Mỹ áp đặt các quy định mới về cung cấp cá da trơn

Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) ngày 26/11 đã ban hành các quy định mới nghiêm ngặt hơn đối với mặt hàng cá da trơn (catfish).


Chế biến cá tra phi lê xuất khẩu. Ảnh: Minh Trí – TTXVN

Quy định mới này được các chuyên gia nhìn nhận sẽ tác động tới các nhà cung cấp nước ngoài cũng như các nhà sản xuất của Mỹ. Trong một tuyên bố, USDA cho biết quy định mới dự kiến bắt đầu có hiệu lực từ tháng 3/2016 và sẽ được triển khai từng bước trong hơn 18 tháng tiếp theo, qua đó cho phép các nhà cung cấp cá da trơn nước ngoài có thời gian thực hiện những điều chỉnh cần thiết để có thể đáp ứng những yêu cầu của USDA. Cơ quan này sẽ đảm nhận việc kiểm tra, giám sát thường xuyên hơn, thậm chí hàng ngày, trực tiếp tại các cơ sở nuôi trồng và nhà máy chế biến cá da trơn, thay vì các cuộc giám sát và kiểm tra ngẫu nhiên do Cơ quan quản lý thực phẩm và dược phẩm (FDA) tiến hành như hiện nay.

Trong giai đoạn 18 tháng chuyển tiếp, các nhà cung cấp nước ngoài muốn xuất khẩu cá da trơn đến Mỹ sẽ phải trải qua các cuộc kiểm tra và lấy mẫu ít nhất là hàng quý do Cục Thanh tra an toàn và vệ sinh thực phẩm (FSIS) của USDA tiến hành. FSIS cam kết sẽ từng bước giới thiệu và triển khai chương trình thanh tra mới nhằm đảm bảo ngành sản xuất cá da trơn trong nước và các đối tác quốc tế nắm kiến thức đầy đủ về những yêu cầu của FSIS.

Giới quan sát nhận định các quy định mới một khi được áp đặt trước hết sẽ khiến các nhà sản xuất cá da trơn ở Mỹ cũng sẽ gặp khó khăn vì phải chi thêm hàng triệu USD để tuân thủ những tiêu chuẩn mới. Ngành sản xuất cá da trơn của Mỹ chủ yếu tập trung ở các bang miền Nam như Alabama, Arkansas, Mississippi và Texas. Theo số liệu của USDA, trong vài năm qua, vì nhiều lý do, diện tích nuôi trồng cá da trơn của Mỹ đã bị thu hẹp, từ khoảng 65.000 hécta năm 2008 xuống chỉ còn một nửa, khoảng 23.000 hécta. Các nhà sản xuất Mỹ nói rằng họ phải giảm diện tích nuôi trồng vì giá ngô, nguồn thực phẩm chính để nuôi cá, trong vài năm qua tăng giá khá cao. Năm 2008, để bảo vệ ngành sản xuất cá da trơn nội địa, Mỹ đã áp đặt các biện pháp bảo hộ mậu dịch, áp thuế “bán phá giá” đối với mặt hàng cá da trơn nhập khẩu từ một số nước, trong đó có cá tra và cá basa nhập khẩu từ Việt Nam.


Một số nhà lập pháp Mỹ, trong đó có Thượng nghị sỹ John McCain và Thượng nghị sỹ Jeanne Shaheen, từng mô tả kế hoạch chuyển chức năng giám sát cá da trơn từ FDA sang USDA là “lãng phí và chỉ nhằm bảo vệ các nhà sản xuất cá da trơn nội địa”. Thượng sỹ McCain cho rằng với chương trình bảo hộ mới này, chính phủ liên bang sẽ phải chi khoảng 15 triệu USD/năm để áp đặt các rào cản đối với việc nhập khẩu cá da trơn và điều này sẽ đẩy giá mặt hàng thủy sản này lên cao, gây bất lợi cho người tiêu dùng, các nhà hàng cũng như các nhà chế biến hải sản trong nước.

TTXVN/Tin tức
Tọa đàm về xuất khẩu bền vững cá da trơn của Việt Nam vào EU
Tọa đàm về xuất khẩu bền vững cá da trơn của Việt Nam vào EU

Cuộc tọa đàm về xuất khẩu cá da trơn của Việt Nam vào thị trường Liên minh châu Âu (EU) đã diễn ra tại Brussels vào ngày 22/4.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN