Theo phóng viên TTXVN tại LHQ, ông Dujarric nêu rõ quyết định đình chỉ hoạt động di chuyển vào ban đêm trong ít nhất 48 giờ, có hiệu lực từ ngày 2/4, để đánh giá các vấn đề an ninh ảnh hưởng đến các nhân viên cứu trợ. Tuy nhiên, Chương trình Lương thực Thế giới (WFP) vẫn tiếp tục hoạt động vào ban ngày, bao gồm cả những nỗ lực hằng ngày để đưa các đoàn xe cứu trợ đến miền Bắc Dải Gaza, nơi có nhiều người bên bờ vực nạn đói.
Cùng ngày 3/4, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Matthew Miller nhấn mạnh Washington mong muốn Israel nhanh chóng điều tra vụ không kích nói trên.
Phát biểu họp báo thường kỳ, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ cho rằng Israel cần đẩy mạnh các biện pháp hạ nhiệt xung đột cũng như phối hợp để bảo vệ các nhân viên viện trợ nhân đạo và bảo vệ tất cả dân thường.
Trong khi đó, Thứ trưởng Ngoại giao Ba Lan Andrzej Szejna cho biết ông đã triệu đại sứ Israel tại nước này đến để phản đối vụ không kích tại Gaza khiến 1 công dân Ba Lan thiệt mạng.
Về phần mình, Đại sứ Israel tại Ba Lan Yacov Livne cho biết ông đã đề nghị nhà chức trách địa phương tìm cách liên lạc với gia đình nhân viên cứu trợ thiệt mạng.
Trước đó cùng ngày, Thủ tướng Ba Lan Donald Tusk cảnh báo rằng cuộc không kích nói trên và phản ứng của Chính phủ Israel sau vụ việc đang khiến mối quan hệ giữa hai nước trở nên căng thẳng.
Bộ trưởng Ngoại giao Canada Melanie Joly cũng đã lên tiếng kêu gọi mở cuộc điều tra toàn diện đối với vụ không kích, trong đó có 1 công dân Canada gốc Mỹ thiệt mạng.
Cùng ngày, Thủ tướng Tây Ban Nha Pedro Sanchez cho rằng lời giải thích mà Israel đưa ra về vụ tấn công chết người này là "không đầy đủ và không thể chấp nhận được".
Theo Thủ tướng Tây Ban Nha, Chính phủ Israel đã biết về hoạt động và hành trình của tổ chức World Central Kitchen ở Gaza, do đó ông yêu cầu Israel giải thích chi tiết hơn và thuyết phục hơn về hành vi không kích gây chết người.
Nhà lãnh đạo Tây Ban Nha đưa ra phát biểu trên sau khi Tổng tham mưu trưởng Lực lượng Phòng vệ Israel, ông Herzi Halevi xác nhận quân đội Israel đã "xác định sai mục tiêu" khi tiến hành không kích vào ban đêm "trong điều kiện rất phức tạp”, đồng thời khẳng định vụ việc này là "một sự nhầm lẫn nghiêm trọng".
Cùng ngày, Quốc vương Jordan Abdullah II và Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres đã nhấn mạnh sự cần thiết phải bảo vệ nhân viên các tổ chức nhân đạo và cứu trợ ở dải Gaza.
Trong cuộc điện đàm với Tổng thư ký Guterres, Quốc vương Abdullah II cam kết Jordan sẽ tiếp tục nỗ lực hết sức phối hợp với nhiều tổ chức và đối tác quốc tế khác nhau để cung cấp viện trợ nhân đạo, y tế và cứu trợ cho người dân ở Gaza.
Cũng trong ngày 3/4, Cơ quan Quản lý cửa khẩu và biên giới ở Gaza cho biết thi thể của các nhân viên cứu trợ nước ngoài thiệt mạng trong cuộc không kích trên đã được chuyển đến Ai Cập qua cửa khẩu Rafah để đưa về quê nhà.
Trong khi đó, Tổng tham mưu trưởng Lực lượng Phòng vệ Israel Herzi Halevi thông báo đã hoàn thành cuộc điều tra ban đầu về các tình tiết của vụ việc này, đồng thời nhấn mạnh phía Israel không chủ ý tấn công vào các nhân viên cứu trợ.
Kể từ khi cuộc xung đột giữa Phong trào Hồi giáo Hamas và Israel nổ ra hồi tháng 10 năm ngoái, gần 196 nhân viên cứu trợ đã thiệt mạng ở Dải Gaza, trong đó 175 người làm việc cho các cơ quan của LHQ.