Yếu tố tích cực có thể chưa đủ mạnh giúp thị trường chứng khoán bứt lên

Tuần qua (từ 14 – 18/1), thị trường chứng khoán thế giới tăng trưởng ấn tượng và khối ngoại mua ròng cũng không giúp thị trường chứng khoán Việt Nam tích cực.

Thực tế, tuần qua là một tuần giao dịch nhàm chán đối với giới đầu tư chứng khoán với việc thanh khoản vẫn ở mức thấp và các chỉ số giảm nhẹ.

Cụ thể, VN - Index giảm 0,05% xuống  902,30 điểm; HNX-Index  giảm 0,3%  xuống 101,56 điểm. Dù thanh khoản trong tuần qua tăng nhẹ so với tuần trước đó, nhưng vẫn ở mức thấp với chỉ khoảng hơn 3.300 tỷ đồng giao dịch mỗi phiên trên cả hai sàn.

Rõ ràng, với diễn biến giằng co, cùng với việc thanh khoản đang giữ ở mức thấp cho thấy dòng tiền lớn vẫn chưa có dấu hiệu quay trở lại thị trường. Đặc biệt, xu hướng này khó kết thúc khi mà nhà đầu tư đang có tâm lý nghỉ ngơi trong bối cảnh Tết Âm lịch đang cận kề.

Sự tích cực của thị trường chứng khoán thế giới, cộng với việc mùa báo cáo kết quả kinh doanh quý 4/2018 cũng không giúp thị trường chứng khoán Việt Nam tuần qua bật tăng, thì có lẽ không nên quá kỳ vọng vào sự chuyển biến mạnh mẽ cho thị trường trong tuần tới.

Rõ ràng, tuần tới chưa có thêm thông tin có đủ sức mạnh giúp thị trường bứt phá. Tuy vậy, có thể thấy, kịch bản thị trường diễn biến xấu hơn đã được giảm bớt khi chỉ số VN – Index vẫn giữ vững được mức trên 900 điểm và lực cầu tuy không lớn nhưng cũng đã tăng dần lên. Cùng với đó là việc khối ngoại mua ròng đều đặn qua các phiên giao dịch, đang là những yếu tố tích cực nâng đỡ thị trường.

Chú thích ảnh
Khách hàng giao dịch tại sàn giao dịch BVSC. Ảnh: Trần Việt/TTXVN

Tuần qua, khối ngoại đã mua ròng trên toàn thị trường với khối lượng 8,6 triệu cổ phiếu, giá trị mua ròng đạt tới trên 774 tỷ đồng.

Trên sàn HoSE, khối ngoại mua ròng gần 701 tỷ đồng (gấp 4 lần tuần trước đó), khối lượng mua ròng đạt 8,8 triệu cổ phiếu. Việc khối ngoại mua ròng đột biến trong tuần qua là nhờ vào giao dịch thỏa thuận của cổ phiếu MWG. Cụ thể, MWG được khối ngoại mua thỏa thuận hơn 6,1 triệu cổ phiếu, trị giá 565 tỷ đồng trong phiên 16/1.

Trên sàn HNX, khối ngoại tiếp tục mua ròng 25,5 tỷ đồng (giảm 44% so với tuần trước), tương ứng khối lượng mua ròng đạt trên 1,1 triệu cổ phiếu.

Trên sàn UPCoM, khối ngoại mua ròng trên 47,7 tỷ đồng, nhưng tính về khối lượng họ vẫn bán ròng 1,29 triệu cổ phiếu.

Cùng với việc khối ngoại mua ròng, thì việc thị trường chứng khoán thế giới đang trên đà đi lên cũng là yếu tố nâng đỡ mạnh thị trường.

Cụ thể, thị trường chứng khoán Mỹ - thị trường có sức ảnh hưởng rất lớn lên các thị trường chứng khoán thế giới; trong đó, có ảnh hưởng chi phối tâm lý mạnh mẽ đối với nhà đầu tư Việt Nam đã có tuần tăng trưởng ấn tượng.

Khép lại phiên cuối tuần với sắc xanh, Phố Wall ghi nhận chuỗi bốn phiên đi lên liên tiếp và cũng đánh dấu bốn tuần tăng điểm liên tục của thị trường chứng khoán Mỹ.

Với kết quả này, cả ba chỉ số chủ lực của Phố Wall đều có được mức tăng trong bốn tuần mạnh nhất (tính theo điểm phần trăm) kể từ tháng 10/2011.

Kết thúc phiên giao dịch cuối cùng của tuần qua (ngày 18/1), chỉ số công nghiệp Dow Jones tăng 336,25 điểm (1,4%), lên 24.706,35 điểm. Chỉ số S&P 500 cũng tiến 34,75 điểm (1,3%), lên 2. 670,71 điểm. Trong khi đó, chỉ số công nghệ Nasdaq Composite ghi thêm 72,76 điểm (1%), lên 7.157,23 điểm. Tính chung cả tuần qua, Dow Jones tăng 3%, S&P 500 tiến 2,9%, còn Nasdaq cộng 2,7%.

Xét về các yếu tố nội tại của thị trường, có thể thấy hầu hết các nhóm ngành đang có giao dịch giằng co, đi ngang tích lũy.

Tại nhóm cổ phiếu ngân hàng, ở chiều tăng giá có các mã đáng chú ý như: MBB tăng 2,5%, trong khi TCB tăng tới 2,9%. Đây là những trụ đỡ vững chắc cho thị trường.

Tuy nhiên, vẫn có những mã cổ phiếu vốn hóa lớn thuộc nhóm cổ phiếu ngân hàng giảm sâu như CTG giảm tới 3,3%,  BID giảm 0,6%.

Hiện vẫn đang trong mùa báo cáo kết quả kinh doanh quý 4/2018 và có lẽ những diễn biến phân hóa mạnh với sắc xanh, đỏ đan xen tại các nhóm cổ phiếu vẫn tiếp tục diễn ra; trong đó diễn biến này tại nhóm cổ phiếu ngân hàng có thể là điển hình.

Tuần qua, thị trường dầu mỏ thế giới vẫn ghi nhận tuần đi lên thứ ba liên tiếp. Các tín hiệu lạc quan về đàm phán thương mại Mỹ - Trung đã đẩy lùi lo ngại về nguy cơ “nóng” lên của cuộc chiến thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới. Ngoài ra, những số liệu mới nhất cho thấy sản lượng dầu toàn cầu có xu hướng giảm cũng góp phần hỗ trợ giá “vàng đen”.

Kết thúc phiên giao dịch cuối tuần (ngày 18/1), giá dầu ngọt nhẹ (WTI) giao tháng 2/2019 tại thị trường New York tăng 1,73 USD (3,3%), lên 53,80 USD/thùng. Tại thị trường London, giá dầu Brent Biển Bắc giao tháng 3/2019 cũng tăng 1,52 USD (2,5%), lên 62,7 USD/thùng. Tính chung cả tuần qua, giá dầu WTI tăng 4,3%, còn dầu Brent tăng 3,7%.

Tuy vậy, với việc giá cổ phiếu dầu khí đã tăng khá mạnh trong tuần trước đó, khiến áp lực chốt lời của nhóm cổ phiếu dầu khí gia tăng. Chính vì vậy, mặc dù giá dầu thế giới tiếp tục tăng nhưng cổ phiếu dầu khí vẫn giảm mạnh trong tuần qua.

Theo đó, GAS giảm 2,2%, PLX giảm 1%, PVB (8,5%), PVD (1,3%), PVS (1,1%), BSR (2,2%), POW (2,6%), OIL (5,6%).

Diễn biến giá dầu thế giới hiện tại cũng đang rất khó đoán định. Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) thông báo đã cắt giảm sản lượng 751.000 thùng dầu/ngày trong tháng 12/2018 trước khi thỏa thuận mới về việc hạn chế nguồn cung dầu có hiệu lực, cho thấy tổ chức này đã tạo một bước khởi đầu khá rắn chắc trong việc ngăn chặn tình trạng dư cung trong năm 2019. Đây là yếu tố hỗ trợ mạnh giá dầu.

Tuy nhiên, ở chiều ngược lại, lượng dự trữ các chế phẩm dầu mỏ đang gia tăng tại Mỹ và sản lượng dầu thô vẫn đang ở mức cao kỷ lục, trong khi triển vọng nhu cầu tiêu thụ yếu kém trên toàn cầu vấn tạo sức ép lên thị trường dầu mỏ. Trong báo cáo thị trường hàng tháng công bố ngày 17/1, OPEC đã hạ dự báo nhu cầu tiêu thụ dầu mỏ trung bình trên toàn cầu năm 2019 xuống 30,83 triệu thùng/ngày, giảm 910.000 thùng so với mức tương ứng của năm 2018.

Với những diễn biến nội tại trong giao dịch của nhóm cổ phiếu dầu khí cho thấy, xu hướng tích cực trở lại trong tuần tới là khá khó khăn. Mặc dù vậy, nhóm cổ phiếu này có lẽ diễn biến sẽ không quá tệ. Kịch bản nhóm cổ phiếu dầu khí giằng co, tích lũy với thanh khoản thấp được đánh giá cao trong tuần giao dịch tới.

Tuần qua, cổ phiếu vốn hóa lớn thứ hai ngành xây dựng tiếp tục tăng như VHM tăng tới 4,8%, trong khi cổ phiếu vốn hóa lớn nhất thị trường là VIC cũng tăng 0,8%. Cùng với đó là các mã vốn hóa lớn thuộc ngành thực phẩm đồ uống vẫn tăng tích cực với MSN tăng nhẹ 0,4%. Đây là những mã cổ phiếu góp công lớn giữ vững mốc hơn 900 điểm của chỉ số VN – Index.

Ở chiều ngược lại, các mã cổ phiếu vốn hóa lớn giảm giá: HPG giảm 0,4%, VNM đi ngang tích lũy, SAB giảm 2,4%, FPT giảm 0,5%, VRE giảm 2%,… đã tạo sức ép giảm điểm lên chỉ số.

Như vậy có thể thấy, nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn đang diễn biến phân hóa với sắc xanh đỏ đan xen với mức tăng giảm không lớn. Thanh khoản của nhóm cổ phiếu này vẫn giữ ở mức thấp, vì vậy kỳ vọng vào sự đột phá của nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn trong thời điểm này có lẽ cũng không hợp lý.

Kịch bản thích hợp đối với nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn có thể là tiếp tục giằng co, phân hóa và đi ngang tích lũy.

Nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn có tác động mạnh nhất lên thị trường chung, thường có những diễn biến tương đồng với thị trường chung. Dưới góc nhìn của nhiều công ty chứng khoán, trong tuần giao dịch tiếp theo, không có những thông tin có thể tác động mạnh tới thị trường và với điều tâm lý nhà đầu tư muốn nghỉ Tết sớm như hiện nay thì diễn biến thị trường có lẽ cũng không có sự đột biến đáng kể.

Theo đó, Công ty cổ phần chứng khoán Sài Gòn – Hà Nội dự báo, trong tuần giao dịch tiếp theo (21/1-25/1), VN-Index có thể tiếp tục diễn biến giằng co khó chịu với thanh khoản thấp, kháng cự và hỗ trợ gần nhất lần lượt tại 915 điểm (MA10 tuần) và 880 điểm tương ứng với vùng đáy cũ.

“Chúng tôi duy trì khuyến nghị nhà đầu tư nên hạn chế mua vào trong giai đoạn này do xu hướng hiện tại vẫn là rủi ro và khó chịu. Nếu đang có tỷ trọng cổ phiếu cao trong danh mục có thể tận dụng những phiên hồi phục để bán giảm tỷ trọng”, SHS khuyến nghị.

Đồng quan điểm, Công ty cổ phần Chứng khoán Bảo Việt dự báo thị trường sẽ biến động theo hướng đi ngang tích lũy trong biên độ hẹp, kèm theo sự phân hóa mạnh giữa các dòng cổ phiếu vào tuần tới. Dòng tiền đang có dấu hiệu dịch chuyển vào một số nhóm cổ phiếu nhưng nhìn chung vẫn còn khá hạn chế và mang tính chọn lọc cao. Thanh khoản thị trường cũng được dự báo sẽ chỉ dao động ở mức trung bình trong trong những tuần cận Tết.

Công ty cổ phần Chứng khoán Rồng Việt- VDSC nhận định, thị trường đang điều chỉnh sau nhịp phục hồi trước đó. Các cổ phiếu lớn tăng giảm xen kẽ và có thể nhận thấy áp lực bán khá lớn ở nhiều mã vốn hóa lớn. Đây có thể là phản ứng của thị trường trước khi bước vào kỳ cơ cấu lại rổ VN30. Sự phân hóa là tương đối mạnh khi nhiều nhóm cổ phiếu đang tách tốp và hình thành xu hướng riêng.

VDSC khuyến nghị nhà đầu tư nên tập trung vào các mã cổ phiếu riêng lẻ và không cần quá quan ngại đến các chỉ số chung.

Văn Giáp (TTXVN)
Dòng vốn vẫn chảy mạnh vào thị trường chứng khoán
Dòng vốn vẫn chảy mạnh vào thị trường chứng khoán

Theo Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước, vốn hóa thị trường cổ phiếu hiện đã tăng lên mức cao nhất từ trước tới nay, đạt 3,98 triệu tỷ đồng, tăng 13,5% so với cuối năm 2017, tương đương 79,6% GDP, vượt chỉ tiêu đặt ra trong Chiến lược phát triển thị trường chứng khoán đến năm 2020.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN