Bắn súng lỡ cơ hội đi Tokyo
Trao đổi với phóng viên báo Tin tức, HLV trưởng đội tuyển bắn súng Việt Nam Nguyễn Thị Nhung cho biết, bắn súng thế giới còn nhiều giải đấu quốc tế trong năm 2021, nhưng Cúp bắn súng thế giới tổ chức tại New Delhi (Ấn Độ) đã là cơ hội cuối cùng để các xạ thủ Việt Nam cải thiện vị trí thứ hạng, cạnh tranh vé tham dự Olympic Tokyo 2020.
Thi đấu nội dung 10m súng ngắn hơi cá nhân nam, 3 xạ thủ Việt Nam đều không đủ điểm để lọt vào danh sách 8 xạ thủ thi đấu chung kết. Đáng tiếc nhất cho Trần Quốc Cường, anh hoàn thành 6 loạt bắn vòng loại chỉ giành 569 điểm (xếp hạng 16) trong khi 576 điểm mới là điểm vào chung kết.
Dù không giành vé nhưng những nỗ lực của các xạ thủ là đáng để ghi nhận. Họ đã sẵn sàng lên đường ngay cả khi đại dịch còn nhiều diễn biến phức tạp với mục tiêu cuối cùng là giành vé dự Thế vận hội lớn nhất thế giới. Dự kiến đến ngày 30/3, các xạ thủ mới lên máy bay về nước và sẽ tiếp tục hoàn thành thủ tục phòng, chống dịch COVID-19 cách ly 14 ngày theo quy định khi nhập cảnh vào Việt Nam.
HLV Nguyễn Thị Nhung chia sẻ: “Việc Quốc Cường không vượt qua chính là điều vô cùng đáng tiếc. Áp lực quá lớn đã khiến các VĐV bắn dưới thành tích. Khi VĐV ở những thành tích áp sát thì thường tâm lý vô cùng lớn. Không chỉ riêng VĐV Việt Nam mà các VĐV trên thế giới cũng đều vậy. Thể thao luôn khắc nghiệt, đặc biệt ở những giải đấu mang tính quyết định.”
Như vậy, ở kỳ Olympic hơn 4 năm trước, bắn súng Việt Nam đã làm nên chiến công vang dội trong lịch sử hơn 70 năm của thể thao Việt Nam khi giành 1 HCV, 1 HCB, thiết lập kỷ lục mới của Olympic do công của xạ thủ Hoàng Xuân Vinh.
Tuy nhiên, trải qua 4 năm, Xuân Vinh và Quốc Cường đã lớn tuổi và do ảnh hưởng từ đại dịch COVID-19 nên quá trình chuẩn bị của đội đã không đạt kết quả như mong muốn.
Đại diện của Bắn súng Việt Nam cho biết, bộ môn sẽ tiếp tục đặt hy vọng vào những kỳ đại hội sau bằng lứa VĐV trẻ được đầu tư bài bản ngay từ bây giờ.
Nỗ lực vượt khó cho mục tiêu 20 vé Olympic
Hành trình giành vé dự Olympic của bắn súng Việt Nam chưa có kết quả tốt dù các tuyển thủ đã được đầu tư tối đa và họ cũng đã nỗ lực hết mình cho thấy tính khắc nghiệt trong thi đấu thể thao.
Việc có khoảng 25 - 30 xạ thủ trên thế giới luôn ở trình độ tương đương Hoàng Xuân Vinh, Trần Quốc Cường, hay khoảng 40 - 50 xạ thủ có trình độ tương đương hoặc hơn Hà Minh Thành đủ thấy các xạ thủ Việt Nam chịu sự cạnh tranh lớn như thế nào.
Tất cả đang cho thấy sự khó khăn trong hoàn thành mục tiêu 20 vé Olympic của các VĐV vốn chỉ tập luyện ở trong nước và dự các giải đấu nội bộ, ít sức ép hơn hẳn so với các giải quốc tế trong hơn 1 năm.
Dù vậy, các VĐV thành tích cao của Việt Nam vẫn sẵn sàng tâm thế có lệnh là lên đường thi đấu khi các giải vòng loại Olympic Tokyo trở lại theo lịch năm 2021.
Tại Olympic 2016, cử tạ cũng có tới 4 VĐV dự Thế vận hội. Cho tới giờ dù Thạch Kim Tuấn, Hoàng Thị Duyên gần như đã chắc suất và Vương Thị Huyền cũng coi như đã đoạt được 50% vé dự Olympic nhưng vẫn cần phải trải qua các cuộc thi đấu tại Giải vô địch châu Á, dự kiến tổ chức vào tháng 4 tại Uzbekistan. HLV đội tuyển cử tạ Huỳnh Hữu Chí cho biết, các VĐV vẫn đang tích cực tập luyện dù không rõ liệu có thể hoàn thành các thủ tục tham dự và trở về như thế nào.
Trong khi đó, niềm hy vọng của đấu kiếm Việt Nam, kiếm thủ Vũ Thành An cũng cho biết, đội tuyển vẫn tích cực tập luyện cho giải vô địch châu Á và là vòng loại trực tiếp Olympic, tổ chức vào tháng 4. Toàn đội hiện đang mong mỏi mọi chuyện thuận lợi để các VĐV có thể lên đường.
Với Thể dục dụng cụ, ngoài tấm vé chính thức đã thuộc về Thanh Tùng, Đinh Phương Thành được kỳ vọng có tấm vé còn lại. Thể dục dụng cụ cũng sẽ tìm cơ hội cuối tại giải vô địch châu Á tổ chức tại Trung Quốc vào tháng 6. Đây tiếp tục là thử thách vô cùng khó khăn cho các VĐV Việt Nam khi Liên đoàn Thể dục quốc tế (FIG) đã huỷ bỏ các giải đơn môn lấy chuẩn nên các VĐV sẽ phải nỗ lực hết sức tại giải đấu châu Á.
Đại dịch COVID-19 xảy ra khiến những tính toán vé Oympic 2020 của thể thao Việt Nam và cả các quốc gia trên thế giới có đôi chút xáo trộn, khó khăn. Với nỗ lực của mỗi cá nhân, mốc son 23 vé Olympic tại kỳ Thế vận hội năm 2016, người hâm mộ Việt Nam vẫn hy vọng bài toán giành 20 vé dự Olympic 2020 sẽ sớm được giải.
Đầu tháng 3, Bộ trưởng Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch - Chủ tịch Uỷ ban Olympic Việt Nam Nguyễn Ngọc Thiện đã có công văn đề nghị Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 cho phép tiêm vaccine phòng dịch COVID-19 đối với các đội tuyển thể thao tham dự các giải vòng loại Olympic theo thông báo của Liên đoàn Thể thao quốc tế từng môn.
Cụ thể là các môn Bắn súng, Judo,Vật, Thể dục dụng cụ, Điền kinh, Taekwondo, Bắn cung, Karate, Boxing, Đấu kiếm, Cầu long, Cử tạ, Đua thuyền Rowing, Đua thuyền Canoeing.
Trước đó Tổng cục Thể dục Thể thao cũng đã có phiếu trình Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch về việc xin chủ trương cho phép các đội tuyển quốc gia tham dự vòng loại Olympic Tokyo diễn ra trong năm 2021. Tổng cục Thể dục Thể thao nêu rõ, theo thông báo của Ủy ban Olympic quốc tế, Thế vận hội Olympic vẫn được tổ chức và khai mạc vào ngày 23/7 tại Tokyo - Nhật Bản. Đồng thời, thời gian vừa qua các Liên đoàn Thể thao quốc tế từng môn cũng đã thông báo về việc tiếp tục tổ chức các giải thi đấu thuộc hệ thống vòng loại Thế vận hội Olympic Tokyo diễn ra trong năm 2021 của các môn thể thao.