Ý tưởng mới lạ của một số địa phương ở Trung Quốc nhằm giải bài toán nợ

Chi tiêu mạnh tay dành cho chính sách “Zero COVID” và giảm doanh thu thuế đã khiến nợ địa phương tại Trung Quốc phình to, gây “đau đầu” cho nền kinh tế.

Chú thích ảnh
Lạc Sơn Đại Phật tại Lạc Sơn, tỉnh Tứ Xuyên (Trung Quốc). Ảnh: Xinhua

Với chính sách “Zero COVID”, chính quyền trung ương đã cắt giảm thuế để giúp các doanh nghiệp tồn tại. Tuy nhiên, điều này gây ảnh hưởng đến thu nhập chính quyền địa phương. Theo thông báo của Bộ Tài chính Trung Quốc, nợ chính quyền địa phương năm 2022 của nước này đã tăng 15% lên mức 35 triệu nhân dân tệ (5,2 nghìn tỷ USD). Điều này đồng nghĩa với việc gánh nặng nợ chính quyền địa phương của Trung Quốc lớn hơn 20% so với Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Đức.

Theo tờ Guardian (Anh), trong bối cảnh này, các chính quyền địa phương tại Trung Quốc đã áp dụng nhiều biện pháp để củng cố lại ngân sách.

Thành phố Lạc Sơn tại tỉnh Tứ Xuyên (Trung Quốc) đã lên kế hoạch bán quyền vận hành bức tượng cao 71 mét có từ thời nhà Đường (618-906) mang tên Lạc Sơn Đại Phật. Tháng 8/2022, Lạc Sơn tuyên bố bán quyền sử dụng trong 30 năm của Lạc Sơn Đại Phật với mức giá khởi điểm 1,7 tỷ nhân dân tệ.

Trong khi đó, huyện Rongjiang tại tỉnh Quý Châu đã đấu giá quyền vận hành nhà tang lễ địa phương với mức 126,8 triệu nhân dân tệ.

Trong giai đoạn từ 2020-2021, chính quyền tại 15 tỉnh đã tăng gấp đôi doanh thu từ các mức phạt. Một số cơ quan quản lý giao thông địa phương yêu cầu người lái xe phải trả “gói phạt” 2.000 nhân dân tệ một tháng để chi trả cho vi phạm có thể xảy ra trong tương lai.

Tuy nhiên, một số chuyên gia đang hoài nghi về những biện pháp do các chính quyền địa phương thực hiện. Ông Houze Song đánh giá: “Việc bán các tài sản hoặc áp dụng hình phạt sẽ chỉ tạo được hỗ trợ bên lề đối với giải quyết nợ”.

Các thống kê kinh tế Trung Quốc năm 2022 dự kiến được công bố vào hôm 28/2 tới. Ước tính ban đầu cho thấy tăng trưởng giảm chỉ còn 3%, mức xấu nhất kể từ năm 1976. Mục tiêu tăng trưởng GDP quốc gia dự kiến được công bố tại Đại hội Đại biểu nhân dân toàn quốc Trung Quốc sẽ khai mạc vào ngày 5/3. Mục tiêu dự kiến tối thiểu là 5%.

Việc thắt chặt quản lý ngành bất động sản cũng tác động mạnh đến kho bạc các chính quyền địa phương. Trong giai đoạn từ 2019-2021, doanh thu từ bán đất chiếm tới khoảng 40% thu nhập của các chính quyền địa phương. Tuy nhiên, trong năm 2022, con số này giảm chỉ còn gần 1/3 so với năm 2021.

Nhà phân tích tại công ty Trivium China, ông Wenye Sun nhận định rằng nợ chính quyền địa phương là cơn đau đầu lớn đối với kinh tế quốc gia. Ông Wenye Sun nói: “Có rủi ro thực sự là các chính quyền địa phương ở cấp thấp hơn sẽ không thể thực hiện được nghĩa vụ trả nợ. Trong viễn cảnh tồi tệ nhất, điều này sẽ châm ngòi cho khủng hoảng tài chính”.

Những khoản nợ ngầm tích tụ từ phương tiện tài trợ chính quyền địa phương (LGFV) – cơ chế được sử dụng để cấp vốn cho các dự án cơ sở hạ tầng - có thể tăng gấp đôi gánh nặng nợ. Ông Houze Song tại Viện MacroPolo (Mỹ) ước tính rằng LGFV đang giữ khoản nợ trên 70% GDP.

Vào tháng 9/2022, nhân viên làm việc tại hệ thống giao thông công cộng ở thành phố Lan Châu, tỉnh Cam Túc được đề nghị nhận khoản vay từ ngân hàng địa phương để trang trải lương của họ từ tháng 6 đến tháng 9. Những lao động này đã không được trả lương trong nhiều tháng. Công ty nhà nước nơi họ làm việc nợ đến 90 triệu nhân dân tệ tiền lương của người lao động. Công ty này cam kết với người lao động sẽ thay mặt họ trả khoản nợ trong ngân hàng.

Hà Linh/Báo Tin tức (Theo Guardian)
Trung Quốc tăng cường mua dầu thô của Mỹ
Trung Quốc tăng cường mua dầu thô của Mỹ

Trung Quốc đang tăng cường mua dầu thô từ khắp nơi trên thế giới, đặc biệt là từ Mỹ.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN