Đứng ở vị trí thứ 2 là Thái Lan với 192 huy chương (53 Huy chương Vàng, 59 Huy chương Bạc, 80 Huy chương Đồng). Đứng thứ 3 và 4 là Philippines và Indonesia. Cùng có 37 Huy chương Vàng, nhưng Philippines có 49 Huy chương Bạc, 65 Huy chương Đồng, trong khi Indonesia chỉ có 39 Huy chương Bạc, 49 Huy chương Đồng.
Xếp cuối bảng vẫn là là đội Lào với 22 huy chương (3 Huy chương Bạc, 19 Huy chương Đồng) và Timor Leste với 2 Huy chương Bạc.
Có thể kể đến một số vận động viên giành được Huy chương Vàng trong ngày 19/5 là: Hoàng Nguyên Thanh (môn Điền kinh, nội dung marathon nam); Võ Xuân Vĩnh (môn Điền kinh, nội dung đi bộ 20km nam); Nguyễn Thị Thanh Phúc (môn Điền kinh, nội dung đi bộ 20km nữ); Lê Quang Liêm - Trần Tuấn Minh (môn Cờ vua, nội dung Đồng đội cờ nhanh); Trần Quốc Cường, Phạm Quang Huy, Phan Công Minh (môn Bắn súng, nội dung đồng đội súng ngắn 10m); Phạm Hồng Quân, Hiền Nam (Canoeing, 1.000m C2); Nguyễn Trần Thanh Tự (Billiards, carom 1 băng); Quàng Văn Cường (Xe đạp, tính điểm cá nhân nam); Phạm Quang Huy, Phan Công Minh (Bắn súng, Đồng đội 10m súng ngắn); Trương Thị Phương, Diệp Thị Hương, Nguyễn Thị Hương, Nguyễn Thị Tuyết (Canoeing, 1.000 m C4 nữ)...
Tuy nhiên, vẫn còn nhiều tiếc nuối đối với Đội tuyển Thể thao Việt Nam trong những ngày thi đấu vừa qua. Điển hình như vụ việc vận động viên Lò Thị Thanh bị Tổ Trọng tài môn Điền kinh tước Huy chương Bạc ở nội dung 10.000 nữ chiều 18/5.
Theo đó, nội dung 10.000m nữ diễn ra trên sân Mỹ Đình, Việt Nam có sự tham dự của 2 vận động viên là Phạm Thị Hồng Lệ và Lò Thị Thanh. Kết quả Hồng Lệ giành Huy chương Vàng với thành tích 35 phút 56 giây 38. Về Nhì là Lò Thị Thanh, còn về thứ Ba là vận động viên Khin Mar Se (Myanmar).
Sau khi Ban Tổ chức công bố kết quả, đội Singapore bất ngờ khiếu nại về việc Lò Thị Thanh đi giày không đúng quy định. Ban bồi thẩm trọng tài Hiệp hội Điền kinh châu Á đã nhóm họp và đưa ra quyết định không công nhận kết quả của Lò Thị Thanh. Theo các trọng tài điều hành giải, đôi giày Thanh đi không được phép sử dụng thi đấu trong sân do có đế giày hơi tạo ra độ nảy vượt mức cho phép, tạo lợi thế cho vận động viên khi sử dụng.
Trong ngày 19/5, lãnh đạo Đội tuyển Điền kinh Việt Nam đã gửi văn bản phản hồi quyết định của Tổ trọng tài để đòi lại thành tích cho Lò Thị Thanh.
Cũng tại SEA Games 31 cũng đánh dấu sự sa sút phong độ của nhiều vận động viên được kỳ vọng như Lê Quang Liêm, Trần Nhật Hoàng...
Là niềm hy vọng của Cờ vua Việt Nam, tuy nhiên Lê Quang Liêm lại không có phong độ tốt nhất ở giải lần này. Sau 5 ván đấu tại vòng loại, Lê Quang Liêm chỉ giành được 2,5 điểm (1 trận thắng, 3 trận hoà và 1 trận thua), xếp thứ 7 trong số 13 vận động viên. Kết quả này khiến anh không thể góp mặt ở Bán kết nội dung Cờ nhanh SEA Games 31.
Hay vận động viên Trần Nhật Hoàng - niềm hy vọng số 1 của Điền kinh Việt Nam đã không thể bảo vệ thành công tấm Huy chương Vàng của mình ở đường chạy 400m. Anh chỉ về đích ở vị trí thứ 5 chung cuộc với thông số 47 giây 65.
Sự nuối tiếc khác có thể kể đến đó là môn Muay. Ở nội dung Thi đấu biểu diễn, hai vận động viên Việt Nam là Phạm Thị Diễm Trang và Phạm Thị Bích Liễu đã có màn thể hiện xuất sắc và nhận được 8.81 điểm. Số điểm của đội Việt Nam là cao nhất, đồng nghĩa với tấm Huy chương Vàng. Tuy nhiên, do biểu diễn quá thời gian cho phép 31 giây nên đội bị trừ điểm và tụt xuống vị trí thứ hai, chỉ giành được Huy chương Bạc.
Chia sẻ với báo chí, các vận động viên Phạm Thị Diễm Trang, Phạm Thị Bích Liễu bày tỏ sự nuối tiếc khi để tuột khỏi tầm tay Huy chương Vàng; đồng thời cho biết, sau sự việc này, các vận động viên sẽ rút ra bài học kinh nghiệm, để tiếp tục nỗ lực tập luyện trong thời gian tới.
Từ nay đến Bế mạc SEA Games 31, đoàn Thể thao Việt Nam sẽ có nhiều cơ hội gặt hái thêm những tấm huy chương với thứ hạng cao. Đáng chú ý là trong bộ môn Bóng đá, đội tuyển Bóng đá nữ và nam đã giành chiến thắng ở Bán kết để tiến vào Chung kết tranh Huy chương Vàng.