Miễn giảm, gia hạn 27,5 nghìn tỷ đồng tiền lệ phí, thuê đất khi COVID-19 lây lan

Tại Hội nghị sơ kết 6 tháng diễn ra ngày 16/7, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết: Trong 6 tháng đầu năm, ngành Tài chính đã miễn, giảm, gia hạn các khoản thuế, tiền thuê đất, phí, lệ phí 27,5 nghìn tỷ đồng để hỗ trợ doanh nghiệp và người dân trong bối cảnh COVID-19 diễn ra phức tạp.

Chú thích ảnh
Toàn cảnh Hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm của Bộ Tài chính diễn ra ngày 16/7. Ảnh: BTC.

Trong đó, cơ quan Thuế xử lý kịp thời, đúng quy định cho 52,38 nghìn người nộp thuế gửi giấy đề nghị gia hạn với tổng số thuế, tiền thuê đất được gia hạn khoảng 23,2 nghìn tỷ đồng; miễn giảm khoảng 4,3 nghìn tỷ đồng các khoản thuế, phí, lệ phí cho các đối tượng.

Theo Bộ Tài chính, nhiệm vụ tài chính - ngân sách Nhà nước (NSNN) 6 tháng đầu năm 2021 được triển khai trong bối cảnh tình hình quốc tế và trong nước tiếp tục chịu ảnh hưởng mạnh bởi đại dịch COVID-19. Tổng thu NSNN 6 tháng đầu năm đạt 58,2% dự toán, tăng 16,3% so với cùng kỳ năm ngoái; có trên 52 nghìn doanh nghiệp, hộ và cá nhân kinh doanh được gia hạn thời hạn nộp thuế và tiền thuê đất với tổng số tiền được gia hạn gần 28 nghìn tỷ đồng, qua đó giúp doanh nghiệp, người dân giảm bớt khó khăn, tiếp tục duy trì các hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Bên cạnh đó, chi NSNN đáp ứng kịp thời nhiệm vụ chi phát sinh theo tiến độ thực hiện và dự toán được giao của các đơn vị sử dụng ngân sách; cân đối  ngân sách nhà đảm bảo; nợ công được kiểm soát, giữ được kỷ cương kỷ luật tài chính.

Là địa phương bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch COVID-19, ông Phan Thế Tuấn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang cho biết: Từ cuối tháng 4, đầu tháng 5/2021, làn sóng dịch COVID-19 lần thứ 4 bùng phát và vẫn đang diễn biến phức tạp đã đặt ra không ít thách thức trong quản lý, điều hành, dự toán NSNN của tỉnh. Trước tình hình đó, Bắc Giang đã chủ động đề ra các giải pháp mới để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp; đồng thời, thực hiện song hành hai nhiệm vụ “vừa chống dịch, vừa hỗ trợ doanh nghiệp khôi phục sản xuất” theo phương châm “chống dịch để sản xuất, sản xuất để chống dịch”.

Tổng thu NSNN trên địa bàn tỉnh 6 tháng đầu năm ước 7.600 tỷ đồng, bằng 75,6% dự toán, tăng 65,4% so với cùng kỳ. Hầu hết các chỉ tiêu, khu vực thu đạt trên 50% dự toán. Bắc Giang cũng tiết kiệm tối đa các khoản chi không cần thiết để tập trung cho chi phòng, chống dịch COVID-19.

Bên cạnh những kết quả đạt được, ông Phan Thế Tuấn cho biết: Việc điều hành dự toán NSNN năm 2021 của tỉnh vẫn còn một số tồn tại, khó khăn. Theo đó, chi NSNN cho phòng, chống dịch tăng lên, ảnh hưởng đến cân đối thu, chi ngân sách địa phương năm 2021. Tiến độ giải ngân chi thường xuyên và nguồn vốn đầu tư công còn chậm do dịch bệnh COVID -19 bùng phát. Trong 6 tháng đầu năm 2021, do dịch COVID-19, có thời điểm Bắc Giang đã phải tạm dừng hoạt động 4 khu công nghiệp, thực hiện giãn cách và cách ly xã hội đối với hầu hết các huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên, nhờ nhiều giải pháp, đến nay, tỉnh đã cơ bản khống chế thành công dịch COVID-19.

Tổng thu NSNN trên địa bàn tỉnh 6 tháng đầu năm ước đạt 7.622,8 tỷ đồng, bằng 75,6% dự toán, tăng 65,4% so với cùng kỳ. Hầu hết các chỉ tiêu, khu vực thu đạt trên 50% dự toán. Chi ngân sách địa phương đảm bảo chặt chẽ, tiết kiệm các khoản chi không cần thiết để tập trung cho chi phòng, chống dịch COVID-19. Ước chi đến ngày 30/6 là 7.761 tỷ đồng, bằng 46,3% dự toán năm.

Phát biểu tại Hội nghị sơ kết công tác tài chính - ngân sách 6 tháng đầu năm, triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm của Bộ Tài chính diễn ra ngày 16/7, Phó thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái đề nghị ngành Tài chính tiếp tục nghiên cứu các giải pháp tài khoá, về thuế, phí để trình cấp có thẩm quyền quyết định, tạo điều kiện tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh.

Theo Phó Thủ tướng, trong bối cảnh dịch COVID-19 còn diễn biến hết sức phức tạp, để thực hiện thành công chiến lược vaccine, ngành Tài chính đã tham mưu nhiều giải pháp để huy động nguồn lực đẩy nhanh tiến độ mua vaccine tiêm chủng trên diện rộng cho người dân. Tổng nguồn lực dành được đến nay khoảng 25 nghìn tỷ đồng; trong đó, từ ngân sách Trung ương khoảng 14,5 nghìn tỷ đồng, huy động của Quỹ vaccine trên 8 nghìn tỷ đồng, một số địa phương chủ động bố trí nguồn ngân sách địa phương và huy động đóng góp 2 nghìn tỷ đồng.

Để hoàn thành nhiệm vụ những tháng cuối năm, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, sẽ điều hành chính sách tài khóa, tiền tệ chủ động, thận trọng; kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ phục hồi và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, kiểm soát chặt chẽ bội chi NSNN, giữ bội chi NSNN và nợ công...Bên cạnh đó, Bộ Tài chính tập trung xây dựng, hoàn thiện thể chế, các đề Đề tài chính - NSNN theo kế hoạch; thực hiện tốt các luật thuế và nhiệm vụ thu NSNN năm 2021; quyết tâm thu đạt mức cao nhất dự toán Quốc hội quyết định; điều hành NSNN chặt chẽ;  tăng cường quản lý giá; phát triển đồng bộ các loại hình thị trường tài chính.

Phó Thủ tướng Lê Minh Khái cũng nhấn mạnh nhiệm vụ tài chính- NSNN 6 tháng tiếp theo không chỉ có sự vào cuộc của riêng ngành Tài chính, mà còn là sự đồng lòng của cá bộ ngành và địa phương. Theo đó, Phó Thủ tướng đề nghị ngành Tài chính cần kịp thời đề xuất cấp có thẩm quyền các nhiệm vụ, giải pháp giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế; hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, nhất là những ngành, lĩnh vực chịu ảnh hưởng nặng nề của đại dịch COVID-19.

Đồng thời, rà soát vấn đề thể chế, tập trung rà soát những điểm chồng chéo, rào cản cho sản xuất – kinh doanh, huy động và khơi thông mọi nguồn lực để đất nước phát triển bền vững. Bộ Tài chính cần tập trung rà soát, tiếp tục cắt giảm thủ tục hành chính, đơn giản hóa điều kiện kinh doanh nhất là trong lĩnh vực thuế, hải quan; đề xuất sửa đổi, hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật để tháo gỡ vướng mắc cho hoạt động đầu tư; hoàn thiện khung khổ pháp lý cho phát triển kinh tế số, mô hình kinh doanh mới, ứng dụng chuyển đổi số, thương mại điện tử.

“Tôi đề nghị các đồng chí Bí thư, Chủ tịch UBND, các đồng chí lãnh đạo các cấp ở địa phương vào cuộc, chỉ đạo sát sao thực hiện các giải pháp về tài chính ngân sách đã được Quốc hội, Chính phủ quyết định và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ; phối hợp chặt chẽ với cơ quan Thuế, Hải quan, tăng cường quản lý thu; chống thất thu, chống chuyển giá; quản lý chặt chẽ hoàn thuế, xử lý, thu hồi nợ đọng thuế; dự báo và đánh giá mức độ ảnh hưởng của dịch COVID-19 đến thực hiện nhiệm vụ thu ngân sách nhà nước trên địa bàn để có giải pháp chỉ đạo, điều hành thu phù hợp; phấn đấu tăng thu tối thiểu 3 - 5% so dự toán Quốc hội giao”, Phó Thủ tướng cho biết.

Chú thích ảnh
Minh Phương/Báo Tin tức
Thu ngân sách nhà nước tăng 16,3%
Thu ngân sách nhà nước tăng 16,3%

Sáng 16/7, tại Hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm, Bộ Tài chính cho biết thu ngân sách nhà nước 6 tháng đầu năm đạt 781 nghìn tỷ đồng, bằng 58,2% dự toán, tăng 16,3% so với cùng kỳ năm 2020 và tăng 4,5% so với cùng kỳ năm 2019.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN