Xung quanh cáo buộc Anh, Pháp tham gia vụ tấn công của Ukraine vào trung tâm khí đốt Nga

Moskva tố cáo sự can thiệp của phương Tây khi cáo buộc Anh và Pháp tham gia vào cuộc tấn công của Ukraine nhằm vào hạ tầng khí đốt quan trọng ở Nga.

Chú thích ảnh
Hình ảnh đám cháy một trung tâm khí đốt Nga được cắt từ đoạn video do Bộ Quốc phòng Nga cung cấp. Ảnh: Bộ Quốc phòng Nga/RT

Theo trang tin Bulgarianmilitary.com, Moskva vừa đưa ra những cáo buộc nhằm vào Anh và Pháp, cho rằng hai cường quốc phương Tây này đóng vai trò then chốt trong cuộc tấn công của Ukraine vào cơ sở hạ tầng năng lượng ở Nga.

Trong một cuộc họp báo cuối tháng 3, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova khẳng định cuộc tấn công nhắm vào trạm đo khí đốt Sudzha ở vùng Kursk đã phá hủy hoàn toàn cơ sở này.
Theo bà Zakharova, cuộc tấn công được thực hiện bằng hệ thống pháo phản lực HIMARS do Mỹ sản xuất, với sự hỗ trợ định vị và dẫn đường từ vệ tinh Pháp. Đồng thời, bà cáo buộc các chuyên gia Anh đã cung cấp tọa độ mục tiêu và trực tiếp thực hiện vụ phóng.

"Lệnh này đến từ London", bà Zakharova tuyên bố, trực tiếp chỉ trích chính phủ Anh đã dàn dựng cuộc tấn công.

Cơ sở Sudzha nằm ở khu vực biên giới, là một nút quan trọng trong mạng lưới năng lượng của Nga, một phần của hệ thống đường ống vận chuyển khí đốt tự nhiên đến châu Âu. Theo Bộ Quốc phòng Nga, cuộc tấn công xảy ra vào sáng sớm, mặc dù thông tin chi tiết về mức độ thiệt hại chưa được tiết lộ đầy đủ.

Sự việc diễn ra trong bối cảnh căng thẳng leo thang giữa Nga và các quốc gia phương Tây ủng hộ Ukraine. Kể từ khi xung đột Nga - Ukraine nổ ra vào tháng 2/2022, Anh và Pháp đã lên tiếng ủng hộ mạnh mẽ Kiev, cung cấp viện trợ quân sự và thúc đẩy các biện pháp quyết liệt chống Moskva.

Cả hai nước đều đã cung cấp cho Ukraine vũ khí tiên tiến, bao gồm tên lửa hành trình Storm Shadow của Anh và tên lửa SCALP của Pháp, có khả năng tương tự như tên lửa ATACMS do Mỹ sản xuất.

Lời cáo buộc từ bà Zakharova được đưa ra không lâu sau khi một thỏa thuận ngừng bắn tạm thời liên quan đến mục tiêu năng lượng được ký kết. Theo thỏa thuận được Mỹ làm trung vào đầu tháng này, Ukraine đã đồng ý tạm dừng 30 ngày các cuộc tấn công vào cơ sở hạ tầng năng lượng của Nga.

Cuộc tấn công vào Sudzha dường như vi phạm thỏa thuận trên, mặc dù chưa rõ liệu Kiev có chính thức phê duyệt hoạt động này hay không, hoặc nó có thể do các thành phần Ukraine khác thực hiện.

Phản ứng của Nga đối với các cáo buộc cho đến nay vẫn gay gắt nhưng có phần kiềm chế. Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov, khi phát biểu với báo giới ngay sau vụ tấn công, mô tả đây là bằng chứng cho thấy "hoàn toàn thiếu sự giám sát" trong quân đội Ukraine, ngụ ý rằng lực lượng vũ trang Ukraine đã hành động độc lập mà không có sự giám sát chính trị.

Khu vực Kursk đã trở thành tâm điểm của cuộc xung đột trong những tháng gần đây. Vào tháng 8/2024, các lực lượng Ukraine đã phát động một cuộc tấn công bất ngờ tại đó, kiểm soát hơn 1.000 km2 lãnh thổ Nga nhằm phá vỡ các tuyến tiếp tế của Moskva và buộc Nga phải bố trí lại lực lượng.

Chiến dịch này khiến Điện Kremlin bất ngờ, thúc đẩy một cuộc phản công sau đó. Cuộc tấn công Sudzha, nhắm vào cơ sở hạ tầng năng lượng, có thể được xem là nỗ lực của Ukraine nhằm làm suy yếu hệ thống hậu cần của Nga trong khu vực.

"Nếu đúng như vậy, điều này cho thấy các cường quốc phương Tây sẵn sàng chấp nhận rủi ro lớn hơn khi hỗ trợ Ukraine, đồng thời nó cũng làm tăng nguy cơ trả đũa", Tiến sĩ Emily Harper, chiến lược gia quân sự tại Đại học Georgetown nhận định.

Một điểm đáng chú ý là sự thay đổi chính sách đã diễn ra vào tháng 11/2024, khi chính quyền Biden cho phép Ukraine sử dụng tên lửa ATACMS để tấn công bên trong lãnh thổ Nga. Sự thay đổi chính sách đó đã mở ra cánh cửa cho Ukraine nhắm vào các tài sản quân sự của Nga ở xa tiền tuyến, mặc dù nó cũng nhận được cảnh báo nghiêm khắc từ Tổng thống Nga Vladimir Putin, người mô tả những hành động như vậy tương đương với việc NATO tuyên chiến với Nga.

"Paris và London là những tiếng nói nhất quán nhất thúc đẩy leo thang. Dấu vết can thiệp của họ trong hoạt động như thế này không có gì ngạc nhiên. Nhưng việc chứng minh điều này lại là một vấn đề khác", Peter Clarkson, thành viên cấp cao tại Hội đồng Quan hệ Đối ngoại nhận xét. 

Tuy nhiên, bằng chứng ủng hộ cho tuyên bố của bà Zakharova vẫn còn khó tìm thấy. Hình ảnh vệ tinh do Bộ Quốc phòng Nga công bố qua Telegram cho thấy có thiệt hại ở cơ sở Sudzha, nhưng không đưa ra dấu hiệu rõ ràng về cách thức phối hợp cuộc tấn công.

Các quan chức Ukraine chưa bình luận trực tiếp về vụ tấn công, mặc dù quân đội nước này trước đó đã thừa nhận việc nhắm vào cơ sở hạ tầng năng lượng của Nga để phá vỡ nỗ lực quân sự của Moskva. Một tuyên bố từ Bộ Tổng tham mưu Ukraine đầu năm nay mô tả các cuộc tấn công như vậy là "hành động tự vệ hợp pháp", một lập trường trái ngược hoàn toàn với cách Nga coi chúng là hành động "phá hoại".

Cả chính phủ Anh lẫn Pháp đều chưa đưa ra phản hồi chính thức trước những cáo buộc này, khiến cộng đồng quốc tế phải đối mặt với những tác động tiềm tàng nếu sự tham gia như vậy được xác nhận.

Điều đáng lưu ý là vào đầu tháng 3, Thủ tướng Anh Keir Starmer và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã bày tỏ ý định thành lập một "liên minh tự nguyện", một nhóm các quốc gia sẵn sàng triển khai quân và máy bay tới Ukraine trong trường hợp sự ủng hộ của Mỹ không còn nữa.

Bộ Ngoại giao Nga đã tuyên bố sẽ có "phản ứng thực tế" đối với sự can dự của phương Tây, mặc dù hình thức phản ứng vẫn chưa được xác định cụ thể.

Cuộc tấn công Sudzha, dù là một sự leo thang được tính toán hay một đòn tấn công bất ngờ, đều nhấn mạnh tính chất mong manh của tình hình hiện tại - một cuộc chiến nơi mỗi bên đều thử thách giới hạn quyết tâm của đối phương, và ranh giới giữa sự ủng hộ và tham gia trực tiếp ngày càng trở nên mờ nhạt.

Hãng tin Sputnik hôm 21/3 dẫn thông báo của Bộ Quốc phòng Nga cho biết, vào rạng sáng cùng ngày, chính quyền Kiev đã cố tình cho nổ trạm đo khí đốt Sudzha, nằm cách biên giới quốc gia vài trăm mét thuộc khu vực Kursk. Vào thời điểm đó, từ Kiev lại phát đi tuyên bố rằng người Nga đã tự pháo kích vào mình. Ngay lập tức, Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cho rằng cáo buộc từ phía Kiev về việc Nga tự pháo kích  là hoàn toàn vô lý.

Vũ Thanh/Báo Tin tức
Liệu ngoại giao con thoi có thể chấm dứt xung đột Nga - Ukraine?
Liệu ngoại giao con thoi có thể chấm dứt xung đột Nga - Ukraine?

Các cuộc đàm phán tại Saudi Arabia đánh dấu bước tiến mới trong nỗ lực chấm dứt giao tranh Ukraine. Ngoại giao con thoi liệu có thể giúp Nga và Ukraine tìm ra lối thoát?

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN