Theo phóng viên TTXVN tại Seoul, Chủ tịch IOC bày tỏ vui mừng khi có cuộc gặp với Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng tại Đại hội đồng ANOC lần thứ 26. Chủ tịch IOC ghi nhận và đánh giá cao những nỗ lực và sự phát triển của thể thao Việt Nam trong thời gian qua, đóng góp chung vào sự phát triển của Olympic quốc tế.
Ông Thomas Bach hy vọng Chính phủ Việt Nam dành sự quan tâm, đầu tư hơn nữa cho lĩnh vực thể thao Việt Nam đặc biệt là các môn thể thao Olympic, để thể thao Việt Nam ngày càng có vị thế hơn nữa trên các đấu trường châu lục, quốc tế.
Khẳng định IOC luôn dành sự quan tâm nhất định đến Việt Nam, ông Thomas Bach mong muốn sẽ có cơ hội được gặp gỡ, trao đổi sâu hơn với Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng để có thể hiểu rõ hơn về thể thao Việt Nam từ đó có những hỗ trợ phù hợp nhất.
Cảm ơn những đánh giá tốt đẹp của Chủ tịch IOC, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho biết Chính phủ Việt Nam luôn dành sự quan tâm và đầu tư cho sự phát triển của lĩnh vực thể thao. Quốc hội Việt Nam đã ban hành Luật Thể dục, thể thao (sửa đổi) vào năm 2018, đây là tiền đề, hành lang pháp lý rất vững chắc cho thể thao Việt Nam.
Được sự ủy quyền của Chủ tịch IOC, ông James Macleod - Giám đốc đối ngoại và quan hệ với các Ủy ban Olympic Quốc gia của IOC đã có buổi làm việc với Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cùng đoàn công tác của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Việt Nam.
Tại buổi tiếp, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng đánh giá cao sáng kiến việc tổ chức Đại hội đồng ANOC 26 cũng như sự nỗ lực, cố gắng để Olympic 2024 được tổ chức thành công trong thời gian tới.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng, Việt Nam nhận thức đầy đủ vai trò, sứ mệnh của Olympic quốc tế để cụ thể hóa vào những hành động của mình. Với tư cách là thành viên có trách nhiệm, Việt Nam đã tham gia đầy đủ các hoạt động Ủy ban Olympic quốc tế đề ra như cử các đoàn vận động viên tham gia thế vận hội Olympic, hợp tác với các tổ chức để đẩy mạnh phong trào Olympic trong phạm vi quốc gia và vùng lãnh thổ. Đặc biệt, Việt Nam đã đẩy mạnh việc hỗ trợ cho phụ nữ được tham gia thể thao, từ đó phát hiện nguồn nhân lực để đào tạo cho các bộ môn Olympic. Nhờ đó, nhiều vận động viên nữ của Việt Nam trong các bộ môn Olympic đã giành được thành tích cao trong các giải đấu khu vực, châu lục.
Điểm lại những thông tin về phong trào Olympic Việt Nam, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng khẳng định dù còn nhiều mục tiêu phải phấn đấu song phong trào Olympic của Việt Nam đã có bước tiến khá xa, nhiều bộ môn Olympic của Việt Nam đã có thể hội nhập với các quốc gia trong khu vực. Đó chính là những tín hiệu vui mà Việt Nam muốn mang đến Đại hội đồng ANOC lần này.
Với mong muốn đóng góp vào phong trào chung của Olympic quốc tế, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng đề xuất IOC hỗ trợ tăng thêm số lượng các khóa đào tạo ở một số bộ môn Olympic mà quốc tế quan tâm như bóng đá, bơi lội, bắn súng, cử tạ… Đây là những môn thế mạnh mà Việt Nam muốn được phát triển. Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho biết, Việt Nam là quốc gia rất quan tâm đến phong trào Olympic. Vì vậy, Chính phủ Việt Nam đã dành quỹ đất để phát triển các bộ môn Olympic Việt Nam. Tuy nhiên, do điều kiện kinh tế vẫn còn nhiều khó khăn nên nguồn lực dành cho Olympic mới chỉ đang đảm bảo ở công tác đào tạo, bồi dưỡng vận động viên, tổ chức thi đấu, tham gia các giải cấp khu vực, quốc tế. Hiện Việt Nam chưa có điều kiện để xây dựng trụ sở Ủy ban Olympic Việt Nam. Được biết, IOC đã đầu tư xây dựng trụ sở cho một số quốc gia có phong trào Olympic tương tự, do đó Việt Nam mong muốn IOC sớm có dự án đầu tư xây dựng trụ sở Ủy ban Olympic Việt Nam trong quỹ đất đã được bố trí.
Về phần mình, ông James Macleod cho biết IOC có mối quan hệ rất tích cực đối với Ủy ban Olympic Việt Nam và thường xuyên trao đổi thông tin về những tài năng Olympic. IOC rất vui mừng vì những thành công của Olympic Việt Nam thời gian qua, đặc biệt là việc Việt Nam hướng đến phát triển các môn thể thao có sự tham gia của nữ giới, điều đó không chỉ có ý nghĩa cho thể thao mà còn cả xã hội.
Ông James Macleod khẳng định, IOC luôn sẵn sàng làm việc và hợp tác với Việt Nam đối với những nội dung mà Bộ trưởng đã đề cập thông qua các kênh như Quỹ đoàn kết và kênh hệ thống của IOC. Ngoài việc hỗ trợ các khóa huấn luyện, kỹ thuật, cung cấp học bổng cho tài năng thể thao, còn rất nhiều yếu tố để hai bên phối hợp. Việt Nam đã tìm ra được những môn thế mạnh của mình. IOC sẵn sàng hợp tác với Việt Nam về một số môn thể thao thế mạnh để có được thành tích tốt nhất cho các kỳ ASIAD hay gần đây nhất là Olympic 2024.
Ông James Macleod cho biết các nội dung buổi làm việc sẽ được báo cáo với Chủ tịch IOC để có những kế hoạch phối hợp cụ thể hơn, chặt chẽ hơn với Việt Nam trong thời gian tới trên một tinh thần vì sự phát triển lớn mạnh của "ngôi nhà chung" Olympic quốc tế.