Quang cảnh cảng hàng hóa ở Thiên Tân, Trung Quốc. Ảnh: THX/TTXVN
Theo dữ liệu được Cơ quan Thống kê Trung Quốc công bố vào ngày 15/7, từ tháng 4 đến tháng 6, tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của nước này đã tăng 5,2% so với cùng kỳ năm trước. Tuy mức tăng trưởng này giảm nhẹ so với mức 5,4% trong quý đầu năm, nhưng vẫn cao hơn dự báo 5,1% trong cuộc khảo sát với các nhà phân tích do Reuters tiến hành.
Các chuyên gia nhận định, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới cho đến nay đã tránh được đợt suy thoái, một phần nhờ vào thỏa thuận thương mại “mong manh” với Mỹ cùng các chính sách hỗ trợ khác. Tuy nhiên, đây được xem là những gam màu sáng nổi lên trước khi bước vào giai đoạn nửa cuối năm 2025 mang màu sắc tối hơn. Khi đó, xuất khẩu đối diện với nguy cơ mất đà tăng trưởng, giá cả tiếp tục giảm, trong khi niềm tin của người tiêu dùng cơ bản vẫn ở mức thấp.
Cuộc thăm dò mới nhất của Reuters dự đoán tăng trưởng GDP của Trung Quốc sẽ chậm lại còn 4,5% trong Quý 3 và 4,0% trong Quý 4. Theo đó, tăng trưởng GDP trong năm 2025 của Trung Quốc năm 2025 có thể giảm xuống còn 4,6% - thấp hơn mục tiêu mà phía Trung Quốc đề ra là mức 5% - và giảm xuống còn 4,2% vào năm 2026. Những con số trên dường như đang nhấn mạnh những khó khăn kinh tế ngày càng gia tăng khi những “đòn thuế quan” toàn cầu của Tổng thống Trump khiến Bắc Kinh phải đối mặt với không ít thách thức.
Phản ứng trước kết quả tăng trưởng trong Quý II của Trung Quốc, trong phiên ngày 15/7, chỉ số blue-chip CSI300 của Trung Quốc quay đầu đi ngang, trong khi chỉ số Hang Seng của Hong Kong giảm bớt đà tăng ngay sau khi dữ liệu được công bố. Chỉ số CSI300 giảm 0,1%, còn Hang Seng tăng 0,7%.
Nhận định, phân tích của các chuyên gia kinh tế
Ông Tony Sycamore, nhà phân tích tại IG (Sydney), cho biết: “Con số này không tệ. Nó tốt hơn rất nhiều so với dự đoán của chúng tôi vào tháng 4, nhưng doanh số bán lẻ hơi thấp so với kỳ vọng. Cùng với chỉ số CPI tuần trước và cán cân thương mại, có lẽ không làm thay đổi lớn tình hình hiện tại”.
“Có vẻ như kinh tế Trung Quốc vẫn đang phải chật vật. Nhưng tôi cũng thấy lạc quan vì vòng xoáy giảm phát dường như đã kết thúc khi chúng ta thấy dữ liệu lạm phát tốt hơn”, ông nói thêm.
Ông Christopher Wong, chiến lược gia tiền tệ tại OCBC (Singapore) nhận định: “Dữ liệu kinh tế và tăng trưởng của Trung Quốc khá trái chiều, với sản lượng công nghiệp tăng bất ngờ bất chấp sự suy yếu kéo dài của lĩnh vực bất động sản. Đồng nhân dân tệ chỉ chịu tác động ở mức vừa phải, phần nào phản ánh chủ đích của các nhà hoạch định chính sách trong việc giữ ổn định đồng tiền này. Tâm điểm tiếp theo sẽ là các chi tiết về chính sách hỗ trợ và diễn biến thuế quan của Trung Quốc”.
Ông Dan Wang, Giám đốc phụ trách Trung Quốc tại Tập đoàn Eurasia (Singapore), cho rằng: “Sản lượng công nghiệp vẫn là động lực chính của tăng trưởng, nhưng mang tính tự động hóa cao và không tạo ra nhiều việc làm. Tăng trưởng Quý III có nguy cơ chậm lại nếu không có kích thích tài chính mạnh hơn. Tiêu dùng yếu hơn dự kiến do động lực từ chương trình đổi hàng cũ lấy mới đã giảm và bất động sản vẫn là gánh nặng với khối lượng giao dịch ở mức thấp”.
“Thuế quan của Tổng thống Mỹ Donald Trump ảnh hưởng mạnh đến các nhà xuất khẩu, gây phá sản nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ, cũng như làm tổn hại đến tâm lý thị trường. Cả người tiêu dùng và doanh nghiệp đều trở nên thận trọng hơn, trong khi các nhà xuất khẩu ngày càng tìm kiếm sự tăng trưởng ở thị trường nước ngoài”, ông Dan Wang nhấn mạnh.
Ông Lisheng Wang, nhà kinh tế chuyên về Trung Quốc tại Goldman Sachs (Hong Kong) đánh giá: “Với tăng trưởng GDP thực tế nửa đầu năm đạt trung bình 5,3% so với cùng kỳ, chúng tôi không nghĩ các nhà hoạch định chính sách sẽ cần phải cấp bách tung ra các gói kích thích lớn và toàn diện tại cuộc họp Bộ Chính trị vào tháng 7. Thay vào đó, chúng tôi dự báo sẽ có những biện pháp nới lỏng dần dần, có mục tiêu nhằm hạn chế suy thoái của thị trường bất động sản và giảm áp lực lên thị trường lao động trong nửa cuối năm”.
Ông Alex Loo, chiến lược gia vĩ mô tại TD Securities (Singapore), cho biết: “Phản ứng thị trường khá yếu... Tâm điểm bây giờ chuyển sang cuộc họp bàn về các vấn đề kinh tế của Bộ Chính trị trong tháng 7. Chúng tôi dự báo cuộc thảo luận sẽ tập trung vào ngành bất động sản sau một loạt dữ liệu nhà ở kém khả quan và có các thông tin rò rỉ trong nước xoay quanh khả năng có gói kích thích bất động sản”.
“Chúng tôi nghĩ sẽ không có gói kích thích tài khóa mới trong chương trình nghị sự vì kinh tế nửa đầu năm tăng trưởng ở mức đáng kể, và các quan chức có thể sẽ lựa chọn theo dõi tình hình và chờ xem diễn biến thương mại sau thời hạn tạm hoãn áp thuế quan Mỹ - Trung vào tháng 8”, ông Alex nói thêm.
Ông Shane Oliver, nhà kinh tế trưởng tại AMP (Sydney), đánh giá: “Về tổng thể, mọi thứ vẫn ổn, vừa đủ để giữ nền kinh tế tăng trưởng quanh mục tiêu 5%. Kinh tế đang tăng trưởng, nhưng không phải là xuất sắc, nhưng vẫn đang tăng và tôi nghĩ từ góc độ chính sách, các nhà chức trách sẽ tiếp tục làm vừa đủ để duy trì đà tăng trưởng”.