Giá dầu Brent kỳ hạn giảm 1,32 USD, hay 1,2%, xuống 106,19 USD/thùng vào lúc 13 giờ 46 phút. Giá dầu ngọt nhẹ WTI kỳ hạn của Mỹ giảm 1,52 USD, hay 1,4%, xuống 104,19 USD/thùng.
Giá dầu chịu sức ép trong tuần này cùng với các thị trường tài chính toàn cầu, do những lo ngại về lãi suất tăng, đồng USD mạnh nhất trong hai thập niên, lạm phát và nguy cơ suy thoái. Các biện pháp phong tỏa nhằm kiểm soát dịch kéo dài tại Trung Quốc, quốc gia nhập khẩu dầu nhiều nhất thế giới, cũng tác động đến thị trường.
Theo nhà kinh tế Howie Lee tại ngân hàng Oversea Chinese Banking Corp (Singapore), những lo ngại về nguy cơ suy thoái đang gia tăng với chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Mỹ tăng mạnh, kéo giá dầu xuống trong phiên sáng.
CPI của Mỹ trong tháng Tư tăng 8,3% so với cùng kỳ năm ngoái, cho thấy lãi suất sẽ cần được tăng nhanh để có thể kiểm soát lạm phát.
Tuy nhiên, những lo ngại về nguồn cung do xung đột giữa Nga và Ukraine đã tạo lực đẩy cho thị trường, với giá tăng trên 35% kể từ đầu năm. Việc Liên minh châu Âu (EU) xem xét lệnh cấm dầu mỏ của Nga, nhà cung cấp chính về dầu thô và nhiêu liệu cho EU, có thể khiến các nguồn cung toàn cầu bị thắt chặt hơn.
EU vẫn đang thảo luận về các chi tiết của lệnh cấm. Lệnh cấm sẽ cần được sự đồng thuận của các nước thành viên, nhưng đã bị trì hoãn khi Hungary phản đối do những tác động lớn đến nền kinh tế.
Đà tăng của giá dầu cũng bị hạn chế do những lo ngại về sự sụt giảm nhu cầu tại Trung Quốc, khi nước này nỗ lực kiểm soát sự lây lan của dịch.
Tại Mỹ, dự trữ dầu thô thương mại trong tuần trước tăng, nhờ lượng dầu được giải phóng từ kho dự trữ chiến lược đạt kỷ lục.