Phiên này, giá dầu Brent giao kỳ hạn giảm 2,07 USD (tương đương 2,5%) xuống 79,54 USD/thùng. Giá dầu thô ngọt nhẹ (WTI) của Mỹ mất 2,04 USD (2,6%) xuống 75,33 USD/thùng. Giá cả hai loại dầu tiêu chuẩn đều giảm xuống mức thấp nhất kể từ giữa tháng Bảy tới nay.
Trong báo cáo mới nhất, ngân hàng Barclays đã hạ dự báo giá dầu thô Brent năm 2024 thêm 4 USD xuống còn 93 USD/thùng.
Một yếu tố gây áp lực lên giá dầu trong phiên là thông tin từ Viện Dầu mỏ Mỹ (API) cho thấy dự trữ dầu thô của nước này ước tăng gần 12 triệu thùng trong tuần trước. Đây có thể là mức tăng lớn nhất kể từ tháng Hai.
Tuy nhiên, Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) đã trì hoãn công bố số liệu về lượng dầu dự trữ hàng tuần cho đến ngày 15/11 để hoàn tất nâng cấp hệ thống. Số liệu này thường được EIA công bố vào thứ Tư (giờ địa phương).
Bên cạnh đó, các báo cáo mới nhất từ Trung Quốc cho thấy tổng xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ của nước này giảm nhanh hơn dự kiến. Diễn biến này đang dấy lên lo ngại về triển vọng nhu cầu năng lượng của nước nhập khẩu dầu thô lớn nhất thế giới này.
Ông Phil Flynn, nhà phân tích tại công ty môi giới tài chính Price Futures Group cho hay sự suy giảm về giá đang phản ánh hai điều: những lo ngại về nền kinh tế toàn cầu đang gặp khó khăn dựa trên dữ liệu từ Trung Quốc, cùng niềm tin rằng xung đột ở Dải Gaza sẽ không ảnh hưởng đến nguồn cung.
Một thông tin đáng chú ý khác trong phiên này là Nga đang xem xét dỡ bỏ lệnh cấm xuất khẩu đối với một số loại xăng. Nga đã đưa ra lệnh cấm xuất khẩu nhiên liệu vào ngày 21/9 để giải quyết tình trạng thiếu hụt và giá cả trong nước tăng cao. Chính phủ nước này đã nới lỏng các hạn chế từ ngày 6/10, cho phép xuất khẩu dầu diesel bằng đường ống, nhưng vẫn giữ các biện pháp hạn chế đối với xuất khẩu xăng.