Tính từ đầu năm đến hết ngày 14/12, dòng vốn vào ròng ước đạt hơn 2,8 tỷ USD, xấp xỉ bằng mức vào ròng của cả năm 2017 (2,92 tỷ USD).
Con số này là khả quan nếu so sánh với tình hình dòng vốn rút mạnh khỏi các thị trường mới nổi thời gian gần đây, tính từ đầu năm đến nay, nhà đầu tư nước ngoài đã rút ròng từ 7 thị trường châu á gồm: Hàn Quốc, Thái Lan, Indonesia, Philippines, Ấn Độ, Đài Loan (Trung Quốc), Malaysia với tổng giá trị hơn 27,34 tỷ USD.
Năm 2018, những thương vụ bán vốn lớn đã giúp thu hút dòng vốn nội và ngoại chảy vào thị trường chứng khoán. Đơn cử như thương vụ tỷ USD lớn nhất được nhắc tới trong năm 2018 là thương vụ của Công ty cổ phần Vinhomes (Vinhomes).
Ngay sau khi cổ phiếu VHM của Vinhomes chào sàn hôm 17/5, các nhà đầu tư nước ngoài đã chi 1,35 tỷ USD để nắm giữ cổ phiếu VHM, tạo nên phiên giao dịch có trị giá trên 1 tỷ USD đầu tiên trong gần 20 năm phát triển của thị trường chứng khoán.
Hay thương vụ bán hơn 164 triệu cổ phiếu của Ngân hàng Thương mại cổ phần Kỹ Thương Việt Nam (Techcombank), tương đương 14% vốn điều lệ ngân hàng cho các nhà đầu tư tổ chức nước ngoài, trị giá 922 triệu USD.
Trong hoạt động bán vốn Nhà nước, năm 2018 có những thương vụ thoái vốn ấn tượng nhất là bán 78,99% vốn điều lệ tại Tổng Công ty XNK Xây dựng Việt Nam - Vinaconex; trong đó, Tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước - SCIC bán 57,71% và Tập đoàn Công nghiệp – Viễn thông Quân đội - Viettel bán 21,28%. Với việc đấu giá thành công này, nhà nước (thông qua 2 đại diện chủ sở hữu là SCIC và Viettel) đã thu về hơn 9.369 tỷ đồng.
Trước đó, đầu năm 2018 có các thương vụ IPO Công ty Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR) trị giá 5.500 tỷ đồng, Tổng công ty Dầu Việt Nam (PVOil) 4.100 tỷ đồng, Tổng công ty Điện lực dầu khí Việt Nam (PV Power) 7.000 tỷ đồng.