Công nghiệp chế biến cà phê ở Đắk Lắk còn hạn chế

Tỉnh Đắk Lắk là địa phương có nhiều diện tích cà phê nhất nước nhưng công nghiệp chế biến cà phê, nhất là chế biến theo công nghệ ướt, chế biến sâu còn nhiều hạn chế nên giá cà phê nhân xuất khẩu cũng như giá trị gia tăng thấp, gây thiệt hại lớn cho người trồng cà phê.

Theo UBND tỉnh Đắk Lắk, hiện nay trên địa bàn tỉnh có gần 100 cơ sở chế biến cà phê, trong đó có 23 cơ sở chế biến cà phê nhân theo công nghệ khô, với công suất thiết kế 475.030 tấn/năm; 16 dây chuyền chế biến ướt, công suất trên 64.000 tấn cà phê nhân/năm; 47 cơ sở chế biến cà phê bột, công suất 32.067 tấn/năm và 2 doanh nghiệp chế biến cà phê hòa tan, công suất gần 10.000 tấn/năm. 

Dây chuyền chế biến cà phê ướt của HTX Nông nghiệp dịch vụ công bằng Ea.

Đặc biệt, từ năm 2012 trở lại đây, tỉnh Đắk Lắk đã thu hút thêm được 15 doanh nghiệp trong và ngoài nước đầu tư vào công nghiệp chế biến cà phê, với tổng nguồn vốn hơn 3.230 tỷ đồng; trong đó có 4 doanh nghiệp đầu tư trực tiếp nước ngoài, với tổng vốn đầu tư hơn 1.460 tỷ đồng, nguồn vốn còn lại là của các doanh nghiệp trong nước.


Tuy nhiên, trong niên vụ cà phê 2015 – 2016, các cơ sở công nghiệp chế biến trong tỉnh chỉ chế biến được 227.366 tấn cà phê nhân, đạt khoảng 39% tổng công suất thiết kế và đạt gần 50% sản lượng cà phê quả trong toàn tỉnh.


Cũng theo đánh giá của UBND tỉnh, số lượng các doanh nghiệp chế biến cà phê chất lượng cao trên địa bàn tỉnh không nhiều, ngoài một số doanh nghiệp có uy tín, thương hiệu như Trung Nguyên, Nam Nguyên, An Thái, Mêhycô, cà phê Ngon…còn lại phần lớn là các cơ sở quy mô nhỏ, thiết bị thủ công, thiếu đồng bộ. Trong vài năm trở lại đây tỉnh cũng có một số doanh nghiệp đầu tư chế biến sâu, chủ yếu là cà phê rang xay, cà phê hòa tan xuất khẩu nhưng còn rất thấp, mới chiếm khoảng 2,5% trên tổng số lượng cà phê nhân xuất khẩu.


Việc chế biến cà phê nhân (cà phê thóc) theo công nghệ chế biến ướt chỉ tập trung ở các công ty, doanh nghiệp sản xuất kinh doanh cà phê có quy mô tương đối lớn, còn các nông hộ, đơn vị tập thể chủ yếu là sử dụng phương pháp chế biến khô chất lượng không cao, chưa đáp ứng được nhu cầu của khách hàng trên thị trường thế giới.

Hiện nay, tỉnh Đắk Lắk đã cải thiện môi trường đầu tư thông thoáng, đơn giản hóa thủ tục hành chính để hỗ trợ các doanh nghiệp nâng cao năng suất, chất lượng, khả năng cạnh tranh. Về chính sách ưu đãi đầu tư, tỉnh cũng áp dụng ở mức tốt nhất tạo điều kiện cho các nhà đầu tư thuê đất, cấp đất, miễn, giảm, miễn thuế…. nhằm thu hút ngày càng nhiều các doanh nghiệp trong, ngoài nước đầu tư vào tỉnh trong lĩnh vực chế biến cà phê.

Tỉnh Đắk Lắk có trên 203.000 ha cà phê, trong đó có 195.000 ha cà phê kinh doanh cho thu hoạch, với sản lượng mỗi năm đạt từ 450.000 tấn cà phê nhân trở lên.

Quang Huy
Lâm Đồng giới thiệu cà phê Arabica tại thị trường Nhật Bản
Lâm Đồng giới thiệu cà phê Arabica tại thị trường Nhật Bản

Ngày 30/9, được sự hỗ trợ của Ủy ban Nhân dân tỉnh Lâm Đồng và Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA), các doanh nghiệp cà phê tỉnh Lâm Đồng đã giới thiệu sản phẩm cà phê Arabica tại Triển lãm SCAJ 2016 về các sản phẩm cà phê đặc biệt tại Tokyo.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN