Cải cách chính sách tiền lương phải gắn với quản lý biên chế

Khảo sát chính sách tiền lương tại Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (MTTQ) sáng 9/11, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Trưởng Ban chỉ đạo Nhà nước về cải cách chính sách tiền lương, bảo hiểm xã hội và ưu đãi người có công khẳng định cải cách chính sách tiền lương phải gắn với quản lý biên chế, quản lý chi phí thường xuyên.

Thay mặt Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, ông Trần Thanh Mẫn nhìn nhận, thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 8 khoá IX, từ năm 2004 tới nay, Chính phủ đã xem xét điều chỉnh mức lương tối thiểu chung, tối thiểu vùng; sửa đổi, bổ sung chế độ phụ cấp ưu đãi, thâm niên theo nghề, phụ cấp đặc thù theo ngành; đổi mới cơ chế tài chính đối với đơn vị hành chính, sự nghiệp... từng bước hoàn thiện, chế độ tiền lương và cải thiện đời sống cán bộ công chức, viên chức và người lao động với mục tiêu để người lao động có thể sống bằng lương.

Tuy nhiên, quá trình điều chỉnh, triển khai từng nội dung của chính sách tiền lương vẫn còn nhiều bất cập, chính sách tiền lương dù đã trải qua nhiều lần cải cách nhưng chưa tạo ra động lực đủ mạnh cho người hưởng lương phát huy tài năng, không tạo sự khuyến khích người có năng lực gắn với khu vực nhà nước. Trong đó, tiền lương của cán bộ Mặt trận chưa đảm bảo mối tương quan chung giữa các cơ quan Đảng, Nhà nước và MTTQ.

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đánh giá cao vai trò của MTTQ Việt Nam với chức năng giám sát và phản ánh tiếng nói của người dân sẽ giúp Ban chỉ đạo xây dựng Đề án cải cách chính sách tiền lương, bảo hiểm xã hội và ưu đãi người có công, trình Trung ương Đảng thảo luận vào năm 2018.

Phó Thủ tướng cho rằng cải cách tiền lương và bảo hiểm xã hội phải đi đôi với tinh giản biên chế trong khối hành chính và sự nghiệp công lập, trong đó tinh giản biên chế phải được thực hiện trước một bước. Đưa ra thông tin hiện nay có cơ quan của Chính phủ xin đề nghị thành lập tới 14 trung tâm là đơn vị sự nghiệp nhưng hạch toán phụ thuộc ở 2 đơn vị cấp Cục, Phó Thủ tướng cho biết, lãnh đạo Chính phủ đã chỉ đạo dừng việc này lại để làm rõ. Nếu vấn đề này không xử lý vẫn còn tồn tại việc cấp phép thủ tục hành chính và không giảm được các thủ tục kiểm tra chuyên ngành hay tinh giản bộ máy.

Phó Thủ tướng cũng cho rằng không thể tính chi phí hoạt động của bộ máy vào thu nhập của người lao động vì không đúng với bản chất của tiền lương. “Sau sắp xếp lại, bộ máy đi vào hoạt động ổn định thì lúc đó người lao động sẽ sống được bằng lương do nhà nước trả. Còn phần tiết kiệm được từ chi phí thường xuyên sẽ do cơ quan đó dùng để bổ sung, khoán cho các nhiệm vụ khác”, Phó Thủ tướng cho hay.

Đối với mức lương hưởng cho cán bộ MTTQ Việt Nam, theo Phó Thủ tướng, phải xác định Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam là liên minh chính trị chứ không phải là cơ quan đoàn thể xã hội, nên cần phải ghi nhận và giải quyết những bật cập về lương cho cán bộ Mặt trận hiện nay.

Phó Thủ tướng đề nghị Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, Hội đồng tư vấn, các Ban chuyên môn tiếp tục nghiên cứu, đóng góp ý kiến cùng Ban Chỉ đạo xây dựng và hoàn thiện Đề án cải cách chính sách tiền lương, bảo hiểm xã hội và ưu đãi người người có công trong thời gian tới.

Vân - Chung (TTXVN)
Xây dựng chính sách tiền lương trong doanh nghiệp theo cơ chế thị trường
Xây dựng chính sách tiền lương trong doanh nghiệp theo cơ chế thị trường

Làm việc với Bộ LĐTB&XH chiều 26/10, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Trưởng Ban chỉ đạo Trung ương về cải cách chính sách tiền lương, BHXH và ưu đãi người có công đề nghị Bộ làm rõ thực trạng, xây dựng chính sách tiền lương trong các loại hình doanh nghiệp theo hướng thỏa thuận về giá cả sức lao động theo cơ chế thị trường.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN