Đại dịch đã ảnh hưởng đến cán cân cung - cầu của hàng hóa. Đây là hậu quả trực tiếp từ tình trạng “đóng cửa” nhằm làm giảm sự lây lan của virus SARS-CoV-2 tại nhiều quốc gia, khiến chuỗi cung ứng toàn cầu bị gián đoạn. Ngoài ra, đại dịch cũng đã gián tiếp khiến tăng trưởng chậm lại và có thể đẩy kinh tế toàn cầu vào đợt suy thoái nghiêm trọng nhất trong nhiều thập kỷ.
Những thay đổi lâu dài trên thị trường hàng hóa
Theo WB, những tác động đầy đủ của đại dịch đối với thị trường hàng hóa sẽ phụ thuộc vào mức độ nghiêm trọng cũng như thời gian tồn tại của virus và cách các quốc gia, cộng đồng thế giới lựa chọn ứng phó. Tuy nhiên, đại dịch COVID-19 sẽ có khả năng tạo ra những thay đổi lâu dài về cán cân cung - cầu của hàng hóa, đặc biệt là chuỗi cung ứng.
Phản ứng thị trường là đáng chú ý, đặc biệt là trong các mặt hàng liên quan đến vận tải. Giá dầu đã giảm kể từ tháng 1/2020 trước khi rơi xuống mức thấp lịch sử trong tháng 4, thậm chí có hợp đồng được giao dịch ở mức âm. Đà lao dốc này phản ánh nhu cầu đang suy yếu mạnh mẽ, trong khi tình hình cũng trở nên tồi tệ hơn vì sự không chắc chắn xung quanh các thoả thuận sản lượng giữa các nhà sản xuất dầu lớn.
Do những nỗ lực nhằm giảm thiểu sự lây lan của COVID-19 đã hạn chế phần lớn việc đi lại, nhu cầu dầu dự kiến sẽ giảm ở mức chưa từng thấy là 9,3 triệu thùng/ngày trong năm nay so với con số giảm chỉ 100 triệu thùng/ngày của năm 2019.
Chính vì thế, giá dầu dự kiến chỉ ở ngưỡng trung bình 35 USD/thùng trong năm 2020, giảm mạnh so với mức dự báo được đưa ra hồi tháng 10 và giảm 43% so với mức trung bình của năm 2019 là 61 USD/thùng. Trong khi đó, giá cao su tự nhiên và bạch kim, hai loại hàng hoá được sử dụng nhiều trong ngành giao thông vận tải, cũng đã giảm.
Tất nhiên, những nỗ lực gần đây của Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ và các đối tác (OPEC+) nhằm cắt giảm sản lượng sẽ giảm bớt một phần áp lực lên thị trường dầu mỏ. Song về lâu dài, các nhà sản xuất này vẫn sẽ phải đối mặt với những thách thức vốn đã tồn tại từ trước đó, như sự xuất hiện của nhà sản xuất mới, lựa chọn thay thế hay tính hiệu quả trong sản xuất. Đây là những nguyên nhân từng khiến các thoả thuận trước đó của OPEC đổ vỡ.
Giá năng lượng nói chung - bao gồm cả khí đốt tự nhiên và than đá - cũng dự kiến giảm trung bình 40% trong năm nay so với năm 2019, mặc dù sự phục hồi đáng kể có thể đạt được vào năm tới. Trong khi đó, giá than lại ít bị ảnh hưởng hơn, bởi nhu cầu về điện vẫn được duy trì khi các quốc gia thực hiện nhiều biện pháp giãn cách xã hội.
Ngoài ra, WB cũng cho rằng việc tạm dừng các hoạt động kinh tế đã gây thiệt hại cho các mặt hàng công nghiệp như đồng và kẽm, khiến giá kim loại nói chung dự kiến giảm trong năm nay. Nguyên nhân là do sự giảm tốc tại Trung Quốc - nền kinh tế chiếm đến 50% nhu cầu kim loại toàn cầu. Ở chiều ngược lại, giá vàng lại tăng cao khi người mua đã tìm kiếm sự an toàn trong bối cảnh hỗn loạn tài chính.
Còn đó mối lo an ninh lương thực
Trong khi đó, giá nông sản ít chịu ảnh hưởng bởi tăng trưởng kinh tế và chỉ trải qua những đợt giảm nhẹ, trừ giá cao su giảm mạnh và giá gạo tăng do điều kiện mùa màng xấu đi cùng một số hạn chế thương mại. Giá nông sản toàn cầu dự kiến sẽ vẫn ổn định trong năm 2020 do mức sản xuất và dự trữ của hầu hết các loại lương thực chính đều đang ở mức cao kỷ lục.
Mặc dù vậy, mối lo ngại về an ninh lương thực đã leo thang khi các quốc gia công bố hạn chế thương mại, bao gồm cấm xuất khẩu đối với một số mặt hàng nhất định, trong khi một số nơi khác lại đẩy mạnh mua vào quá mức. Tương tự, hoạt động sản xuất hàng hóa nông nghiệp, đặc biệt là vào vụ mùa tới, có thể bị ảnh hưởng bởi sự gián đoạn thương mại và phân phối đầu vào như phân bón, thuốc trừ sâu và người lao động. Trong thời gian vừa qua, sự đứt gãy trong chuỗi cung ứng đã ảnh hưởng đến hoạt động xuất khẩu của một số thị trường mới nổi và đang phát triển đối với các sản phẩm dễ hỏng như hoa, trái cây và rau quả.
Vì những lý do đó, WB cho rằng việc hạn chế xuất khẩu có thể gây tổn hại đến an ninh lương thực ở các nước nhập khẩu và kêu gọi các quốc gia cùng chung tay hành động để duy trì sự ổn định của dòng chảy thương mại thực phẩm.
Có thể nói, tác động của đại dịch COVID-19 trên thị trường hàng hóa rộng lớn có thể dẫn đến những thay đổi dài hạn. Chẳng hạn, chi phí vận chuyển có thể tăng cao do các quốc gia tăng cường kiểm soát xuyên biên giới, trong khi chi phí thương mại leo thang cũng sẽ ảnh hưởng đến nông nghiệp, thực phẩm và hàng dệt may. Ngoài ra, quyết định dự trữ một số mặt hàng nhất định để phòng thủ cũng có thể gây ảnh hưởng đến dòng chảy thương mại và giá cả toàn cầu.
Theo đánh giá của WB, các thị trường mới nổi phụ thuộc vào hàng hóa và các nền kinh tế đang phát triển sẽ là một trong những nơi dễ bị tổn thương nhất trước các tác động kinh tế của đại dịch. Ngoài vấn đề sức khỏe, con người cùng những ảnh hưởng của suy thoái kinh tế toàn cầu, việc nhu cầu xuất khẩu giảm và tình trạng gián đoạn chuỗi cung ứng sẽ gây thiệt hại cho nền kinh tế ở các quốc gia này.