Quang cảnh hội thảo. Ảnh: Quốc Khánh - TTXVN. |
Với 4 phiên làm việc, Hội thảo là cơ hội để tiếp cận thông tin toàn cảnh về chính sách tiền lương trong khu vực và toàn cầu; là dịp để Việt Nam thông điệp với quốc tế về quan điểm kiên trì đổi mới chính sách tiền lương theo nguyên tắc kinh tế thị trường và hội nhập. Đồng thời, qua hội thảo, các chuyên gia trong nước và quốc tế chia sẻ kinh nghiệm, nhìn nhận lại những thách thức của Việt Nam hiện nay trong quá trình đổi mới, hoàn thiện chính sách tiền lương theo kinh tế thị trường và hội nhập.
Hiện, Việt Nam có khoảng 400 nghìn doanh nghiệp đang hoạt động với hơn 10 triệu lao động. Trong đó, 95% doanh nghiệp có quy mô nhỏ và vừa, phần lớn gia công, năng suất lao động thấp, giá trị tạo ra không cao, năng lực thương lượng, thỏa thuận tiền lương của người lao động hạn chế dẫn đến tiền lương có xu hướng bị ép. Vì vậy, các thể chế và chính sách xác lập tiền lương đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy thay đổi cấu trúc, hiện đại hóa công nghiệp và hội nhập quốc tế.
Phát biểu tại Hội thảo, Bộ trưởng Lao động - Thương binh và Xã hội Phạm Thị Hải Chuyền khẳng định: Việt Nam đã và đang thực hiện công cuộc đổi mới, cải cách mạnh mẽ và hoàn thiện cơ chế, chính sách. Trong cơ chế, chính sách tiền lương để phù hợp với thể chế kinh tế thị trường và hội nhập sâu, rộng vào kinh tế khu vực toàn cầu, kết quả đổi mới đó đã góp phần thực hiện tiêu chuẩn lao động, bảo đảm quyền và lợi ích chính đáng của các bên, nâng cao đời sống của người lao động.
Tuy nhiên, trong bối cảnh kinh tế thị trường và hội nhập, Việt Nam đang gặp phải nhiều thách thức, như năng lực cạnh tranh chưa cao, chất lượng nguồn nhân lực, năng suất lao động còn thấp. Vấn đề việc làm, thất nghiệp, tiền lương, thu nhập và đời sống của người lao động đòi hỏi cần phải nghiên cứu trong quá trình chuyển đổi kinh tế, hội nhập.
Bà Phạm Thị Hải Chuyền, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội phát biểu khai mạc. Ảnh: Quốc Khánh - TTXVN. |
Các đại biểu nhận định: Trong bối cảnh Việt Nam ngày cần hội nhập sâu rộng hơn vào kinh tế khu vực và toàn cầu, các chính sách, thực tiễn điều chỉnh tiền lương cần được cải thiện để tạo sự cân bằng giữa thúc đẩy sự phát triển của doanh nghiệp, giúp người lao động cũng được hưởng thành quả công bằng từ tăng trưởng năng suất của doanh nghiệp. Xác lập tiền lương cần dựa trên cơ sở khoa học vững chắc, phản ánh nhu cầu của người lao động, gia đình họ, cũng như nhu cầu của doanh nghiệp và thị trường lao động nói chung.
Theo Tổ chức ILO, tại Việt Nam, chỉ khoảng một phần ba số lao động có việc làm là được hưởng lương - nguồn thu nhập chính. Tỷ lệ này khá thấp so với trung bình trên thế giới (khoảng hơn 50%). Tuy nhiên, Việt Nam đã nhanh chóng thu hẹp khoảng cách này với thế giới bởi tỷ lệ lao động làm công ăn lương trên tổng số lao động có việc làm được dự báo là sẽ tăng nhanh trong những thập niên tới.
Sự khác biệt lớn về tiền lương giữa các quốc gia thành viên ASEAN phản ánh những khác biệt lớn trên nhiều phương diện, trong đó có năng suất lao động. Những quốc gia ứng dụng công nghệ mới, đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, thực hiện cải cách cơ cấu và nâng cao kỹ năng của lực lượng lao động cũng là những quốc gia tạo ra nền tảng cho hoạt động hiệu quả của doanh nghiệp và chuyển đổi sang các lĩnh vực có giá trị tăng cao hơn.
Là một thành viên của ASEAN với các mối quan hệ thương mại ngày càng sâu rộng, Việt Nam có thể đạt tăng trưởng cao và thịnh vượng trong thập niên mới. Năm 2015, cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) sẽ được thực hiện nhằm hướng tới mục tiêu xây dựng một thị trường, một nền sản xuất chung cho toàn khu vực.
Tự do thương mại và đầu tư sẽ ảnh hưởng mạnh tới nền kinh tế và thị trường trong thập niên mới. Với những thay đổi mạnh mẽ về mặt cấu trúc do AEC mang lại và các chính sách hỗ trợ đúng đắn, Việt Nam có thể gia tăng khả năng cạnh tranh trên các thị trường quốc tế trên cơ sở năng suất cao hơn, điều kiện làm việc tốt hơn. Các thể chế chính sách xác lập tiền lương đóng một vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy thay đổi cấu trúc, hiện đại hóa công nghiệp, hội nhập kinh tế.
Ngày 26/11, Hội thảo sẽ tiếp tục làm việc, tập trung thảo luận về việc xác lập tiền lương tối thiểu – ước lượng nhu cầu sống tối thiểu của người lao động và gia đình họ; tác động của điều chỉnh tiền lương tối thiểu tới doanh nghiệp.
Phúc Hằng (
TTXVN)