Giá vàng dao động gần mức thấp nhất của ba tuần
Trong khi đó, giới đầu tư thêm tín hiệu về lãi suất từ Chủ tịch Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) Jerome Powell.
Giá vàng giao ngay ổn định ở mức 1.948,94 USD/ounce vào lúc 14 giờ 58 phút giờ Việt Nam sau khi chạm mức thấp nhất kể từ ngày 19/10 trong phiên 8/11. Giá vàng kỳ hạn của Mỹ giảm 0,2% xuống 1.954,30 USD.
Chiến lược gia thị trường Yeap Jun Rong từ công ty cung cấp dịch vụ giao dịch trực tuyến IG, cho biết các động lực đẩy giá vàng lên cao đã “hạ nhiệt”, khi những người tham gia thị trường đánh giá rủi ro xảy ra một cuộc xung đột rộng lớn hơn ở Trung Đông là không cao. Điều này đã ngăn chặn dòng tiền tìm nơi trú ẩn an toàn.
Tuần trước, giá vàng đã tăng lên trên ngưỡng quan trọng 2.000 USD/ounce sau khi căng thẳng leo thang ở Trung Đông thúc đẩy nhu cầu mua vàng.
Các quan chức Fed đã duy trì quan điểm cân bằng về hướng quyết định tiếp theo của ngân hàng trung ương Mỹ. Họ sẽ tập trung vào dữ liệu kinh tế và tác động của việc lãi suất trái phiếu dài hạn đang tăng cao.
Nhà phân tích cấp cao Matt Simpson của City Index cho biết: “Vàng có khả năng một lần nữa phá ngưỡng 2.000 USD/ounce, nhưng bây giờ chưa phải là lúc”.
Giá dầu bật tăng sau khi giảm mạnh
Giá dầu đi lên trong phiên 9/11, khi thị trường bỏ qua các dấu hiệu giảm phát của Trung Quốc để tìm kiếm thêm manh mối về xu hướng nhu cầu tại hai quốc gia tiêu thụ dầu lớn nhất thế giới.
Giá dầu Brent Biển Bắc tăng 67 xu Mỹ, tương đương 0,8%, lên 80,21 USD/thùng lúc 14 giờ 30 phút theo giờ Việt Nam, trong khi giá dầu thô ngọt nhẹ Mỹ (WTI) tiến 56 xu Mỹ, tương đương 0,7%, lên 75,89 USD/thùng.
Giá dầu đã tăng sau khi giảm về mức thấp nhất kể từ giữa tháng Bảy hôm 8/11, do lo ngại về khả năng gián đoạn nguồn cung ở Trung Đông dịu dần, trong khi lo ngại về nhu cầu của Mỹ và Trung Quốc ngày càng gia tăng.
Ông Yeap Jun Rong, chiến lược gia thị trường của IG, cho biết: “Mức tăng thấp vẫn phản ánh sự dè dặt (của giới đầu tư), khi các yếu tố kinh tế vĩ mô và kỹ thuật hiện đang mang lại lợi thế cho người bán”.
Chiến lược gia Yeap cho biết mức tăng trong phiên 9/11 phản ánh những nỗ lực nhằm ổn định giá sau đợt bán tháo mạnh trong những ngày trước đó.
Trong khi đó, dữ liệu lạm phát do Trung Quốc công bố cùng ngày cho thấy Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của nước này trong tháng 10 giảm 0,2% so với cùng kỳ năm trước, còn Chỉ số giá sản xuất (PPI) giảm 2,6% so với cùng kỳ năm 2022.
Điều này nhìn chung tương đồng với kết quả thăm dò của Reuters, trong đó dự báo CPI sẽ giảm 0,1% và PPI giảm 2,7%.
Trước đó, Trung Quốc đã công bố số liệu cho thấy xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ của nước này đã giảm nhanh hơn dự kiến, mặc dù nhập khẩu dầu thô trong tháng 10 rất mạnh.
Trong một thông tin được cho là tích cực đối với nhu cầu dầu, Thống đốc Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC tức ngân hàng trung ương) Pan Gongsheng cho biết nền kinh tế lớn thứ hai thế giới dự kiến đạt mục tiêu tăng trưởng 5% trong năm nay.
Ngân hàng Barclays hôm 8/11 đã giảm dự báo giá dầu Brent trong năm 2024 xuống còn 93 USD/thùng, do nguồn cung dầu của Mỹ ổn định và triển vọng sản lượng cao từ Venezuela, sau khi các lệnh trừng phạt đối với nhà sản xuất Mỹ Latinh này được nới lỏng.
Chứng khoán châu Á tiếp tục khởi sắc
Chứng khoán châu Á diễn biến trái chiều trong phiên 9/11. Giới đầu tư hiện tập trung vào bài phát biểu sắp tới của các quan chức Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed).
Khép lại phiên này, chỉ số Nikkei 225 tại Tokyo tăng 1,5% lên mức 32.646,46 điểm, trong khi chỉ số Hang Seng tại Hong Kong (Trung Quốc) giảm 0,33% xuống 17.511,29 điểm, trong khi chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải gần như không thay đổi với mức tăng nhẹ 0,9 điểm lên 3.053,28 điểm.
Tín hiệu ngừng tăng lãi suất của Fed, theo sau bởi những dữ liệu tích cực hơn trên thị trường lao động, đã mang lại cho các nhà giao dịch sự tự tin cần thiết. Tuy nhiên, chứng khoán Hong Kong lại ghi nhận phiên giảm điểm thứ ba liên tiếp. Nguyên nhân là do số liệu về giảm phát của Trung Quốc trong tháng 10 đang làm dấy lên lo ngại về “sức khỏe” của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.
Giới chức Fed nhấn mạnh quyết tâm kiềm chế lạm phát và phần lớn đang để ngỏ khả năng tiếp tục tăng lãi suất. Đầu tuần này, Giám đốc Fed chi nhánh Minneapolis Neel Kashkari khẳng định ông cần thêm dữ liệu để đánh giá trước khi quyết định. Trong khi đó, Giám đốc Fed tại Chicago Austan Goolsbee cũng nói rằng điều chỉnh lạm phát là "ưu tiên số một".
Chuyên gia Stephen Innes tại cơ quan quản lý tài sản SPI Asset Management cho biết thị trường hiện đang tiếp thu những bình luận từ các quan chức Fed và sức mạnh của đợt lên giá gần đây được quyết định khi có những tín hiệu rõ ràng hơn.