Vương quyền dầu mỏ: Nhà giàu Saudi Arabia sẽ chết dưới tay Mỹ?

Đã quá trễ để Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) kết liễu cuộc cách mạng dầu đá phiến. Liên minh này đang phải đối mặt với tình cảnh Mỹ đủ khả năng tăng mạnh sản lượng mỗi khi dầu tăng giá.

Nếu những dự đoán về thị trường tương lai là chuẩn xác, Saudi Arabia sẽ lâm vào bất ổn trong hai năm tới, với viễn cảnh khủng hoảng kéo dài nhiều năm. Giá dầu hợp đồng tương lai giao tháng 12/2020 hiện được giao dịch quanh ngưỡng 62 USD/thùng, phản ánh sự thay đổi sâu sắc về bối cảnh kinh tế ở Trung Đông và những quốc gia giàu dầu mỏ.

Tháng 11/2014, Saudi Arabia đã chơi một ván bài lớn khi quyết định không hỗ trợ giá dầu lao dốc, thay vào đó tiếp tục tăng sản lượng khai thác lên mức kỉ lục 10,6 triệu thùng/ngày, gây ngập lụt nguồn cung với ý định đánh sập các nhà xuất khẩu manh nha hình thành có thể thách thức địa vị của Riyadh. Thế nhưng nếu như Saudi Arabia toan tính tiêu diệt ngành công nghiệp dầu đá phiến của Mỹ thì có vẻ như họ mắc phải một sai lầm nghiêm trọng.

Mỹ đang vươn tới địa vị người chơi chính trên thị trường dầu mỏ toàn cầu nhờ bước đột phá trong ngành khai thác dầu khí đá phiến. Ảnh: AP


Báo cáo của mới nhất của Ngân hàng Trung ương Saudi Arabia đã phải thừa nhận rằng các nước sản xuất ngoài OPEC giờ có thể đáp thích ứng tốt hơn với xu hướng giá dầu thấp, ít nhất là về mặt ngắn hạn. Việc Riyadh tăng sản lượng chỉ đưa đến hệ quả ngành công nghiệp dầu mỏ giảm bớt lượng giàn khoan triển khai ở các mỏ mới, mà không làm giảm dòng dầu chạy từ những mỏ đang khai thác. Công ty tư vấn Wood Mackenzie cho biết, các tập đoàn dầu mỏ, khí đốt lớn đã cắt giảm 46 dự án, với khoản vốn đầu tư lên đến 200 tỉ USD.

Đẩy giá dầu xuống đáy, Saudi Arabia và các nước vùng Vịnh thực chất chỉ giết chết triển vọng khai thác dầu với chi phí cao trong các dự án ở Bắc Cực (Nga), vịnh Mexico, vùng biển nước sâu Đại Tây Dương, ngành dầu cát của Canada. Không có dấu hiệu nào cho thấy ngành khai thác dầu khí đá phiến của Mỹ sẽ bị tàn lụi. Mấu chốt nằm ở chỗ, ngành công nghiệp mang tính cách mạng này không có chi phí quá cao, chỉ ở mức trung bình và giá thành sản xuất có thể sẽ còn giảm thêm 45% chỉ trong năm nay mà không cần viện đến việc chỉ chăm chăm tăng sản lượng ở các mỏ có trữ lượng cao.

Kĩ thuật khoan tiên tiến giúp các nhà sản xuất có thể mở từ 5-10 giếng khoan từ nhiều hướng khác nhau trong cùng một khu vực khai thác. Những vòi khoan mới có khả năng tự làm tan đất đá hứa hẹn sẽ giúp tiết kiệm 300.000 USD/giếng khoan. “Chúng tôi đã tiết giảm 50% chi phí khoan và có thể sẽ tiếp tục giảm 30% trong thời gian tới”, John Hess, người đứng đầu tập đoàn Hess Corporation (Mỹ) tiết lộ. Một câu chuyện tương tự cũng được Tập đoàn Pioneer Natural Resources chia sẻ: “Chúng tôi vừa mới khoan thành công mũi khoan ở độ sâu 5.400m chỉ trong vòng 16 ngày ở bồn địa Permian (Texas), so với 30 ngày hồi năm ngoái”.

Số lượng giàn khoan tại khu vực Bắc Mỹ đã giảm từ 1.608 chiếc thời điểm tháng 9/2014 xuống còn 664 chiếc, thế nhưng sản lượng dầu khai thác thì lại tăng lên, với mức kỉ lục mới được ghi nhận trong 43 năm qua: 9,6 triệu thùng/ngày trong tháng 6/2015. Tính đến thời điểm hiện tại, các nhà sản xuất dầu khí đá phiến vẫn được bảo đảm bởi các hợp đồng giao kỳ hạn tương lại. Thuốc thử sẽ đến trong vài tháng tới khi các hợp đồng này hết hạn. Tuy nhiên, viễn cảnh với OPEC cũng chẳng sáng sủa thêm là bao. Một số công ty mới gia nhập ngành dầu khí đá phiến sử dụng quá nhiều đòn bẩy tài chính sẽ phá sản, nhưng các giếng dầu thì vẫn còn đó, công nghệ và hạ tầng vẫn còn đó. Các tay chơi “giàu tiềm lực” sẽ vợt lại những dự án còn dang dở. Khi dầu tới ngưỡng 60 USD/thùng thì họ lại tăng sản lượng tức thì.

OPEC giờ đây phải đối mặt với “cơn gió ngược” kinh niên: Mỗi lần giá dầu tăng là một lần Mỹ tăng sản lượng khai thác. Ông Sheffield cho biết, chỉ riêng tại bồn địa Permian, các nhà sản xuất dầu đá phiến dư năng lực khai thác 5-6 triệu thùng/ngày, tức là nhiều hơn sản lượng của Saudi Arabia ở mỏ Ghawar – mỏ dầu lớn nhất thế giới. Trong tình thế này, Riyadh là người chịu thua thiệt nhiều nhất, với việc dầu mỏ chiếm đến 90% tổng thu ngân sách quốc gia. Quỹ Tiền tệ Quốc tế dự báo, thâm hụt ngân sách của Saudi Arabia sẽ là 140 tỉ USD trong năm nay, tương ứng với 20% GDP. Thâm thủng ngân sách sẽ còn căng thẳng hơn, do mức cân bằng chỉ có thể đạt được khi giá dầu ở mức 106 USD/thùng. Dự trữ ngoại tệ cũng giảm từ mức đỉnh 737 tỉ USD tháng 8/2014 xuống còn 672 tỉ USD tháng 5/2015 và sẽ tiếp tục “bốc hơi” 12 tỉ USD/tháng nếu giá dầu đi xuống.

Đó sẽ là một thách thức không nhỏ đối với chính quyền của Quốc vương Salman, khi mà Saudi Arabia chưa hình thành được một nền kinh tế với cơ cấu đa dạng, còn người dân thì đã quá quen với việc được chính quyền bao cấp, miễn thuế thu nhập cá nhân, cổ tức; trợ cấp giá xăng dầu, điện…
Hoài Thanh (Theo Oilprice)
Saudi Arabia lờ Mỹ quay sang ‘liên minh’ với Nga
Saudi Arabia lờ Mỹ quay sang ‘liên minh’ với Nga

Sau một thời gian trầm lắng, Saudi Arabia đang hướng đến việc khôi phục quan hệ với Nga.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN