Giá 'vàng trắng' đang tăng

Hơn 2 tháng trở lại đây, giá thu mua cao su dù chưa đạt đến đỉnh điểm như giai đoạn năm 2011-2012, nhưng cao hơn so với cùng kỳ năm trước gần 100 đồng/độ.

Chú thích ảnh
Mủ cao su tăng cao người dân phấn khởi. 

Nhiều hộ dân, doanh nghiệp trồng cao su trên địa bàn tỉnh Bình Phước phấn khởi, chuẩn bị chào đón một năm mới khởi sắc. 

Ghi nhận tại huyện biên giới Bù Gia Mập vào cuối tháng 12, giá thu mua mủ nước bình quân khoảng 325 đồng/độ. Theo một số hộ dân trồng cao su tiểu điền ở Bình Phước cho biết, năm nay giá thu mua mủ nước cao hơn gần 100 đồng/độ so với cùng kỳ năm 2019. Riêng mủ chén (mủ đặc) giá thu mua hiện nay giao động khoảng 13.000 - 15.000 đồng/kg.  

Trước giá mủ cao su nhích dần hơn so với 3 năm trước, người dân trồng cao su tiểu điền rất vui mừng. Gia đình anh Điểu Xuân ở thôn Thác Dài, xã Phú Văn hơn hai năm qua phải "vật lộn" với khó khăn chi tiêu trong gia đình vì cao su rớt giá. Đặc biệt, trong năm vừa qua do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 nguồn thu của gia đình giảm sút. Tuy nhiên, năm nay niềm vui trở lại với gia đình khi hơn 1,5 ha cao su đang trong giai đoạn thu hoạch với giá như hiện nay thu nhập hàng tháng khoảng 15 triệu đồng. 

“Trong các năm vừa qua, giá mủ cao su xuống thấp quá khiến gia đình tôi gặp nhiều khó khăn. Nguồn thu từ mủ cao su chỉ bù vào tiền công lao động thôi. Ngoài tự cạo mủ, tôi cũng đi làm thuê thêm để có nguồn thu. Năm nay, giá mủ đã lên cao hơn một chút, thu nhập đỡ hơn nên có tiền trang trải cho con cái đi học và đầu tư vào cây cao su”, anh Xuân phấn khởi cho biết. 

Còn ông Điểu Keng ở thôn Sơn Trung, xã Đức Hạnh nhớ lại, đầu năm 2019, do giá thấp gia đình ông tính thanh lý vườn cao su 1,3 ha đã khai thác gần 10 năm. Chi tiêu trong gia đình khó khăn chồng chất, giá cao su xuống thấp thu không bù chi. Trong khi đó gia đình 6 khẩu, 4 đứa con đang trong tuổi ăn tuổi học nên càng khó khăn hơn. Trong thời gian đó, nguồn thu từ vườn điều, nuôi thêm đàn lợn nên gia đình ông Keng đỡ vất vả hơn. 

Ông Keng cho biết: “Mấy năm qua cao su thu về không bao nhiêu, vợ chồng tôi tính cưa cấy bán gỗ rồi trồng cây khác. Nhưng sau khi bàn bạc, do thu nhập từ cao su gần chục năm nay là nguồn chính nên gia đình tôi quyết định giữ lại vài năm. Rất may năm nay giá đã lên cao hơn so với 3 năm trước nên có thu nhập ổn hơn”.

Theo ông Keng, với giá hiện nay mỗi tháng thu nhập gia đình gần 17 triệu đồng từ cạo mủ của hai vợ chồng. Chi tiêu trong gia đình, tiền con đi học đỡ vất vả hơn năm trước. 

Bên cạnh đó, vừa qua ảnh hưởng của dịch bệnh, giá cả cao su xuống thấp khiến nhiều nông hộ trồng cao su tiểu điền rơi vào cảnh “tiến thoái lưỡng nan”. Một số hộ gia đình trồng cao su xen với cây điều rơi vào thời điểm giá thấp phải chặt bỏ để “nhường” không gian cho cây điều phát triển. Tuy nhiên, vẫn có gia đình vẫn cầm cự để chờ giá cả khởi sắc, không bỏ sông bỏ biển vốn đầu tư chăm sóc hơn 5 năm. 

Điển hình như gia đình ông Gia Hùng ở xã Đức Hạnh, trước kia chủ yếu trồng điều. Năm 2013, giá cao su cao nên gia đình đã quyết định chuyển đổi hơn 1,2 ha vườn điều trở thành vườn cao su. Tuy nhiên, đến thời điểm vừa thu hoạch lần đầu thì giá mủ cao su xuống thấp khiến gia đình rất lo lắng. Sau khi bàn bạc, gia đình anh Hùng quyết định giữ lại cây cao su đến nay. 

“Cao su bước vào giai đoạn lấy mủ lại giá rất thấp khiến gia đình rất thất vọng lắm. Bây giờ giá đã lên cao hơn trước nên nguồn thu hàng tháng tháng cũng hơn chục triệu đồng nên tôi cũng rất mừng. Chúng tôi hy vọng giá nhích hơn tí để bà con trồng cao su tiểu điền đỡ khổ”, ông Hùng chia sẻ. 

Chú thích ảnh
Nhân viên thu mua mủ đo độ mủ cao su. 

Trước tình hình giá cả cao su bấp bênh trong những năm qua, chính quyền địa phương ở tỉnh cũng đã khuyến cáo người dân về phương pháp chăm sóc cây, cạo mủ đúng kỹ thuật trong thời kỳ giá thấp. 

Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Đức Hạnh Nguyễn Minh Hóa cho biết, địa phương có nhiều hộ trồng cao su  tiểu điền. Vài năm trở lại đây giá mủ cao su xuống thấp khiến nhiều hộ gặp nhiều khó khăn về vốn tái đầu tư cũng như trong chi tiêu gia đình. Một số hộ phải thanh lý cao cao su ở khu vực đất hiệu quả không cao hay già cỗi để chuyển đổi cây trồng mới. Năm nay giá cao su đã nhích lên và mang lại tín hiệu mừng cho bà con và các công ty doanh nghiệp. 

Bên cạnh đó, giá thuê nhân công cạo mủ năm nay cũng tăng lên khoảng 10 đồng/cây nên việc giá tăng cũng chưa giúp người dân thoát hẳn khó khăn. Tuy nhiên, giá đã cao hơn trước một phần nào giúp bà con tăng nguồn thu, đỡ vất vả trong cuộc sống.      

Với thu mua giá mủ cao su nhích lên trong vài tháng trở lại đây đã giúp nông dân trồng cao su trong tỉnh đỡ khó khăn. Chưa bao giờ, người trồng cây cao su tiểu điền phấn khởi hơn trước. Bình Phước là địa phương có diện tích cây cao su lớn nhất nước, với hơn 230.000 ha; trong đó hơn 60% diện tích thuộc các công ty nhà nước, còn lại hộ cá thể. Trong tổng diện tích trên 230.000 ha, có hơn 70% cho khai thác. 

Những năm qua, do giá mủ giảm sâu nên mỗi năm đã có nhiều diện tích cao su già cỗi hay cao su đang cho khai thác được thanh lý bán gỗ để trồng mới lại hoặc chuyển sang trồng các loại cây khác. Còn những hộ dân trung thành với "vàng trắng" niềm vui đã trở lại dù chưa lớn, nhưng đời sống người dân hay công nhân được nâng cao.

Bài và ảnh: K GỬIH (TTXVN)
Cơ hội cho cao su mở rộng thị trường
Cơ hội cho cao su mở rộng thị trường

Thông tin từ các công ty chuyên cung ứng cao su thiên nhiên bền vững cho các hãng lốp xe, thời trang, thiết bị y tế..., rất nhiều hãng muốn mua cao su thiên nhiên bền vững ở Việt Nam. Đây chính là cơ hội rất lớn cần ngành cao su Việt Nam nắm bắt.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN