World Bank dự báo kinh tế Ukraine suy giảm trên 45% trong năm nay

Ngân hàng Thế giới (World Bank) dự báo nền kinh tế Ukraine sẽ suy giảm 45,1% trong năm nay do ảnh hưởng của chiến tranh.

Chú thích ảnh
Lính cứu hoả dập lửa tại một nhà máy giày bị không kích ở Dnipro, Ukraine. Ảnh: Al Jazeera

Theo tờ Al Jazeera, Ngân hàng Thế giới (World Bank) ngày 10/4 cho biết sản lượng kinh tế của Ukraine có thể sẽ suy giảm 45,1% trong năm nay vì chiến sự đã buộc các doanh nghiệp phải đóng cửa, cắt giảm xuất khẩu và phá hủy năng lực sản xuất. Đây là đánh giá mới của Ngân hàng Thế giới về tác động kinh tế của cuộc chiến tại Ukraine.

Ngân hàng Thế giới cho biết hơn một nửa số doanh nghiệp của Ukraine đã đóng cửa, trong khi những doanh nghiệp khác hoạt động dưới sâu mức bình thường. Việc cắt đứt đường vận tải trên Biển Đen từ Ukraine đã cắt giảm khoảng 90% lượng ngũ cốc xuất khẩu và một nửa tổng kim ngạch xuất khẩu của nước này.

Ngân hàng Thế giới cũng dự báo tổng sản phẩm quốc nội (GDP) năm 2022 của Nga sẽ giảm 11,2% do các lệnh trừng phạt tài chính mà Mỹ và các đồng minh phương Tây áp đặt đối với các ngân hàng, doanh nghiệp nhà nước và các tổ chức khác của Nga.

Cũng theo đánh giá của World Bank, khu vực Đông Âu, bao gồm Ukraine, Belarus và Moldova, được dự báo sẽ giảm GDP 30,7% trong năm nay, do những cú sốc từ chiến tranh và gián đoạn thương mại.

Ngày 24/2, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã triển khai chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine nhằm đáp lại lời kêu gọi giúp đỡ của lãnh đạo các vùng lãnh thổ Donetsk và Luhansk tại miền Đông Ukraine. Ông nhấn mạnh rằng các kế hoạch của Moskva không bao gồm việc chiếm đóng các vùng lãnh thổ của Ukraine, mà mục tiêu là phi quân sự hóa và quy chế trung lập của quốc gia Đông Âu này.

Hôm 8/4, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov nêu rõ Moskva hy vọng chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine có thể hoàn tất trong tương lai gần. Ông Peskov lưu ý chiến dịch vẫn tiếp diễn và đang đạt được các mục tiêu, song song với thúc đẩy tiến trình đàm phán với Ukraine. 

Trong khi đó, ngày 10/4, Tổng thống Ukraine, Zelensky tiếp tục kêu gọi các nước phương Tây, trong đó có Đức, hỗ trợ nhiều hơn cho Ukraine. Trong cuộc hội đàm với Thủ tướng Đức Olaf Scholz, Zelenskyy cho biết ông đã thảo luận về "cách tăng cường các biện pháp trừng phạt chống lại Nga và cách buộc Nga tìm kiếm hòa bình".

Trong diễn biến mới nhất, Giám đốc chính sách khí hậu của Liên minh châu Âu (EU) Frans Timmermans cho biết, EU có thể đặt ra các mục tiêu đầy tham vọng hơn cho việc chuyển đổi sang năng lượng tái tạo khi họ tìm kiếm các giải pháp thay thế cho nhập khẩu dầu và khí đốt từ Nga.

Ủy ban châu Âu đã đề xuất EU cắt giảm 2/3 lượng khí đốt nhập khẩu của Nga trong năm nay và đang soạn thảo kế hoạch loại bỏ mặt hàng này từ Nga vào năm 2027. Ủy ban dự kiến ​​sẽ đề xuất một kế hoạch "Tiếp sức cho EU" trong tháng 5, nêu cách thức khối có thể từ bỏ nhiên liệu hóa thạch của Nga.

Chú thích ảnh
Tổng thống Ukraine, Volodymyr Zelensky (trái) và Thủ tướng Áo, Karl Nehammer trao đổi trước cuộc họp tại Kiev ngày 9/4. Ảnh: Reuters 

Trong khi đó, Thủ tướng Áo Karl Nehammer ngày 10/4 cho biết trên Twitter rằng ông có kế hoạch gặp Tổng thống Nga Vladimir Putin tại Moskva vào 11/4, đánh dấu cuộc gặp trực tiếp đầu tiên giữa ông Putin và một nhà lãnh đạo Liên minh châu Âu kể từ khi Nga đưa quân vào Ukraine cuối tháng 2. Ông Nehammer đã đến Ukraine, gặp Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky vào 9/4. 

Áo là thành viên của Liên minh châu Âu và đã ủng hộ các lệnh trừng phạt của khối 27 quốc gia chống lại Nga, mặc dù cho đến nay nước này vẫn phản đối việc cấm nhập khẩu khí đốt của Nga.

Thu Hằng/Báo Tin tức
Thấy gì từ việc phi đội vận tải cơ Trung Quốc vào châu Âu chuyển tên lửa cho Serbia
Thấy gì từ việc phi đội vận tải cơ Trung Quốc vào châu Âu chuyển tên lửa cho Serbia

Các chuyến bay của phi đội vận tải cơ Y-20 được cho là đã chuyển giao vũ khí cho Serbia nhưng cũng là một minh chứng cho thấy Trung Quốc đang ngày càng vươn ra toàn cầu.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN