Vào lúc 14 giờ 30 phút giờ Việt Nam, giá dầu Brent giao dịch kỳ hạn giảm 58 xu Mỹ (0,6%) xuống 90,83 USD/thùng, trong khi giá dầu ngọt nhẹ Mỹ (WTI) giảm 45 xu Mỹ (0,5%) xuống 89,43 USD/thùng. Các nhà giao dịch cho biết giá dầu thô đang hướng đến tuần giảm đầu tiên sau bảy tuần tăng liên tiếp.
Warren Patterson, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu hàng hóa của tập đoàn tài chính ING, có trụ sở tại Hà Lan, nhận định số liệu mới về tình hình lạm phát tại Mỹ có thể gây thêm sức ép khiến Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) phải hành động mạnh mẽ hơn với việc tăng lãi suất. Dự đoán này đang tác động mạnh tới giá dầu mỏ và các mặt hàng khác.
Bộ Lao động Mỹ ngày 10/2 công bố số liệu cho thấy giá tiêu dùng tại nước này đã tăng 7,5% trong vòng 12 tháng tính đến tháng 1/2022, mức tăng chưa từng thấy kể từ tháng 2/1982. Sau báo cáo của Bộ Lao động, Chủ tịch chi nhánh của Fed tại St. Louis, James Bullard cho biết ông ủng hộ việc tăng lãi suất vào ngày 1/7.
Ngoài ra, tiến triển trong các cuộc đàm phán hạt nhân Iran cũng là một yếu tố khác kìm hãm đà tăng của giá dầu. Nếu các bên đạt được một thỏa thuận, lệnh trừng phạt đối với ngành dầu khí Iran có thể được dỡ bỏ và giúp giảm bớt tình trạng thắt chặt nguồn cung toàn cầu.
Cơ quan Quản lý Thông tin Năng lượng Mỹ cho biết trong tuần tính đến ngày 4/2 dự trữ dầu thô của Mỹ bất ngờ giảm 4,8 triệu thùng xuống 410,4 triệu thùng. Trong khi đó, Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) dự báo nhu cầu dầu thế giới có thể tăng mạnh hơn trong năm nay, với mức tăng 4,15 triệu thùng/ngày, khi nền kinh tế toàn cầu phục hồi mạnh mẽ sau đại dịch.