Thần dược làm nên nhà vô địch

Các vận động viên hàng đầu thế giới luôn tuân thủ những chế độ dinh dưỡng đặc biệt. Đây đó vẫn có một số ngoại lệ, nhưng tất cả đều hiểu rằng ăn uống đúng và đủ là một yếu tố quan trọng giúp nâng cao thành tích thi đấu. Hãy xem Novak Djokovic hay Andy Murray đã cải thiện phong độ như thế nào, sau khi có sự điều chỉnh về chế độ dinh dưỡng…

 

“Kẻ thù” gluten


Thời gian gần đây, một “bí kíp” rèn luyện sức khỏe đã được các VĐV, nhất là các VĐV quần vợt, rỉ tai nhau thực hiện. Đó là một chế độ dinh dưỡng hết sức đặc biệt mà Djokovic đã áp dụng, kể từ khi chuyên gia dinh dưỡng của anh phát hiện ra rằng tay vợt người Serbia bị dị ứng với gluten. Từ chỗ là một chiếc xe hơi thông thường, Djokovic bây giờ đã biến thành một chiếc xe đua Công thức 1. Anh chạy không biết mệt trên sân và liên tục giành những danh hiệu lớn một cách dễ dàng. “Tôi hiện không còn ăn bánh mỳ, mỳ ống hay bánh pizza nữa”, Djokovic cho biết.

Novak Djokovic “lót dạ” giữa trận đấu bằng chuối.


Vậy nhưng, dị ứng với gluten chính xác là gì? Theo tìm hiểu, đây là một loại bệnh xuất phát từ việc quá nhạy cảm với protein ở một số sản phẩm ngũ cốc. Tình trạng này gây ra phản ứng miễn dịch trong màng nhầy của ruột, dẫn đến rối loạn tiêu hóa, thậm chí có thể phá hủy ruột. Chứng dị ứng với gluten hiện được ghi nhận ở mức khá cao, từ 2 - 5 % dân số thế giới, và có thể dẫn tới bệnh cúm, hay nặng hơn là tiểu đường tuýp 1, viêm tuyến giáp, thấp khớp... Nhưng không phải ai cũng phát hiện ra mình mắc bệnh và sẵn sàng từ bỏ chế độ ăn uống quen thuộc, để sống một cuộc đời không gluten.


Trước Djokovic, thì Michel Kratochvil vẫn được xem là người đi tiên phong trong việc áp dụng chế độ ăn không gluten trong giới VĐV. Năm 2004, sau nhiều năm mò mẫm tìm bệnh, cựu tay vợt người Thụy Sỹ đã phát hiện ra mình bị dị ứng với gluten. Kratochvil kể: “Đó là một câu chuyện khó tin. Ngay từ giữa những năm 1990, tôi bắt đầu có những rắc rối về thể lực: Thường xuyên bị cúm và bị đau bụng. Các bác sỹ Thụy Sỹ và Mỹ đều không thể chẩn đoán ra bệnh. Sau cùng, chính vị bác sỹ già của gia đình tôi đã tìm ra gốc rễ của căn bệnh. Chế độ dinh dưỡng không gluten đã thay đổi cuộc đời tôi. Tất nhiên, đôi khi thật phiền phức để có thể lên được một thực đơn không gluten, nhưng điều quan trọng là tôi đã lấy lại được phong độ cao nhất”.

Andy Murray sung sức hơn nhờ điều chỉnh chế độ dinh dưỡng.


Phong độ đỉnh cao, đó cũng chính là điều mà Djokovic đã tìm thấy kể từ khi anh gạt gluten ra khỏi các thực đơn hằng ngày của mình, bắt đầu từ năm 2010. Không còn gặp vấn đề về hô hấp, tay vợt người Serbia đã thâu tóm đầy đủ các danh hiệu Grand Slam trong vòng 3 năm qua và ngự trị vị trí số 1 trên bảng xếp hạng các tay vợt nam thế giới trong vòng 100 tuần, cho tới giữa tháng 10 này. Thể lực tuyệt vời của Djokovic được thấy qua việc anh khuất phục Rafael Nadal tại trận chung kết Australia mở rộng 2012 - trận chung kết dài nhất trong lịch sử các giải Grand Slam (5 giờ 53 phút).


Trở thành “mốt”


Ngay sau thành công của Djokovic với loại “thần dược” không gluten, tay vợt nữ Sabine Lisicki đã học theo người đồng nghiệp nam. Tuy nhiên, á quân Wimbledon 2011 cũng thừa nhận: “Thật không dễ để ngày nào cũng loại bỏ gluten ra khỏi thực đơn”.


Tiếp đó, tới lượt Andy Murray cũng áp dụng chế độ ăn không gluten, ngay cả khi anh không bị dị ứng với chất này. Murray loại ra khỏi thực đơn của mình các món bánh mỳ và bánh kẹp, cũng như những sản phẩm từ sữa bò. Tay vợt người Scotland tâm sự: “Từ năm 2011, tôi uống sữa đậu nành. Tôi ăn các loại cá, sushi (cơm cuốn Nhật Bản) và rau. Trước kia, tôi thường dậy lúc 9 giờ 30 và phong độ uể oải. Bây giờ, ngay từ 7 giờ sáng, tôi đã ‘nóng máy’. Điều khó khăn nhất, đó là thay đổi những thói quen trong bữa sáng và loại bỏ những sản phẩm từ sữa như bơ và kem pho mát. Tôi cũng buộc phải từ bỏ thói quen nhấm nháp những thanh sô cô la và thay vào đó là ăn các loại hoa quả suốt cả ngày. Thật không dễ chịu chút nào, nhưng điều đó đã làm thay đổi cuộc đời tôi”.


Trước đây chỉ mạnh trong đánh đôi, Murray bây giờ đã có thể “độc lập tác chiến” ở những giải đấu lớn, nhờ nguồn thể lực dồi dào. Năm 2012, anh bùng nổ với chức vô địch Olympic và lên ngôi tại giải Mỹ mở rộng. Đến giải Wimbledon 2013, Murray thậm chí còn đánh bại Djokovic trong trận chung kết, mang lại danh hiệu đầu tiên tại giải này cho quần vợt Vương quốc Anh sau 77 năm chờ đợi.


“Tôi tiếc vì không bắt đầu sớm hơn”, Murray nói về chế độ “ăn kiêng” của mình. Mặc dù vậy, Thomas Ladrat, chuyên gia dinh dưỡng thể thao người Pháp, lại khuyên rằng: “Khi không bị dị ứng với gluten, không lý do gì để từ bỏ các sản phẩm có gluten, nhất là khi chúng hiện hữu ở khắp nơi”.

Gluten là chất được sản sinh ra từ quá trình hai thành phần protein chính trong bột (gliadin và glutenin) kết hợp với nước. Ở trạng thái ướt, gliadin rất dính và có độ co giãn cao, trong khi glutenin tạo cho khối bột có độ chắc. Do đó, gluten có khả năng được kéo căng và nở dưới tác động của bột nở hay men. Gluten có trong bánh mỳ, các loại bánh ngọt và các sản phẩm chế biến sẵn từ thịt (xúc xích heo, bò, gà)...



Song Long

Chế độ ăn trong thể thao -Bài 1: Thành tích từ... nhà bếp
Chế độ ăn trong thể thao -Bài 1: Thành tích từ... nhà bếp

Lâu nay, chuyện ăn uống của vận động viên (VĐV) Việt Nam vẫn thường bị xem nhẹ. Nhiều người xác định ăn… cốt để lấy chắc dạ.

Chia sẻ:
Từ khóa:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN