Phó Chủ tịch IHS Markit Daniel Yergin mới đây cảnh báo nếu Nga tấn công Ukraine, giá dầu có thể tăng mạnh và chạm mức 100 USD/thùng. Ông cũng lưu ý rằng khả năng xảy ra một cuộc tấn công sẽ dẫn đến tâm lý lo lắng trên thị trường “vàng đen”.
Thậm chí, theo dự đoán từ ông Natasha Kaneva, người phụ trách chiến lược hàng hóa toàn cầu của ngân hàng JPMorgan, giá dầu có thể dễ dàng tăng lên đến 120 USD/thùng nếu hoạt động xuất khẩu dầu của Nga bị gián đoạn bởi tình hình căng thẳng với Ukraine, trong bối cảnh năng lực sản xuất dư thừa ở các khu vực khác đều đang ở mức thấp.
JPMorgan cảnh báo rằng nếu lượng dầu xuất khẩu của Nga giảm một nửa, giá dầu Brent có thể sẽ tăng lên 150 USD/thùng. Mức giá dầu cao nhất từ trước đến nay được ghi nhận vào tháng 7/2008, khi giá dầu Brent chạm mức cao kỷ lục 147,50 USD/thùng.
Căng thẳng giữa Nga và Ukraine là một trong những nguyên nhân chính đẩy giá dầu tăng mạnh trong những tuần gần đây. Giá dầu Brent Biển Bắc đã chạm mức cao mới trong bảy năm qua là 94 USD/thùng trong phiên đầu tuần này, dù sau đó đã giảm xuống còn khoảng 91 USD/thùng. Trong khi đó, trong phiên giao dịch ngày 9/2, giá dầu thô ngọt nhẹ Mỹ đã phá vỡ ngưỡng 90 USD/thùng, mức cao nhất kể từ tháng 10/2014. Diễn biến này xảy ra một phần cũng là do Tổ chức các Nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) đã một lần nữa phớt lờ yêu cầu gia tăng sản lượng từ phía Mỹ để góp phần kiềm chế lạm phát. Trong cuộc họp tháng Một, OPEC đã quyết định sẽ duy trì chính sách nâng sản lượng 400.000 thùng/ngày.
Chuyên gia phấn tích cấp cao của công ty Price Futures Group Phil Flynn nhấn mạnh rằng Nga thực sự đang kiểm soát năng lượng ở châu Âu và một cuộc chiến kéo dài có thể dẫn đến một khoảng thời gian khó khăn để tìm kiếm các nguồn cung thay thế. Nga là nước sản xuất dầu và khí tự nhiên lớn thứ hai thế giới, chỉ đứng sau Mỹ. Nước này cũng đóng một vai trò mang tính chủ chốt trong nhóm OPEC+ (bao gồm OPEC và các đối tác).
Chính vì thế, cuộc khủng hoảng giữa Nga và Ukraine đang đặt ra nhiều nguy cơ cho thị trường “vàng đen”. Thứ nhất, một cuộc xung đột như vậy có thể sẽ phá hủy cơ sở hạ tầng năng lượng ở khu vực này. Thứ hai, các cường quốc ở phương Tây có thể sẽ trừng phạt Nga bằng các lệnh trừng phạt làm hạn chế hoạt động xuất khẩu dầu của Nga. Và cuối cùng, Tổng thống Nga Vladimir Putin có khả năng sẽ trả đũa bằng cách biến dầu và khí tự nhiên xuất khẩu trở thành một loại “vũ khí”. Giá khí tự nhiên tăng cao tại châu Âu sẽ thúc đẩy nhu cầu dầu vì các nhà máy sẽ chuyển sang sử dụng dầu để thay thế khí đốt.
Khách hàng mua khí tự nhiên nhiều nhất của Nga là châu Âu, nơi đang “vật lộn” với chi phí sưởi ấm đang ở mức rất cao. JPMorgan cảnh báo: “Một sự gián đoạn trong hoạt động xuất khẩu ở bất kỳ đường ống lớn nào cũng có thể sẽ đặt sự cân bằng về khí tự nhiên của châu Âu vào một tình thế bấp bênh, đặc biệt khi năm 2022 bắt đầu với lượng khí đốt dự trữ của châu Âu đang ở mức thấp kỷ lục”.