Theo bà Trần Thị Huệ, nhờ triển khai thành công dịch vụ công trực tuyến (DVCTT) đến các đơn vị sử dụng ngân sách (trừ khối an ninh, quốc phòng), trong 6 tháng đầu năm 2021, số lượng giao dịch chứng từ chi ngân sách Nhà nước (NSNN) phát sinh hàng tháng trên DVCTT đạt từ 98% trở lên. Theo đó, các đơn vị sử dụng ngân sách có thể giao dịch với KBNN 24h/7, kể cả ngày nghỉ, ngày lễ, tại bất cứ địa điểm nào có kết nối internet….
Toàn hệ thống KBNN đã chi trả NSNN kịp thời cho các đơn vị thụ hưởng, ngay cả khi đại dịch bùng phát mạnh, nhất là tại các địa phương phải thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 15 và Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ.
Trong công tác kiểm soát chi NSNN, bà Trần Thị Huệ cho biết: Công tác kiểm soát chi NSNN đàm bảo chặt chẽ, kịp thời. KBNN đã chủ động phối hợp với các bộ, ngành, địa phương triển khai đồng bộ nhiều giải pháp tích cực góp phần thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công; kiểm soát chặt chẽ các khoản chi thường xuyên; ưu tiên kiểm soát thanh toán nhanh, kịp thời kinh phí cho công tác phòng, chống dịch COVID-19. Tính đến hết tháng 6/2021, toàn hệ thống đã kiểm soát khoảng trên 419 nghìn tỷ đồng vốn chi thường xuyên, bằng 39,4% dự toán của NSNN qua KBNN.
Lũy kế từ đầu năm đến hết tháng 6/2021, toàn hệ thống đã giải ngân trên 132 nghìn tỷ đồng vốn thuộc kế hoạch năm 2021, đạt trên 30% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao kiểm soát chi qua KBNN (trên 435 nghìn tỷ đồng). Lũy kế thanh toán vốn đầu tư qua KBNN thuộc kế hoạch năm 2020 kéo dài sang năm 2021 là trên 17 nghìn tỷ đồng, bằng 25,8% kế hoạch vốn năm 2020 chuyển sang (trên 68 nghìn tỷ đồng).
Để giải ngân kịp thời các nguồn vốn NSNN, KBNN tiếp tục chủ động phối hợp với chủ đầu tư để kịp thời nắm bắt các vướng mắc trong quá trình thực hiện giải ngân vốn đầu tư; tổng hợp báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, tháo gỡ; đôn đốc chủ đầu tư làm thủ tục nghiệm thu, lập hồ sơ thanh toán ngay gửi KBNN, tránh dồn khối lượng thanh toán vào cuối năm; đôn đốc việc thu hồi vốn tạm ứng, thu hồi những khoản tồn đọng chưa sử dụng hoặc sử dụng không đúng mục đích theo đúng quy định.
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị trực tuyến, Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn nhấn mạnh 4 nhiệm vụ trọng tâm ngành KBNN cần đẩy mạnh thời gian tới. Đó là: Tăng cường quản lý ngân quỹ, kiểm soát chi, nâng cao hiệu quả phòng chống rủi ro với NSNN; tăng cường hiện đại hoá thủ tục hành chính trong các quy trình nghiệp vụ, tránh gây phiền hà cho các đơn vị sử dụng ngân sách; tìm các giải pháp thực hiện nhiệm vụ huy động vốn và tổ chức điều hành ngân quỹ Nhà nước đảm bảo gắn kết chặt chẽ giữa quản lý ngân quỹ Nhà nước với quản lý ngân sách và quản lý nợ công.
Ngoài ra, KBNN phải sớm hoàn thiện, trình Bộ Tài chính, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Chiến lược phát triển KBNN giai đoạn 2021 - 2030 ngay năm 2021 để làm cơ sở cho việc định hướng, phát triển hệ thống KBNN trong giai đoạn tới.
Quản lý hiệu quả Quỹ Vaccine phòng COVID-19
KBNN cùng với Ban Quản lý quỹ đã phối hợp với các đơn vị có liên quan thuộc Bộ Tài chính hoàn thiện cơ sở pháp lý cho hoạt động của Quỹ; công khai số tài khoản tiếp nhận ủng hộ, số điện thoại đường dây nóng trên các phương tiện thông tin đại chúng; tổ chức tiếp nhận các khoản ủng hộ, hỗ trợ của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước; cập nhật kịp thời về số tiền và danh sách tổ chức, cá nhân ủng hộ Quỹ; phối hợp với các đơn vị có liên quan xây dựng trang thông tin điện tử riêng cho quỹ để thông tin kịp thời về các hoạt động của quỹ đến người dân.
Sau 40 ngày triển khai, 2,5 triệu lượt tin nhắn, tương đương hơn 115 tỷ đồng đã được gửi đến đầu số 1408, ủng hộ Quỹ vaccine phòng COVID-19. Theo Ban quản lý Quỹ vaccine phòng COVID-19, tính đến 17h00 ngày 13/7 Quỹ đã tiếp nhận được 8.090 tỷ đồng (đã bao gồm ngoại tệ quy đổi).