Xung đột tại Nagorny-Karabakh: Nga kêu gọi các bên tuân thủ thỏa thuận ngừng bắn

Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov ngày 12/11 tuyên bố tất cả các bên trong cuộc xung đột Nagorny-Karabakh sẽ được hưởng lợi nếu tôn trọng thỏa thuận ngừng bắn do Moskva làm trung gian. 

Chú thích ảnh
Xe quân sự Nga thuộc lực lượng giữ gìn hòa bình được triển khai tới khu vực xung đột Nagorny-Karabakh từ sân bay Erebuni, ngoại ô Yerevan, Armenia ngày 11/11/2020. Ảnh: AFP/TTXVN

Theo phóng viên TTXVN tại Moskva, Ngoại trưởng Lavrov nhấn mạnh: "Tôi chắc chắn rằng nếu thực hiện mọi thứ mà chúng ta đã nhất trí, và tôi không phát hiện bất cứ dấu hiệu nào cho thấy ai đó đang tìm cách phá vỡ các thỏa thuận này, thì tất cả sẽ được hưởng lợi".

Quan chức ngoại giao Nga cho rằng quyết định khai thông tất cả các kết nối kinh tế, thông tin liên lạc và giao thông sẽ là yếu tố sống còn đối với sự hồi phục của Nagorny-Karabakh và tiến trình khôi phục nền kinh tế Armenia vốn chịu ảnh hưởng nặng nề nhất. 

Ngoại trưởng Nga nhấn mạnh sứ mệnh gìn giữ hòa bình được triển khai trong khu vực sẽ giúp khôi phục các di sản văn hóa của cả Armenia và Azerbaijan. Ông Lavrov đảm bảo rằng phái bộ của Nga sẽ giúp kiềm chế tình hình trong khu vực và tìm ra các giải pháp mang tính xây dựng. Ngoài ra, ông Lavrov cũng nhắc lại rằng sẽ không có phái bộ gìn giữ hòa bình của Thổ Nhĩ Kỳ hoạt động trong khu vực.

Cùng ngày 12/11, Nga cho biết Pháp và Mỹ dự kiến sẽ sớm cử các nhà ngoại giao đến Moskva để thảo luận về cuộc xung đột ở Nagorny-Karabakh, 2 ngày sau khi Nga triển khai lực lượng gìn giữ hòa bình đến khu vực tranh chấp này.  

Nga cùng với Pháp và Mỹ là đồng Chủ tịch nhóm Minsk thuộc Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu (OSCE) về giải quyết cuộc giao tranh ở Nagorny-Karabakh, nhưng Paris và Washington không tham gia vào thỏa thuận ngừng bắn mà các bên xung đột đã đạt được dưới sự trung gian của Moskva vào ngày 10/11 vừa qua. Ngoại trưởng Lavrov cho rằng điều này không có nghĩa là Nga muốn tạo khoảng cách với Pháp và Mỹ. Hơn nữa, Nga đã mời các đại diện của Pháp và Mỹ đến Moskva trong vài ngày tới để họ có thể đóng góp cho việc thực thi những thỏa thuận đã đạt được. 

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron ngày 12/11 cũng thể hiện sự ủng hộ đối với việc chấm dứt hoạt động giao tranh tại Nagorny-Karabakh, đồng thời khẳng định với Thủ tướng Armenia Nikol Pashinyan rằng ông sẵn sàng hỗ trợ xây dựng một giải pháp chính trị lâu dài, công bằng và có thể chấp nhận được đối với tất cả các bên xung đột.

Ngày 10/11, Tổng thống Nga Vladimir Putin cùng người đồng cấp Azerbaijan Ilham Aliyev và Thủ tướng Armenia Nikol Pashinyan đã thông báo thỏa thuận ngừng bắn tại Nagorny-Karabakh sau hơn một tháng xảy ra giao tranh đẫm máu ở khu vực này. Theo thỏa thuận, Nga đã triển khai lực lượng gìn giữ hòa bình tại khu vực tiền tuyến Nagorny-Karabakh và hành lang giữa khu vực này với Armenia nhằm giám sát lệnh ngừng bắn.

Nagorny-Karabakh nằm sâu trong lãnh thổ phía Tây Nam của Azerbaijan, nhưng có đa số dân cư là người gốc Armenia sinh sống và muốn sáp nhập vùng này vào Armenia. Điều này đã châm ngòi cho những tranh chấp chủ quyền giữa hai nước, mà đỉnh điểm là cuộc chiến tranh kéo dài từ tháng 2/1988 đến tháng 5/1994, khiến khoảng 30.000 người thiệt mạng. Căng thẳng tái bùng phát tại khu vực này từ ngày 27/9 vừa qua đã khiến con số thương vong ước tính lên tới hàng nghìn người.    

Duy Trinh - Trần Quyên (TTXVN)
Xung đột tại Nagorny-Karabakh: Nga và Thổ Nhĩ Kỳ ký bản ghi nhớ thành lập Trung tâm kiểm soát 
Xung đột tại Nagorny-Karabakh: Nga và Thổ Nhĩ Kỳ ký bản ghi nhớ thành lập Trung tâm kiểm soát 

Theo phóng viên TTXVN tại Moskva, Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu và người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ Hulusi Akar đã ký bản ghi nhớ về thành lập Trung tâm kiểm soát chung việc chấm dứt các hành động thù địch ở Nagorny-Karabakh.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN