Nhiều người đã có thói quen 'cứ đi siêu thị là chọn hàng Việt'

Cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam qua 8 năm triển khai đã hình thành xu hướng mua sắm hàng Việt cho nhiều người tiêu dùng. Nhiều thương hiệu sản phẩm hàng hoá và dịch vụ của doanh nghiệp Việt Nam đã chinh phục được người tiêu dùng trong nước.

Chị Minh Hạnh, một người tiêu dùng tại quận Hoàn Kiếm, Hà Nội có thói quen cuối tuần đi siêu thị mua sắm thực phẩm, thức ăn cho cả tuần. Chị cho biết, đa số những thực phẩm, đồ dùng, hàng hóa mà chị mua tại siêu thị Fivimart Lý Thái Tổ có nguồn gốc, xuất xứ Việt Nam. Chị có tâm lý ưu tiên hơn những sản phẩm Việt Nam có chất lượng tốt và giá thành hợp lý.

Đông đảo khách hàng mua sắm trong tháng khuyến mãi “Tự hào hàng Việt 2017”. Ảnh: Thanh Vũ/TTXVN

"Tôi thấy những năm gần đây mẫu mã của nhiều loại hàng Việt đã được cải thiện hơn trước. Các loại thực phẩm dùng để nấu ăn như dầu ăn, nước mắm, đường, sữa... rất đa dạng về mẫu mã, chủng loại. Đồ nhựa gia dụng cũng đã được cải thiện mẫu mã để cạnh tranh với hàng Thái. Rau củ quả thì tôi ưu tiên hàng từ Đà Lạt chuyển ra vì rất yên tâm về chất lượng và còn được đóng gói cẩn thận, đẹp mắt, có mã QR-code để kiểm tra xuất xứ", chị Hạnh chia sẻ.

Cũng như chị Hạnh, nhiều bà nội trợ cũng đánh giá cao những nỗ lực chuyển mình của hàng hóa Việt Nam thời gian qua nhằm cạnh tranh với hàng ngoại. Bà Vũ Thị Hậu, đại diện hệ thống siêu thị Fivimart cho biết, mặc dù hàng hóa nước ngoài ngày càng nhiều do mở cửa hội nhập nhưng hàng Việt Nam vẫn chiếm khoảng 70% tổng lượng hàng hóa. Điều đó chứng tỏ người tiêu dùng Việt không hề quay lưng với hàng nội.

Tại Lễ Khai mạc Chương trình Nhận diện hàng Việt Nam - Tự hào hàng Việt Nam diễn ra sáng nay (3/10), Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải đánh giá cao hiệu quả của Cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam. Nó không chỉ giúp thay đổi thói quen mua sắm của người tiêu dùng mà còn tác động đến các doanh nghiệp sản xuất, khiến họ quan tâm nhiều hơn đến thị trường nội địa với hơn 90 triệu dân.

Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải phát biểu tại lễ khai mạc chương trình Nhận diện hàng Việt Nam.

Thông qua Cuộc vận động, các doanh nghiệp đã thấy được tiềm năng của thị trường nội địa, không chỉ chú tâm phát triển xuất khẩu mà hướng đến đáp ứng tốt hơn nhu cầu của khách trong nước.

Để người tiêu dùng nhận diện hàng Việt tốt hơn, Tổng Giám đốc Tổng Công ty May 10 Nguyễn Thị Thanh Huyền cho hay: Doanh nghiệp phải có những nghiên cứu thị trường, tìm hiểu về thị hiếu của thị trường, đồng thời phát triển kênh phân phối rộng khắp để đưa hàng Việt đến tay người tiêu dùng.

Về phía cơ quan quản lý, Bộ Công Thương sẽ đẩy mạnh rà soát, sửa đổi, ban hành nhiều quy định pháp luật để định hướng và khuyến khích tiêu dùng trong nước, nâng cao phòng vệ thương mại, bảo vệ hàng Việt Nam tại thị trường trong nước. Bên cạnh đó, Bộ Công Thương còn kết nối cung cầu, hỗ trợ các doanh nghiệp đưa hàng Việt Nam về nông thôn, các khu công nghiệp, khu chế xuất, hỗ trợ hàng Việt vào các kênh phân phối hiện đại.

Đây là năm thứ 3 liên tiếp Bộ Công Thương tổ chức Chương trình Nhận diện hàng Việt Nam. Trong chương trình năm nay, rất nhiều hoạt động truyền thông được tổ chức trên cả nước nhằm lan tỏa tình yêu, tinh thần sử dụng, phân phối, tiêu dùng hàng Việt Nam tới hàng triệu người tiêu dùng trên cả nước.

Hoàng Dương/Báo Tin Tức
Hàng Việt thắng thế trong dịp 2/9 nhờ giá 'siêu ưu đãi'
Hàng Việt thắng thế trong dịp 2/9 nhờ giá 'siêu ưu đãi'

Trong ngày 2 và 3/9, sức mua tại thị trường TP Hồ Chí Minh đã tăng từ 20% - 30% so với ngày thường nhờ cả nhà bán lẻ nội lẫn ngoại đều chủ động tham gia cuộc đua tung hàng Việt ra thị trường với nhiều chương trình ưu đãi hấp dẫn để kích cầu tiêu dùng trong dịp Lễ Quốc khánh 2/9.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN