WTO ra phán quyết cho rằng COOL, quy định dán nhãn thịt của Mỹ, là không công bằng đối với ngành công nghiệp gia súc Canada và Mexico. Ảnh: AFP
|
Phán quyết của WTO nhấn mạnh Canada và Mexico có thể tiến hành các biện pháp trả đũa thông qua việc áp các quy định thuế quan đối với hàng hóa xuất khẩu của Mỹ để bù lại khoản thiệt hại do Mỹ áp dụng Quy định Dán nhãn xuất xứ hàng hóa (COOL). Cụ thể, Canada - đối tác thương mại lớn nhất của Mỹ, được phép áp mức thuế lên tới 780 triệu USD mỗi năm, trong khi Mexico - đối tác thương mại lớn thứ hai của Mỹ, có thể đánh thuế lên tới 227,8 triệu USD/ năm. Phán quyết còn nêu rõ chương trình dán nhãn các sản phẩm thịt của Mỹ là "không công bằng" do phân biệt đối xử đối các sản phẩm thịt gia súc nhập khẩu từ hai thị trường trên và thị trường nội địa.
Sau khi WTO ra phán quyết trên, Chính phủ Canada khẳng định chương trình dán nhãn thịt của Mỹ không chỉ gây tổn thất cho ngành công nghiệp gia súc của Canada và Mexico mà còn "phá vỡ" chuỗi cung cứng thịt ở Bắc Mỹ. Canada một lần nữa kêu gọi Mỹ rút lại COOL. Cùng quan điểm với Canada, giới chức Mexico cảnh báo sẽ tiến hành các biện pháp trả đũa thương mại nhằm vào hàng hóa Mỹ "trong thời gian tới".
Đáp lại những tuyên bố của Canada và Mexico, đại diện Phòng Thương mại Mỹ cho biết Quốc hội Mỹ sẽ có buổi làm việc về COOL. Hai quốc gia Bắc Mỹ này là bạn hàng lớn của Mỹ, với tổng kim ngạch thương mại hàng năm lên tới 1.300 tỷ USD và giúp tạo ra gần 14 triệu việc làm tại Mỹ.
WTO đã nhiều lần ra phán quyết về việc Mỹ đã phớt lờ kiến nghị của hai nước láng giềng Canada và Mexico, cũng như 2 phán quyết trước đó của tổ chức này khi không điều chỉnh COOL phù hợp với các quy định thương mại quốc tế. Trong phán quyết đầu tiên đưa ra tháng 6/2012, WTO kết luận chương trình dán nhãn thịt của Mỹ đã khiến cho sản phẩm thịt gia súc của Canada và Mexico ít được ưa chuộng hơn so với sản phẩm cùng loại sản xuất trong nước, do đó đã vi phạm quy định thương mại của WTO.
Mỹ áp dụng COOL từ năm 2008 và tiến hành sửa đổi năm 2013 theo hướng quy định các sản phẩm thịt bò và thịt lợn đóng gói tiêu thụ trên thị trường Mỹ phải ghi rõ nguồn gốc xuất xứ từ con giống, nơi chăn nuôi đến nơi chế biến. Những người ủng hộ COOL cho rằng việc sửa đổi là cần thiết nhằm đảm bảo cung cấp đầy đủ thông tin cho người tiêu dùng về xuất xứ sản phẩm. Tuy nhiên, những người phản đối cho đây là sự phân biệt đối xử đối với những sản phẩm nhập khẩu (vào Mỹ), làm tăng thêm chi phí cho nhà sản xuất và vi phạm các quy định thương mại tự do.
Theo thống kê của Bộ Nông nghiệp Canada, COOL khiến ngành công nghiệp gia súc của nước này thiệt hại khoảng 1 tỷ USD mỗi năm. Trong khi đó, Bộ Kinh tế Mexico cũng ước tính thiệt hại lên tới hàng trăm triệu USD do Mỹ áp dụng COOL.