Hai nguồn tin tiết lộ 695 người có hộ chiếu nước ngoài và người phụ thuộc, trong đó có cả công dân Ai Cập, đã có thể qua cửa khẩu Rafah. Trong khi đó, 12 người cần điều trị y tế và 10 người đi kèm cũng đã rời Gaza để vào Ai Cập. Đặc phái viên Mỹ về các vấn đề nhân đạo ở Trung Đông, ông David Satterfield bày tỏ hy vọng hoạt động sơ tán qua cửa khẩu Rafah sẽ thuận lợi hơn với các khoảng dừng nhân đạo kéo dài 4 giờ mà phía Israel đã chấp thuận.
Cùng ngày, một đại diện Ủy ban Chữ thập Đỏ quốc tế (ICRC) tại Gaza thông báo tổ chức này đã nối lại việc hỗ trợ chuyển bệnh nhân đến cửa khẩu Rafah sau một ngày tạm dừng vì vấn đề an ninh khi đoàn xe của họ bị trúng đạn vào đầu tuần này.
Rafah là cửa khẩu do Ai Cập kiểm soát và là lối ra duy nhất từ Gaza mà không dẫn đến lãnh thổ của Israel. Vào ngày 8/11, các hoạt động sơ tán qua cửa khẩu này đã lần thứ hai phải tạm dừng do các cuộc tấn công trên tuyến đường từ Gaza dẫn tới cửa khẩu này. Hoạt động sơ tán người dân từ Gaza qua cửa khẩu Rafah được tiến hành kể từ ngày 1/11 đối với khoảng 7.000 người có hộ chiếu nước ngoài, người có hai quốc tịch cùng những người phụ thuộc và một số lượng giới hạn những người cần điều trị y tế khẩn cấp.
Rafah cũng là điểm tiếp nhận viện trợ nhân đạo duy nhất vào Gaza. Theo Liên hợp quốc, với việc có 106 xe tải chở thực phẩm, thuốc men và nước uống vào vùng lãnh thổ ngày 8/11, tổng số xe tải viện trợ tới đây kể từ ngày 21/10 đến thời điểm trên là 756 xe.
Trước khi xảy ra xung đột giữa Phong trào Hồi giáo Hamas - đang kiểm soát Dải Gaza - và Israel hôm 7/10, trung bình mỗi ngày có hơn 400 xe tải chở hàng viện trợ và các nhu yếu phẩm khác vào vùng lãnh thổ này. Kể từ khi xung đột leo thang, các quan chức viện trợ cho biết cần ít nhất 100 xe tải mỗi ngày để đáp ứng nhu cầu nhân đạo ngày càng tăng tại Gaza. Thậm chí, Đặc phái viên Mỹ David Satterfield còn cho rằng cần có 150 xe tải mỗi ngày mới có thể đáp ứng đủ nhu cầu tối thiểu cho việc "hỗ trợ nhân đạo sống còn" tại đây.