lợi trên các chiến trường, song song với các hoạt động tranh thủ dư luận quốc tế, đề cao chính nghĩa sáng ngời của dân tộc ta, góp phần tạo nên p hong trào nhân dân thế giới rộng lớn ủng hộ Việt Nam.

Bước vào thời kỳ Đổi mới, ngoại giao đã đóng vai trò quan trọng trong việc phá thế bao vây cấm vận, mở rộng quan hệ với bạn bè quốc tế, tạo dựng môi trường hòa bình, ổn định, tranh thủ các nguồn lực bên ngoài phục vụ công cuộc phát triển của đất nước. Những thành tựu trong công tác đối ngoại đã góp phần quan trọng tạo cho đất nước thế và lực ngày càng vững mạnh, vai trò và vị thế ngày càng được nâng cao.

Có được như ngày hôm nay, chúng ta cũng ghi nhớ công lao của các thế hệ cán bộ ngành ngoại giao qua nhiều thời kỳ đã góp phần tạo nên những kỳ tích về đối ngoại. Những bài học thắng lợi qua nhiều năm tháng đó vẫn nguyên vẹn giá trị trong giai đoạn phục vụ công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay. Ngày nay, ngành ngoại giao đang tiếp tục truyền thống vẻ vang của mình để chung sức cùng toàn dân tộc xây dựng một đất nước Việt Nam hòa bình, thịnh vượng.

Trong giai đoạn tới, tình hình thế giới mở ra nhiều cơ hội và thuận lợi mới, nhưng cũng nảy sinh nhiều khó khăn, bất ổn. Hơn lúc nào hết, ngành ngoại giao phải tập trung trí và lực, tranh thủ cơ hội, khắc phục khó khăn, thực hiện bằng được mục tiêu tổng quát của Đảng, nhanh chóng nâng cao sức mạnh tổng hợp quốc gia, nâng cao vị thế Việt Nam trên trường quốc tế.

Thực hiện đường lối đối ngoại của Đại hội lần thứ XI của Đảng, Bộ Ngoại giao đã xác định năm 2013 là năm “Ngoại giao Việt Nam chủ động, tích cực hội nhập quốc tế”. Chủ trương lớn của Đảng hiện đang được triển khai mạnh mẽ, làm nền tảng cho toàn bộ các hoạt động đối ngoại trong giai đoạn mới.

Trước hết, chủ trương hội nhập quốc tế đã được thể chế hóa bằng Nghị quyết 22 Bộ Chính trị ngày 10/4/2013 về hội nhập quốc tế. Cùng với các Bộ, Ban, ngành, địa phương, Bộ Ngoại giao đang tích cực quán triệt sâu rộng về nhiệm vụ của hội nhập quốc tế toàn diện trong giai đoạn mới. Chính phủ đã giao Bộ Ngoại giao phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương trên cả nước xây dựng Chương trình Hành động của Chính phủ nhằm triển khai Nghị quyết. Đồng thời, Bộ Ngoại giao cũng đang xây dựng Chương trình Hành động của ngành.

Công cuộc hội nhập quốc tế được đẩy mạnh cả trong khâu hoạch định chính sách và triển khai thực tiễn. Tại Đối thoại Shangri-La ở Singapore tháng 5/2013, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng lần đầu tiên đã chính thức công bố việc Việt Nam quyết định tham gia các hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc từ năm 2014. Chúng ta đang triển khai đồng thời đàm phán 6 khuôn khổ thương mại tự do lớn là Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), Đối tác kinh tế toàn diện khu vực Đông Á (RCEP), các hiệp định thương mại tự do với Hàn Quốc, EU, Khu vực mậu dịch tự do Châu Âu (EFTA) và Liên minh Thuế quan Nga – Belarus – Kazakhstan.

Cùng với hội nhập quốc tế, ta cũng đang triển khai một cách khẩn trương và có hiệu quả chủ trương làm sâu sắc quan hệ với các đối tác quan trọng. Từ đầu năm 2013 đến nay, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng và các đồng chí lãnh đạo cấp cao khác đã thực hiện các chuyến thăm tới các nước Lào, Campuchia, các nước Đông Nam Á, Trung Quốc, Nga, Anh, EU, Italy, Đức, Ba Lan, Venezuela, Hàn Quốc, Ấn Độ, Hoa Kỳ... Ta đã lập quan hệ đối tác chiến lược với Italy, Thái Lan, Indonesia, nâng tổng số quan hệ đối tác chiến lược lên 13 nước. Việt Nam và Hoa Kỳ đã xác lập quan hệ đối tác toàn diện, tạo nền tảng cho những bước phát triển mới trong quan hệ song phương phục vụ tốt hơn lợi ích hai nước, góp phần cho hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển ở Châu Á - Thái Bình Dương và trên thế giới.

Việt Nam tiếp tục phát huy vai trò là thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế. Ta tiếp tục tham gia một cách chủ động, tích cực, có trách nhiệm vào việc xây dựng Cộng đồng ASEAN, cùng các nước thành viên xác định những định hướng lớn cho Hiệp hội giai đoạn sau khi thành lập Cộng đồng vào năm 2015, thúc đẩy hợp tác nội khối, phát huy vai trò trung tâm của ASEAN trong cấu trúc khu vực đang định hình.

Ta tăng cường tham gia toàn diện, sâu rộng, thực chất trong khuôn khổ các diễn đàn đa phương như Liên Hợp quốc, Diễn đàn Hợp tác Châu Á – Thái Bình Dương (APEC), Hợp tác Á – Âu (ASEM); chuẩn bị việc Việt Nam làm Chủ tịch Hội đồng Thống đốc Cơ quan năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) nhiệm kỳ 2013-2014; ứng cử vào Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp quốc nhiệm kỳ 2014-2016, Hội đồng Bảo an Liên Hợp quốc nhiệm kỳ 2020-2021, vận động đăng cai Cấp cao APEC 2017, tăng cường hợp tác với các nước, các tổ chức quốc tế nhằm thúc đẩy các vấn đề thuộc lợi ích chiến lược của ta.

Trong bối cảnh thế giới và khu vực có nhiều biến động, ngành ngoại giao đã phối hợp với các bộ, ban, ngành Trung ương và các địa phương tạo thành một mặt trận vững chắc trong việc bảo vệ chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và an ninh quốc gia. Ta đã hoàn thành việc tăng dày, tôn tạo hệ thống mốc biên giới Việt Nam - Lào, tiếp tục đạt nhiều tiến triển trong việc phân giới cắm mốc biên giới trên bộ Việt Nam – Campuchia, phối hợp với Trung Quốc thực hiện tốt ba văn kiện về quản lý biên giới trên bộ, góp phần xây dựng đường biên giới chung hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển.

Ta tiếp tục đấu tranh ngoại giao kịp thời nhằm giữ vững chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán của nước ta trên biển, phù hợp với Công ước Liên Hợp quốc về Luật Biển 1982. Ta đã tranh thủ được sự ủng hộ của các nước trong và ngoài khu vực đối với việc duy trì hòa bình, ổn định, tự do và an toàn hàng hải, giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp bằng biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế, nhất là Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS), thực hiện đầy đủ DOC. Việt Nam và các nước ASEAN cũng đang nỗ lực cùng Trung Quốc hướng tới một Bộ quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC) nhằm duy trì hòa bình, ổn định, kiểm soát các tranh chấp, góp phần xây dựng lòng tin và củng cố mối quan hệ Đối tác chiến lược ASEAN – Trung Quốc.

Ta đấu tranh kiên quyết với âm mưu, thủ đoạn lợi dụng các vấn đề dân chủ, nhân quyền, tôn giáo hòng can thiệp vào công việc nội bộ của Việt Nam, tạo diễn biến hòa bình, chuyển hóa chế độ, gây bất ổn định đất nước. Bên cạnh đó, ta chủ động tăng cường trao đổi, đối thoại trên tinh thần xây dựng với các nước, các tổ chức phi chính phủ về các thành tựu phát triển, bảo vệ quyền con người và quyền tự do tôn giáo tại Việt Nam nhằm tăng cường hiểu biết và hợp tác với các nước, các đối tác quan trọng.

Ngành ngoại giao đã dành ưu tiên cao cho công tác thông tin, tham mưu cho Chính phủ và các bộ, ngành kinh tế trong điều hành kinh tế vĩ mô, góp phần tháo gỡ các khó khăn, phục vụ tái cơ cấu nền kinh tế đi đôi với đổi mới mô hình tăng trưởng, thực hiện 3 khâu đột phá chiến lược. Các hoạt động kinh tế đối ngoại tiếp tục đạt nhiều kết quả khả quan mặc dù kinh tế thế giới và các đối tác lớn của ta đều gặp khó khăn. Riêng 8 tháng đầu năm, đầu tư nước ngoài vào Việt Nam đã đạt 12,63 tỉ USD, kim ngạch xuất nhập khẩu đạt 85,4 tỉ USD. Công tác ngoại giao văn hóa, thông tin, tuyên truyền đối ngoại, công tác về người Việt Nam ở nước ngoài, bảo hộ công dân vẫn tiếp tục được chú trọng.

Trong năm bản lề 2013, công tác đối ngoại đã và đang thực hiện tốt nhiều nhiệm vụ quan trọng do Đại hội XI đề ra, đặc biệt là việc thể chế hóa chủ trương hội nhập quốc tế của Đảng. Thời gian tới, bên cạnh việc kiểm điểm việc triển khai đường lối đối ngoại nửa nhiệm kỳ qua kể từ Đại hội Đảng lần thứ XI, ngành ngoại giao sẽ phải tiếp tục đánh giá sâu rộng tình hình thế giới và khu vực, xác định các cơ hội và thách thức đối với đất nước, đề ra phương hướng triển khai các nhiệm vụ đối ngoại tiếp theo và hướng tới chuẩn bị cho Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII. Đây là những nội dung quan trọng mà ngành ngoại giao sẽ tập trung thảo luận trong dịp Hội nghị Ngoại giao lần thứ 28 trong 6 tháng cuối năm 2013.

68 năm truyền thống vinh quang của ngành ngoại giao không cho phép cán bộ ngoại giao lùi bước trong bất kỳ tình huống khó khăn nào. Chúng ta vững tin vào sự lãnh đạo của Đảng, vào đường lối đối ngoại và chủ trương hội nhập quốc tế đúng đắn, vững tin vào thế và lực của đất nước qua 27 năm thực hiện thành công công cuộc Đổi mới. Tiếp nối truyền thống vẻ vang của các thế hệ đi trước, toàn thể cán bộ của ngành ngoại giao sẽ phấn đấu thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ đối ngoại của Đảng và Nhà nước, góp phần đưa đất nước tiến bước trên giai đoạn phát triển mới.


TTXVN/Tin tức
Việt - Trung tiếp tục phát huy vai trò ngoại giao nhân dân
Việt - Trung tiếp tục phát huy vai trò ngoại giao nhân dân

Theo phóng viên TTXVN tại Bắc Kinh, nhận lời mời của Hội Hữu nghị Đối ngoại Nhân dân Trung Quốc và Hội Hữu nghị Trung-Việt, từ ngày 17-23/8, đoàn đại biểu Hội Hữu nghị Việt-Trung do Chủ tịch Hội Nguyễn Xuân Thắng dẫn đầu, đã thăm và làm việc tại Trung Quốc.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN