Theo đó, giá dầu Brent giao kỳ hạn giảm 37 xu Mỹ (tương đương 0,5%) xuống 80,21 USD/thùng. Giá dầu thô ngọt nhẹ Mỹ (WTI) cũng giảm 36 xu Mỹ (0,5%) xuống mức 75,18 USD/thùng.
Cả hai hợp đồng đều tăng nhẹ vào tuần trước, đánh dấu mức tăng hàng tuần đầu tiên trong 5 tuần nhờ kỳ vọng rằng Saudi Arabia và Nga có thể tiếp tục cắt giảm nguồn cung tự nguyện vào đầu năm 2024. Ngoài ra, thị trường cũng tin tưởng Tổ chức các Nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các nhà sản xuất lớn ngoài khối (nhóm OPEC+) có thể thảo luận về kế hoạch cắt giảm sản lượng sâu thêm.
Giữa tuần trước, giá dầu đã lao dốc giảm sau khi OPEC+ đã hoãn cuộc họp cấp bộ trưởng từ ngày 26/11 sang ngày 30/11 để giải quyết những khác biệt về mục tiêu sản xuất của các nước thành viên châu Phi.
Kể từ đó, bốn nguồn thạo tin cho hay nhóm này đã tiến gần hơn đến một thỏa hiệp.
Các nhà phân tích của ngân hàng ING cho biết, tâm lý thị trường vẫn tiêu cực do tranh chấp về hạn ngạch sản xuất của nội bộ OPEC+. Song họ vẫn tin tưởng Saudi Arabia sẽ tiếp tục cắt giảm sản lượng tự nguyện 1 triệu thùng dầu/ngày vào năm tới.
Nếu điều này không xảy ra, các nhà phân tích ING cảnh báo thị trường sẽ chịu áp lực giảm giá cao hơn do dư thừa nguồn cung trong quý I/2024.
Nhà phân tích Vivek Dhar của ngân hàng Commonwealth Bank cho biết Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) mới đây đã dự báo nhu cầu dầu toàn cầu sẽ chỉ tăng 0,9 triệu thùng/ngày vào năm tới, giảm sâu từ mức tăng trưởng 2,4 triệu thùng/ngày của năm 2023. Trong bối cảnh đó, OPEC+ sẽ phải thắt chặt hoạt động sản xuất đáng kể để giảm bớt lo lắng về tình trạng dư thừa nguồn cung trên thị trường vào năm tới.