Chốt phiên giao dịch ngày 6/7, giá dầu Brent Biển Bắc giảm 2,63 USD (tương đương 3,4%) xuống 74,53 USD/thùng sau khi đạt mức cao nhất kể từ tháng 10/2018 là 77,84 USD/thùng.
Giá dầu thô ngọt nhẹ Mỹ (WTI) cũng giảm 1,79 USD (2,4%) xuống 73,37 USD/thùng sau khi đạt mức 76,98 USD/thùng - cao nhất kể từ tháng 11/2014.
Ngày 5/7, các bộ trưởng dầu mỏ của các nước OPEC và các nước sản xuất dầu liên minh (nhóm OPEC+) đã từ bỏ đàm phán sau khi Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) bác bỏ việc gia hạn thêm 8 tháng thỏa thuận cắt giảm sản lượng, theo đó các bên không nhất trí được về một thỏa thuận tăng sản lượng.
Ông Bob Yawger, Giám đốc phụ trách mảng hợp đồng năng lượng tương lai tại ngân hàng Mizuho cho biết thị trường lo ngại UAE sẽ đơn phương tăng nguồn cung và khi đó, một số nước khác trong OPEC sẽ theo bước UAE.
Một số nguồn tin OPEC+ cho biết họ vẫn tin rằng khối này sẽ tiếp tục các cuộc thảo luận trong tháng này và sẽ nhất trí tăng nguồn cung từ tháng 8 tới. Song một số nguồn khác cho rằng các hạn chế hiện tại có thể vẫn được duy trì.
Giới phân tích hiện kỳ vọng các nhà sản xuất Mỹ sẽ bắt đầu bổ sung nguồn cung vì giá dầu đã tăng cao hơn sau nhiều tháng hoạt động trầm lắng. Sản lượng dầu của Mỹ hiện vào khoảng 11 triệu thùng/ngày, do đó vẫn có khả năng các nhà sản xuất Mỹ nâng sản lượng trước khi tiến gần mức kỷ lục khoảng 13 triệu thùng/ngày hồi năm 2019.
Goldman Sachs nhận định việc OPEC+ hủy đàm phán tạo ra sự không chắc chắn về triển vọng sản xuất của khối này. Ngân hàng này vẫn dự báo giá dầu Brent đạt 80 USD/thùng vào đầu năm tới.