Phát biểu khai mạc hội nghị, ông Nguyễn Doãn Toản, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội khẳng định: Nhật Bản luôn là quốc gia hàng đầu trong đầu tư trực tiếp FDI của Hà Nội, với trên 10 tỷ USD (chiếm 25,5% tổng giá trị thu hút FDI của Hà Nội) và hỗ trợ ODA với 32 dự án và tổng vốn đã cam kết gần 3 tỷ USD (chiếm 58,8% giá trị vốn ODA cam kết cho Hà Nội).
Các dự án từ nguồn vốn của Nhật Bản đã đóng góp quan trọng vào sự phát triển của Thủ đô như: Tuyến đường Nhật Tân - Nội Bài; cầu Nhật Tân; Cảng hàng không quốc tế Nội Bài; các khu công nghiệp sản xuất tập trung như Khu công nghiệp Thăng Long; khu đô thị thành phố thông minh.
Các doanh nghiệp Nhật Bản đã đầu tư hàng nghìn dự án và đang hoạt động sản xuất kinh doanh thành công trên địa bàn thành phố Hà Nội. Bên cạnh đó Nhật Bản là đối tác lớn thứ ba về du lịch đến Hà Nội với trên 303.000 lượt khách trong năm 2018.
Cuộc gặp Thượng đỉnh Mỹ - Triều Tiên được tổ chức tại Hà Nội vào ngày 27 – 28/2 vừa qua thể hiện trách nhiệm và sự tín nhiệm của cộng đồng quốc tế về sự ổn định phát triển của khu vực, của Việt Nam và Hà Nội. Hà Nội xứng đáng là Thành phố vì hòa bình, có chính sách thông thoáng, môi trường đầu tư kinh doanh luôn được cải thiện... Đây là những yếu tố quan trọng, được các nhà đầu tư đặc biệt quan tâm khi tiến hành nghiên cứu, khảo sát đầu tư kinh doanh tại thành phố Hà Nội. Năm 2018, lần đầu tiên chỉ số PCI của Hà Nội thuộc top 10 tỉnh, thành phố có chỉ số PCI cao nhất cả nước, đứng thứ 9 trên toàn quốc. Sự ghi nhận này sẽ là động lực giúp chính quyền Thành phố luôn không ngừng đổi mới, nâng cao chất lượng điều hành, tạo lập môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi, góp phần phát triển kinh tế-xã hội của Thủ đô“.
“Xác định Nhật Bản là đối tác quan trọng hàng đầu, đối tác chiến lược lâu dài, thành phố Hà Nội đã định kỳ hàng năm tổ chức Hội nghị trao đổi hợp tác xúc tiến đầu tư, du lịch nhằm tăng cường sự hiểu biết, tin cậy và gắn kết giữa người dân hai nước đồng thời là dịp trao đổi kinh nghiệm và hợp tác trong lĩnh vực văn hóa, giáo dục, y tế, du lịch, kinh tế giữa thủ đô Hà Nội và Nhật Bản; hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam và Nhật Bản hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực đầu tư, thương mại, du lịch tìm hiểu, nắm bắt nhu cầu thị trường của hai nước“, ông Nguyễn Doãn Toản cho biết.
Nhận thức được thế mạnh của Nhật Bản; thời gian tới thành phố Hà Nội mong muốn tiếp tục được kêu gọi, thu hút đầu tư từ phía các bạn vào các lĩnh vực: Công nghiệp công nghệ cao; nông nghiệpcông nghệ cao; Đường sắt đô thị; Phát triển nguồn nhân lực; Du lịch; Dịch vụ y tế chất lượng cao; Thương mại (bao gồm cả trung tâm thương mại và cửa hàng tiện ích).
Ông Nguyễn Mạnh Quyền, Giám đốc Sở Kế hoạch Đầu tư Hà Nội cho biết: “Năm 2019, thành phố tiếp tục cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư, kinh doanh; khuyến khích đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp; nâng cao năng lực cạnh tranh, chỉ số PCI, nhất là trong các lĩnh vực: quy hoạch, đầu tư, đất đai, xây dựng, cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, giấy phép đầu tư. Hà Nội thực hiện có hiệu quả các chính sách ưu đãi, nhất là về thuế, tín dụng, đất đai, nhân lực; Tăng cường xúc tiến đầu tư, thực hiện các giải pháp huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực trong và ngoài nước cho đầu tư phát triển; Rà soát, đơn giản hóa thủ tục hành chính, giảm thời gian và chi phí cho doanh nghiệp; Tháo gỡ về thủ tục cho các nhà đầu tư; chú trọng các dự án lớn để tập trung hoàn thành thủ tục đẩy nhanh tiến độ cấp phép và triển khai thực hiện dự án. Mục tiêu thu hút FDI năm 2019 đạt trên 5 tỷ USD và tỷ lệ giải ngân đạt trên 2,3 tỷ USD”.
“Về du lịch, thành phố Hà Nội sẽ tập trung phát triển cả về quy mô và chất lượng dịch vụ, đảm bảo tính bền vững; đưa du lịch Hà Nội thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn thông qua việc thúc đẩy tiến độ đầu tư cơ sở vật chất kỹ thuật, phát triển sản phẩm du lịch hoàn chỉnh, có chất lượng cao, hấp dẫn khách du lịch. Với Nhật Bản, thành phố Hà Nội tiếp tục tăng cường, thường xuyên trao đổi, liên kết trong việc phối hợp tổ chức các đoàn famtrip, presstrip và các sự kiện giao lưu văn hóa giữa thành phố Hà Nội và các thành phố của Nhật Bản”, ông Nguyễn Mạnh Quyền thông tin.
Ông Hironobu Kitagawa, Trưởng đại diện Tổ chức xúc tiến thương mại Nhật Bản (Jetro) tại Hà Nội khẳng định, Hà Nội luôn là điểm đến đầu tư lý tưởng với các doanh nghiệp Nhật Bản. Trước đây, các doanh nghiệp Nhật Bản thường chọn các ngành công nghiệp chế tạo khi đầu tư tại Việt Nam. Nhưng ba năm trở lại đây, đầu tư của Nhật Bản tại Việt Nam ở mảng này chỉ còn chiếm 25%, thay vào đó là các lĩnh vực khác. Cụ thể, trong năm 2018, trong tổng số 429 dự án, thì công nghiệp chế tạo có 106 dự án (chiếm 25%); bán lẻ có 93 dự án (chiếm 22%), dịch vụ tư vấn có 79 dự án (chiếm 18%), công nghệ thông tin có 63 dự án chiếm 15%, còn lại là dự án trong các lĩnh vực bất động sản, giáo dục, xây dựng...
“Hà Nội là điểm đầu tư rất tốt với các doanh nghiệp Nhật Bản, về cả quy mô thị trường cũng như lực lượng lao động và hạ tầng. Hội nghị lần này được đánh giá mang lại nhiều hiệu quả trong việc thu hút các doanh nghiệp của Nhật Bản cũng như doanh nghiệp nước ngoài tham gia lĩnh vực thương mại đầu tư, du lịch vào Hà Nội”, ông Hironobu Kitagawa đánh giá.