Sau 16 ngày thi đấu, SEA Games 28 đã chính thức khép lại với nhiều cảm xúc cho đoàn thể thao Việt Nam. Ngoài việc phá nhiều kỉ lục SEA Games, vươn lên dẫn đầu toàn đoàn ở nhiều bộ môn, tại kỳ đại hội này, đoàn Việt Nam đã giành thành công lớn từ những môn thể thao được đầu tư trọng điểm. Đây chính là bước tạo đà đưa thể thao Việt Nam vươn xa ra đấu trường châu lục và Olympic. SEA Games của những kỷ lụcKết thúc SEA Games 28, đoàn Việt Nam hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao khi bảo vệ thành công vị trí trong top 3 trên bảng tổng sắp với 73 HCV, 52 HCB và 60 HCĐ, vượt chỉ tiêu 8 HCV. Ngoài việc mang về số lượng huy chương vượt mong đợi, các VĐV của chúng ta còn liên tục phá vỡ nhiều kỷ lục SEA Games. Trong đó, có những kỷ lục được xác lập hơn hai thập niên. Trong những kỳ tích ấy, cái tên đầu tiên phải nhắc tới là Ánh Viên, kình ngư làng bơi lội với 8 HCV cùng 8 kỉ lục SEA Games. Cô trở thành nhân tố chính khi đóng góp tới 8/9 kỉ lục (kỷ lục còn lại thuộc về Lâm Quang Nhật) và 8/10 HCV cho tuyển bơi Việt Nam. Thành tích ấy đưa Ánh viên thành VĐV có nhiều HCV cá nhân nhất và là người có tổng số HCV đứng thứ 2 SEA Games 28, chỉ xếp sau VĐV Schooling của nước chủ nhà Singapore.
Kình ngư Ánh Viên - VĐV xuất sắc nhất của thể thao Việt Nam tại SEA Games 28 với 8 HCV và 8 kỉ lục SEA Games. |
Nguyễn Thị Huyền - “nữ hoàng” mới của điền kinh nước nhà là cái tên thứ hai tích cực tham gia phá kỷ lục tại SEA Games 28 cho đoàn Việt Nam. Trong tổng số 11 HCV của bộ môn Điền kinh, Nguyễn Thị Huyền đã đóng góp tới 3HCV. Đáng chú ý, cả 3 lần đăng quang cô đều phá kỷ lục SEA Games. Trong số đó, kỉ lục ở đường chạy 400m nữ, cô đã đạt thành tích 52s, đạt chuẩn B Olympic; 2 HCV ở nội dung 4x400m nữ và 400m rào nữ, cô cũng đều phá sâu kỷ lục SEA Games, riêng nội dung 400m vượt rào nữ với thành tích 56,15 giây, cô đã phá kỉ lục tồn tại suốt 20 năm của VĐV người Thái Lan Srithoa Reawadee lập tại Philippines năm 1995 (56,78 giây). Cũng tại môn Điền kinh, tấm HCV nội dung 5.000m của Nguyễn Văn Lai cũng đã phá kỉ lục tồn tại suốt 22 năm do tuyển thủ Ramachandran (Malaysia) lập nên tại Singapore năm 1993.
Nguyễn Thị Huyền (ngoài cùng bên phải) nữ VĐV xuất sắc nhất bộ môn Điền kinh với 3 kỷ lục SEA Games, trong đó có một kỷ lục đạt chuẩn B Olympic ở nội dung chạy 400m nữ với thành tích 52s. |
Bên cạnh các kỉ lục, bốn tấm HCV tới từ nội dung Đấu kiếm nam cũng là một thành tích ấn tượng khi mà trước đó, các nam VĐV đấu kiếm của chúng ta chưa từng giành HCV SEA Games. Và công lao lớn phải kể tới hai cái tên Nguyễn Tiến Nhật và Vũ Thành An khi xuất sắc giành cả HCV ở nội dung Đơn nam và Đồng đội nam. Và quan trọng hơn, qua kỳ đại hội thể thao này, chúng ta đã phát hiện những lớp VĐV có thể đủ sức tranh chấp huy chương, thậm chí tiếp nối các đàn anh, đàn chị trong việc thống trị các bộ môn và nội dung thi đấu SEA Games như Đỗ Thị Thảo, Nguyễn Văn Huệ, Quách Công Lịch, Dương Văn Thái (Điền Kinh), Trương Đình Thành, Đặng Nam (TDDC) hay Lâm Quang Nhât (Bơi), Nguyễn Văn Duy, Trương Thị Kim Tuyền (Taekwondo)…
Từ những môn trọng điểmSEA Games 28 được đánh giá có nhiều khó khăn với đoàn Việt Nam khi mà nhiều bộ môn thế mạnh cùng nhiều VĐV tên tuổi của chúng ta vắng mặt. Việc hoàn thành chỉ tiêu tốp 3 trên bảng tống sắp và xô đổ nhiều kỷ lục SEA Games được xem là thành công lớn của thể thao Việt Nam. Tuy nhiên, điều đặc biêt là thành công ấy tới từ việc Việt Nam đã xác định đúng hướng đi, khi tập trung đầu tư vào các môn thể thao trọng điểm, không chỉ để thi đấu các giải khu vực mà còn vươn xa tầm Asiad và Olympic.
Và tất cả những môn thi đấu đó đều hoàn thành vượt chỉ tiêu đề ra: Đấu kiếm 8 HCV (vượt chỉ tiêu 2 HCV), Bơi 10 HCV (vượt chỉ tiêu 1HCV), Điền kinh 11HCV (vượt chỉ tiêu 1HCV), Thể dục dụng cụ 9 HCV (vượt chỉ tiêu 1 HCV), Rowing 8 HCV (vượt chỉ tiêu 4 HCV), Taekwondo 5 HCV (vượt chỉ tiêu 2 HCV), rồi Wushu 4 HCV, Quyền anh 3 HCV, Bắn súng 4 HCV… Theo thống kê của Tổng cục Thể dục Thể thao, số lượng HCV mà các môn trọng điểm mang lại đã đóng góp tới 85% trong tổng số HCV mà toàn đoàn thể thao Việt Nam đã giành được (bên cạnh đó là những HCB, HCĐ quý giá). Trong khi đó, cách đây hai năm, tại kỳ SEA Games 27 tại Myanmar, số HCV mà các môn thể thao trọng điểm mang về chỉ đóng góp 60%.
VĐV trẻ Trương Đình Thành đã đóng góp 3 HCV nội dung Đơn nam cùng 1 HCV nội dung Đồng đội cho đội TDDC Việt Nam. |
Nỗi buồn U23Bên cạnh những niềm vui và thành tích ấn tượng, SEA Games 28 cũng chứng kiến nhiều thất bại đáng tiếc của thể thao Việt Nam. Đối với cá nhân, việc để lọt những tấm HCV ở nội dung sở trường như Dương Thúy Vi (Đấu kiếm) với nội dung Thương thuật nữ (mặc dù cô đang là đương kim vô địch Asiad) hay thất bại của Phan Thị Hà Thanh (TDDC) trong nội dung đồng đội nữ đều là nhứng thất bại đầy bất ngờ. Cùng với đó, trường hợp của VĐV Trịnh Đức Tâm (Đua xe đạp) chỉ giành HCB trong khi có thể đạt HCV cũng mang lại nhiều sự nuối tiếc.
Thất bại lớn nhất của đoàn Việt Nam tại kỳ SEA Games 28 này chính là ở bộ môn Pencak silat, môn thi đấu vốn là “mỏ vàng” của thể thao Việt Nam. Dù có tới 7 VĐV tham gia chung kết nhưng Pencak silat chỉ mang về 3 chiến thắng. Việc để thua tới 4/7 trận chung kết, Pencak silat Việt Nam là đội tuyển để lọt nhiều HCV nhất của chúng ta. Trong đó, nuối tiếc nhất là trường hợp của võ sĩ Nguyễn Nguyên Thái Linh, mất HCV trên tay vì thi đấu sai luật trong trận chung kết cuối cùng của môn thi đấu này. Bên cạnh Pencak silat, cái tên U23 Việt Nam cũng mang lại nhiều tiếc nuối cho người yêu thể thao Việt. Với chất lượng đội hình và màn biểu diễn ấn tượng tại vòng bảng, ai cũng nghĩ tới một trận chung kết cho U23 Việt Nam. Tuy nhiên, sau thất bại sớm trước Myanmar tại bán kết, giấc mộng HCV của U23 Việt Nam lại một lần tan vỡ. Đánh dấu sự thất bại của bóng đá nam Việt Nam, sau 28 mùa SEA Games tuyển Việt Nam chưa một lần đăng quang.