Theo đó, giá vàng giao ngay giảm 1% xuống 1.947,89 USD/ounce vào lúc 3 giờ 1 phút sáng 9/11 (giờ Việt Nam). Đây là mức giảm hàng ngày lớn nhất của kim loại quý này kể từ ngày 2/10. Giá vàng kỳ hạn của Mỹ cũng mất 0,8% xuống 1.957,8 USD/ounce.
Ông Daniel Ghali, chiến lược gia hàng hóa tại công ty môi giới tài chính TD Securities cho biết giới giao dịch sẽ bắt đầu xem xét các số liệu kinh tế và động thái tiềm năng của Fed. Vàng sẽ phản ứng dựa trên bất kỳ dữ liệu nào được công bố trong giai đoạn này.
Vị chiến lược gia nhận xét, nếu không sự suy giảm đáng kể trong các số liệu báo cáo, rất khó để giá vàng có động lực tăng thêm.
Ông Phillip Streible, chiến lược gia trưởng về thị trường tại công ty dịch vụ tài chính Blue Line Futures cũng lưu ý, mức tăng mà vàng có được được từ xung đột Israel-Hamas đang bị xói mòn. Nếu xung đột leo thang thì vàng có thể có thêm một số động lực đằng thúc đẩy.
Trước đó, một loạt quan chức Fed hôm 7/11 đã nhận định thận trọng về quyết định lãi suất tiếp theo của ngân hàng trung ương này. Song họ cũng lưu ý rằng sẽ tập trung nhiều vào các số liệu kinh tế cùng tác động của lợi suất trái phiếu dài hạn cao hơn.
Giá vàng luôn nhạy cảm với các động thái điều chỉnh lãi suất của Mỹ. Bởi lãi suất tăng sẽ giúp đồng USD mạnh lên, song lại khiến sức hấp dẫn của các tài sản không sinh lời như vàng giảm đáng kể.
Trên thị trường các kim loại quý khác, giá bạc phiên này giảm 0,5% xuống 22,52 USD/ounce. Giá bạch kim giảm 2,8% xuống còn 866,31 USD/ounce.
Tại Việt Nam, vào đầu giờ sáng 9/11, giá vàng SJC tại thị trường Hà Nội được Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn niêm yết ở mức 69,30-70,30 triệu đồng/lượng (mua vào- bán ra).