Mặc dù giá dầu Brent lần đầu tiên giảm dưới mức 80 USD/thùng kể từ tháng 7/2023 trong phiên 8/11 đã hỗ trợ phần nào cho các chỉ số chứng khoán, song giới đầu tư vẫn thận trọng khi giao dịch.
Các chỉ số chứng khoán chính của Phố Wall đã khép phiên mà không có biến động lớn, trong đó chỉ số công nghiệp Dow Jones giảm 0,1% xuống 34.112,80 điểm. Còn chỉ số tổng hợp S&P 500 và chỉ số công nghệ Nasdaq Composite đều tăng 0,1% lên các mức tương ứng 4.382,80 điểm và 13.650,41 điểm.
Tại châu Âu, chỉ số FTSE 100 giảm 0,1% xuống 7.401,72 điểm. Còn chỉ số CAC 40 của Paris tăng 0,7% lên 7.034,16 điểm và chỉ số DAX 30 trên sàn Frankfurt tăng 0,5% lên 15.229,60 điểm. Chỉ số tổng hợp EURO STOXX 50 tăng 0,6% lên 4.178,49 điểm.
Chuyên gia Art Hogan của công ty tư vấn tài chính B.Riley Financial cho biết mặc dù giá năng lượng thấp hơn và lợi suất trái phiếu giảm đều là những yếu tố tích cực, nhưng cả hai đều không đủ lực để tác động đáng kể đến thị trường chứng khoán.
Chứng khoán phố Wall đã tăng trong tuần trước sau khi Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) đánh tín hiệu sẽ không tăng lãi suất nữa và dữ liệu cho thấy nền kinh tế đang trên đà chậm lại nhưng không suy giảm.
Tuy nhiên, các nhà giao dịch vẫn lo ngại về triển vọng tăng trưởng kinh tế ở một số nước, bao gồm cả ở Mỹ. Nhà phân tích Patrick O'Hare của chuyên trang phân tích thị trường chứng khoán Briefing.com cho hay mặc dù chi phí đi vay thấp hơn sẽ thúc đẩy hoạt động kinh doanh, song một số nhà đầu tư dường như lo lắng việc lãi suất thị trường giảm là dấu hiệu cho thấy triển vọng kinh doanh đang suy giảm.
Tại thị trường Việt Nam, chỉ số VN-Index tăng 33,14 điểm (3,07%) lên 1.113,43 điểm, còn chỉ số HNX-Index tăng 8,74 điểm (4%) lên 227,03 điểm.