Trong bối cảnh các chỉ số chứng khoán chịu nhiều sức ép kể từ đầu năm 2022 đến nay, các thị trường đã trông đợi vào báo cáo giá tiêu dùng của Mỹ với hy vọng rằng lạm phát giảm sẽ làm giảm áp lực lên Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) trong việc tăng lãi suất.
Bộ Lao động Mỹ ngày 11/5 công bố tỷ lệ lạm phát của nền kinh tế lớn nhất thế giới tháng Tư vừa qua tăng 8,3% so với cùng kỳ năm ngoái, đồng thời là tháng thứ hai liên tục trong năm nay lạm phát vượt 8%.
Theo Bộ Lao động Mỹ, mặc dù tỷ lệ lạm phát tháng Tư có thấp hơn tháng Ba (8,5%) một chút chủ yếu nhờ giá xăng dầu có hạ nhiệt, song kể từ ngày 10/5 vừa qua giá xăng lại tiếp tục leo thang.
Chứng khoán Mỹ đã quay đầu giảm sau báo cáo trên, trong đó chỉ số công nghiệp Dow Jones giảm 1% xuống 31.834,11 điểm, chỉ số S&P 500 giảm 1,7% xuống 3.935,18 điểm, còn chỉ số công nghệ Nasdaq Composite giảm 3,2% xuống 11.364,24 điểm, sau đà giảm mạnh của giá cổ phiếu các hãng công nghệ tên tuổi lớn như Apple, Meta-công ty mẹ của Facebook và các công ty công nghệ lớn khác.
Ở bên kia bờ Đại Tây Dương, chứng khoán châu Âu đều tăng, trong đó chỉ số FTSE 100 của London tăng 1,4% lên 7.347,66 điểm, chỉ số DAX 30 trên sàn Frankfurt tăng 2,2 lên 13.828,64 điểm, còn chỉ số CAC 40 của Paris tăng 2,5% lên 6.269,73 điểm. Chỉ số tổng hợp EURO STOXX 50 tăng 2,6% lên 3.647,87 điểm.
Chứng khoán Frankfurt và Paris đã tăng hơn 2% mặc dù Ngân hàng trung ương châu Âu đánh tín hiệu về lần tăng lãi suất lần đầu tiên từ mức thấp lịch sử có thể xảy ra sớm vào tháng 7/2022 tới.
Chốt phiên 11/5, tại Việt Nam, VN-Index tăng 5,97 điểm lên 1.301,53 điểm. HNX-Index tăng 3,02 điểm lên 330,04 điểm.