Giá dầu ngọt nhẹ WTI của Mỹ giao tháng 1/2024 giảm 1,56 USD, hay 2%, xuống 75,54 USD/thùng. Giá dầu Brent giao cùng kỳ hạn giảm 84 xu Mỹ, hay 1%, xuống 80,48 USD/thùng.
Trong cả tuần, giá dầu WTI giảm 0,7%, trong khi giá dầu Brent giảm 0,1%.
Trước đó, trong phiên 23/11, giá dầu kéo dài đà giảm do những nhận định rằng các nhà sản xuất dầu lớn sẽ không cắt giảm sản lượng sâu hơn vào năm tới. Giá dầu Brent giảm 68 xu Mỹ (tương đương khoảng 0,8%) xuống 81,28 USD/thùng. Giá dầu WTI cũng giảm 75 xu Mỹ (1%) xuống 76,35 USD/thùng.
Giá dầu vẫn chịu sức ép sau khi giảm trong phiên 22/11, sau khi OPEC+ hoãn cuộc họp dự kiến diễn ra vào ngày 26/11 đến ngày 30/11. Cuộc họp bị hoãn vào thời điểm các nước thành viên Angola và Nigeria dự định tăng sản lượng, làm giảm bớt lo ngại về khả năng OPEC+ tiếp tục cắt giảm sản lượng trong năm tới, trong đó có việc giảm sản lượng 1 triệu thùng/ngày của Saudi Arabia.
Quyết định hoãn cuộc họp của OPEC+ khiến giá dầu giảm trong phiên 22/11, với giá dầu Brent giảm xuống dưới 80 USD/thùng. Giá dầu Brent giảm 49 xu xuống 81,96 USD/thùng, sau khi đã có lúc mất hơn 4% xuống mức thấp 78,41 USD/thùng trước đó cùng phiên. Giá dầu WTI giảm 67 xu xuống 77,10 USD/thùng. Trước đó, loại dầu này đã có thời điểm giảm hơn 5% xuống mức thấp nhất trong phiên là 73,79 USD/thùng.
Còn trong phiên 21/11, giá dầu thế giới gần như đi ngang sau khi tăng trong hai phiên trước đó, do các nhà đầu tư thận trọng trước cuộc họp chính sách của OPEC+. Kết thúc phiên này, giá dầu Brent tăng 13 xu Mỹ, lên 82,45 USD/thùng. Giá dầu WTI giảm 6 xu Mỹ, xuống 77,77 USD/thùng.
Trước đó, chốt phiên 20/11, giá dầu có phiên tăng thứ hai liên tiếp, khi các nhà giao dịch nhận định OPEC+ sẽ nhất trí duy trì việc cắt giảm sản lượng tại cuộc họp sắp tới, sau khi giá dầu thô giảm trong tuần trước đó xuống các mức thấp nhất trong 4 tháng. Giá dầu WTI tăng 1,71 USD (tương đương gần 2,3%) lên 77,6 USD/thùng, trong khi giá dầu Brent tăng hơn 1,7 USD (tương đương 2,1%) lên 82,32 USD/thùng.
Theo nhà phân tích về hàng hóa tại ngân hàng Commerzbank, Barbara Lambrecht, điều quan trọng nhất là Saudi Arabia vẫn sẵn sàng gánh phần lớn trong mức cắt sản lượng của OPEC để ổn định thị trường.
Bà Lambrecht cho rằng Saudi Arabia có thể tiếp tục cắt giảm sản lượng trong quý I, đặc biệt là khi giá có thể giảm mạnh.