Vụ bí xanh năm nay, ở các địa phương trong tỉnh đều tăng cả diện tích và sản lượng, nhưng điệp khúc “được mùa, mất giá” như hàng năm vẫn là bài toán chưa có lời giải. Giá bí xanh có thời điểm lên cao đến 15.000 đồng/kg, đến nay chỉ còn 2.500 đồng/kg.
Ghi nhận tại tuyến đường Quốc lộ 12B, thuộc các xã Hợp Kim, Sào Bày, Vĩnh Đồng, Hợp Tiến, Nam Thượng... của huyện Kim Bôi bí xanh chất đống ven đường, chờ người thu mua. Đối với bí xanh loại 1 đạt tiêu chuẩn giá cao được giá 2.000 - 3.000 đồng/kg; bí xanh loại 2 chỉ có giá 1.000 - 1.500 đồng/kg.
Hộ gia đình bà Bùi Thị Niện ở xóm Dảnh, xã Vĩnh Đồng (Kim Bôi) vay vốn ngân hàng để chuyển đổi diện tích 2.000m2 sang trồng bí xanh. Bắt đầu thu hoạch cuối tháng 4, tuy nhiên hiện nay chỉ bán được nhỏ, lẻ cho khách đi đường. Một số thương lái trả 1.800 đồng/kg để mua cả vườn nhưng giá thấp quá nên gia đình bà Niện đắn đo chờ được giá. Do đó, toàn bộ bí xanh của bà Niện được bày bán ven đường hoặc vận chuyển đến các chợ trung tâm gần nhà để tiêu thụ.
Bà Bùi Thị Niện chia sẻ, bây giờ giá bí xanh rẻ quá, nhưng cũng chẳng có người đến mua. So với thời điểm tháng 11, 12 vừa rồi còn bán được 15.000 đồng/kg, xong còn 7.000 - 8.000 đồng/kg, đến nay lại chất đống không biết bán cho ai.
Khảo sát trên địa bàn xã Nam Thượng, huyện Kim Bôi được biết, có trên 30ha trồng bí xanh, nhiều diện tích đã đến kỳ thu hoạch, tuy nhiên giá thành sụt giảm, số lượng thương lái đến thu mua cũng ít hơn so với trước đây, dẫn đến tình trạng bí xanh tại vườn hoặc đã thu hoạch không bán được bị hỏng, héo, thối...
Theo ông Bùi Ngọc Thảo, Chủ tịch UBND xã Nam Thượng (Kim Bôi), sản phẩm bí xanh là loại cây chủ lực của xã, giờ tồn đọng rất nhiều. Chính quyền xã kiến nghị, mong muốn các cấp lãnh đạo có biện pháp để thu hút, kêu gọi các nhà tiêu thụ, liên kết sản phẩm để tiêu thụ bí xanh cho người dân trong quá trình sản xuất.
Thống kê cho thấy, toàn huyện Kim Bôi có trên 400 ha bí xanh, trồng nhiều tại các xã: Đú Sáng, Mỵ Hòa, Nam Thượng… Mỗi năm, bí xanh trồng hai vụ; trong đó, vụ Xuân được đánh giá là dễ trồng hơn, cây tăng trưởng tốt, không bị bệnh, năng suất thu về cao hơn. Tuy nhiên, giá thành bí xanh trái vụ vào tháng 11, 12 sẽ cao hơn so với vụ tháng 4, 5.
Năng suất hiện nay dao động từ 200 - 220 tấn/ha. Nếu giá thành ổn định, 1 ha có thể thu về trên dưới 200 triệu đồng. Từ trước đến nay, việc tiêu thụ bí xanh chủ yếu do người dân và thương lái tự thỏa thuận, không có hợp đồng, liên kết tiêu thụ sản phẩm. Do đó, giá thành bí xanh lên xuống thất thường, không ổn định.
Bà Vũ Kim Ngọc, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Kim Bôi cho biết, tình trạng mặt hàng nông sản, đặc biệt là bí xanh xảy ra được mùa mất giá hay mất mùa mất cả giá đã thường xuyên xảy ra. Giải pháp thời gian tới, ngành nông nghiệp huyện sẽ tiến hành điều tiết diện tích; thu hút kêu gọi doanh nghiệp, tạo liên kết chuỗi gẵn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm giữa người nông dân, hợp tác xã và doanh nghiệp.
Thực trạng này đã diễn ra nhiều năm nay nhưng chưa được các ngành chức năng của tỉnh Hòa Bình có biện pháp để hỗ trợ giúp đỡ người nông dân. Các mối liên kết tiêu thụ sản phẩm giữa người nông dân với doanh nghiệp chưa được chú trọng. Vì vậy, sản phẩm làm ra người nông dân rất bấp bênh. Đây là vấn đề mà các cấp, ngành của tỉnh Hòa Bình cần tìm giải pháp tháo gỡ, hoạch định các vùng sản xuất tập trung, bảo đảm đầu ra cho sản phẩm.